|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

Cổ phiếu VinFast rơi về vùng đáy

09:32 | 06/02/2024
Chia sẻ
Cổ phiếu VinFast trên Nasdaq tạo đáy mới trong năm 2024, xuống 5,27 USD/cp.

Kết phiên giao dịch ngày 5/2 giờ Mỹ, cổ phiếu mã VFS của VinFast trên Nasdaq lập đáy mới trong năm 2024 khi giảm gần 8% xuống 5,27 USD/cp. Theo đó, giá trị vốn hoá trên thị trường của VinFast được Companies Market Cap ước tính giảm gần 37% so với thời điểm cuối năm 2023 xuống hơn 12 tỷ USD.

Đây chưa phải là mức giá thấp nhất của VFS, trước đó trong phiên giao dịch hồi tháng 10 năm ngoái, có thời điểm cổ phiếu VinFast xuống dưới 4,65 USD/cp.  

Hiện VinFast xếp thứ 4 trong danh sách các hãng xe điện có vốn hoá lớn nhất thế giới, sau Rivian, Li Auto và Tesla. 

Cổ phiếu VinFast lập đáy mới. (Nguồn: TradingView).

Trả lời phỏng vấn Reuters hồi tháng 1, bà Lê Thị Thu Thuỷ - Chủ tịch VinFast tiết lộ mục tiêu tăng tỷ lệ cổ phiếu VFS tự do chuyển nhượng lên 10-20% vào cuối năm nay. 

“Năm nay, khi thị trường hồi phục, chúng tôi sẽ thể hiện nhiều bước tiến hơn như tăng lượng cổ phiếu lưu hành, thu hút thêm nhiều nhà đầu tư, bao gồm cả nhà đầu tư dài hạn", bà Thuỷ nói bên lề CES Las Vegas.

Việc tăng tỷ lệ cổ phiếu tự do chuyển nhượng có thể giúp VFS trên thị trường bớt biến động mạnh. Trước đó vào tháng 8, khi lên sàn cổ phiếu VFS đã có thời điểm tăng hơn 255% đạt giá trị thị trường 85 tỷ USD.

Về tình hình kinh doanh, năm 2023, hãng xe của tỷ phú Phạm Nhật Vượng bán ra 34.855 xe điện, gấp 5 lần doanh số trong năm 2022. Tổng cộng kể từ khi kinh doanh ô tô điện vào năm 2021, đến nay VinFast bàn giao 42.291 ô tô điện.

Hiện chưa rõ doanh số bán xe của VinFast tại Mỹ là bao nhiêu. Mới đây, để đẩy mạnh việc bán hàng, VinFast lên kế hoạch mở rộng mạng lưới đại lý bao gồm 125 điểm bán hàng trên khắp thị trường Mỹ, đồng thời khởi công một nhà máy xe điện trị giá 4 tỷ USD ở Bắc Carolina sẽ hoàn thành vào cuối năm 2025, dự kiến năng lực sản xuất khoảng 150.000 xe/năm.

Công ty cũng đang xúc tiến để xuất khẩu lô xe điện đầu tiên vào châu Âu.

Trước đó để tăng tốc cho các kế hoạch kinh doanh của hãng xe, đầu năm nay ông Phạm Nhật Vượng, nhà sáng lập kiêm Chủ tịch Vingroup, sẽ chuyển vai trò từ Chủ tịch VinFast sang đảm nhận vị trí Tổng Giám đốc thay cho bà Lê Thị Thu Thủy. 

Ông Phạm Nhật Vượng cũng sẽ tiếp quản vị trí Giám đốc Điều hành. Đồng thời, bà Lê Thị Thu Thủy sẽ chuyển từ vai trò Tổng Giám đốc VinFast sang đảm nhận vị trí Chủ tịch Hội đồng quản trị. 

Trên cương vị Tổng Giám đốc VinFast, ông Phạm Nhật Vượng sẽ trực tiếp quản lý các hoạt động vận hành, bao gồm sản xuất toàn cầu, bán hàng và chiến lược thị trường.

Cuối tháng 1, Nhà phân tích Daniel Miller thuộc Yahoo Finance nhận định “VinFast vẫn là một lựa chọn đầu tư dài hạn hấp dẫn trong ngành xe điện”. 

Theo ông, nhà sản xuất xe điện non trẻ của Việt Nam vẫn đang trong giai đoạn đầu tư và chưa có lãi, song lại có một con át chủ bài trong tay là Vingroup. Sự hậu thuẫn đáng kể từ Vingroup có thể mang lại cho VinFast sự ổn định tài chính cần thiết để thâm nhập thị trường Bắc Mỹ, và sinh lợi theo thời gian.

Trên thực tế, kế hoạch của VinFast tại thị trường Mỹ đang dần được thực hiện. Hãng xe có kế hoạch tung ra mẫu VF 3 mới với mức giá được cho là dưới 20.000 USD, thấp hơn nhiều so với ngưỡng 35.000 USD mà nhiều nhà phân tích tin rằng cần phải đạt được để thu hút người tiêu dùng phổ thông.

“Có thể nhà đầu tư chưa nghe nói đến VinFast, nhưng với sự hỗ trợ tài chính, hãng xe này cuối cùng có thể trở thành nhà sản xuất ô tô nước ngoài tiếp theo tạo dựng được tên tuổi tại thị trường Mỹ”, Daniel Miller nói.

Đức Huy

Danh mục tự doanh 11 tỷ USD của các CTCK đang phân bổ như thế nào?
Giá trị tự doanh toàn ngành chứng khoán đã vượt mức 11 tỷ USD tại cuối 2024. Đa số các công ty ghi nhận FVTPL chiếm tỷ trọng lớn nhất cơ cấu mảng tự doanh. Trong khi đó, MBS, ACB chủ yếu phân bổ tại HTM, còn Vietcap, TBCS tiếp tục ghi nhận phần lớn ở khoản AFS.