|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Tài chính

Cổ phiếu VietinBank giờ đã rẻ?

13:49 | 16/04/2020
Chia sẻ
Khi so với các ngân hàng có cùng qui mô như Vietcombank, BIDV thì cổ phiếu CTG của VietinBank đang được định giá rẻ hơn khá nhiều.

Giá cổ phiếu về đáy của hai năm, P/E ở mức thấp

Trước bối cảnh đại dịch COVID-19 diễn biến phức tạp ảnh hưởng nặng nề đến kinh tế toàn cầu cũng như Việt Nam khiến nhiều doanh nghiệp phải tạm dừng hoạt động, nhất là doanh nghiệp vừa và nhỏ. Hiện hoạt động của các doanh nghiệp đang bị ngừng trệ, thậm chí dừng hẳn, vì vậy nhu cầu vay vốn trên thị trường đang có xu hướng giảm.

Theo đó, tăng trưởng tín dụng của ngành ngân hàng nói chung và Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam (VietinBank - Mã: CTG) nói riêng cũng chậm lại do nhu cầu về tín dụng của các doanh nghiệp giảm sút đồng thời nhu cầu về tiêu dùng cá nhân sụt giảm dưới tác động của dịch bệnh.

Tại báo cáo thường niên 2019 mới công bố, VietinBank cũng nhận định ảnh hưởng của dịch COVID-19 ngay từ đầu năm 2020 tác động tới nền kinh tế, đòi hỏi các ngân hàng phải nỗ lực hỗ trợ, cùng với doanh nghiệp vượt qua. Đây cũng là yếu tố có thể tác động tới tăng trưởng cũng như khả năng sinh lời của các ngân hàng trong năm 2020.

Với tác động tiêu cực của dịch COVID-19 đã khiến giá cổ phiếu CTG giảm về vùng đáy của hai năm trở lại đây (giá đóng cửa ngày 30/3 ở mức 17.200 đồng/cp).

Cổ phiếu VietinBank giờ đã rẻ? - Ảnh 1.

Diễn biến giá cổ phiếu CTG trong hai năm qua (Nguồn: VNDirect).

Đồng thời, P/E (giá/EPS) của VietinBank đang ở mức 9,7x, đây là mức khá thấp trong hai năm trở lại đây.

Cổ phiếu VietinBank giờ đã rẻ? - Ảnh 2.

P/E của VietinBank trong hai năm qua. (Thu hoài tổng hợp)

Ngoài ra, khi so sánh với các ngân hàng khác, mức định giá theo P/E của VietinBank ở mức trung bình. Hơn nữa khi so với các ngân hàng có cùng qui mô là Vietcombank, BIDV thì cổ phiếu CTG đang được định giá rẻ hơn khá nhiều.

Cổ phiếu VietinBank giờ đã rẻ? - Ảnh 3.

P/E của một số ngân hàng. (Thu hoài tổng hợp)

Kì vọng tăng trưởng nhờ mạnh tay trích lập nợ xấu

Đáng chú ý, trong khoảng thời gian từ tháng 12/2019 đến giữa tháng 2/2020, giá cổ phiếu CTG diễn biến khá tích cực khi báo cáo tài chính 2019 của VietinBank đã thoát khỏi bức tranh kém sắc trong năm trước với nhiều "con số đẹp".

Cổ phiếu VietinBank giờ đã rẻ? - Ảnh 4.

Giá cổ phiếu CTG từ tháng 12/2019 đến nay. (Nguồn: VNDirect)

Lợi nhuận trước thuế năm 2019 của ngân hàng đạt 11.780 tỉ đồng, tăng gần 80% so với năm trước. Trong đó, tăng trưởng lợi nhuận đến từ nhiều mảng kinh doanh với mức tăng lãi thuần cao trên 40%.

Tính tại thời điểm 31/12/2019, tổng tài sản của VietinBank đạt hơn 76.400 tỉ đồng, tăng 6,6% so với đầu năm 2019. Nguồn vốn huy động từ tổ chức kinh tế và dân cư đạt gần 67.000 tỉ đồng, tăng 8,8%.

Tăng trưởng tín dụng của ngân hàng cũng cải thiện và đạt mức 8% so với 5,2% của năm 2018, tỉ lệ nợ xấu của ngân hàng đã giảm xuống và ghi nhận ở mức 1,14%, qua đó chất lượng tại sản của VietinBank có sự cải thiện rõ rệt khi mạnh tay trích lập và xử lí nợ xấu.

Theo nhận định của các công ty chứng khoán, việc mạnh tay trích lập nợ xấu và gia tăng chất lượng các khoản vay sẽ tạo điều kiện cho VietinBank giảm chi phí tín dụng trong tương lai, đồng thời tăng khả năng thu nhập từ hoạt động thu hồi nợ xấu.

Về thu nhập lãi, công ty chứng khoán kì vọng tỉ suất sinh lời của tài sản sẽ tiếp tục được duy trì tương đương năm 2019 ngay cả khi ngân hàng này giảm lãi suất để hỗ trợ các doanh nghiệp ảnh hưởng bởi COVID-19 nhờ tiếp tục tăng tỉ trọng cho vay khách hàng cá nhân (đối tượng có lãi suất cho vay cao, hiện vẫn chiếm tỉ trọng lãi suất thấp trong danh mục của ngân hàng).

Hơn nữa, room tăng trưởng tín dụng của VietinBank không cao, do đó áp lực giảm lãi suất để thu hút khách hàng không lớn. Được biết, năm 2020, VietinBank dự kiến tổng tài sản tăng trưởng 1-3%, dư nợ tín dụng tăng 4-8,5%, huy động vốn tăng dự kiến 5-10%. VietinBank cho biết hạn mức tăng trưởng tín dụng được Ngân hàng Nhà nước giao hiện nay là 8,5%.

NIM có thể bị co hẹp bởi dịch COVID-19

Tuy nhiên, trước tác động nghiêm trọng của dịch COVID-19, khả năng sinh lời của VietinBank được dự báo chịu ảnh hưởng tiêu cực và đã phản ánh vào giá cổ phiếu trong thời gian gần đây.

Cụ thể, để hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua giai đoạn kinh tế khó khăn do ảnh hưởng của dịch COVID-19 cũng như thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, VietinBank đã gia tăng qui mô gói tín dụng với lãi suất thấp nhất thị trường lên gần 30.000 tỉ đồng với lãi suất cho vay bằng VND giảm thêm 1,5 điểm %/năm và 0,5 - 0,7 điểm %/năm đối với USD so với các chương trình trước đây để hỗ trợ doanh nghiệp.

Điều này sẽ tác động đáng kể đến lợi nhuận của VietinBank khi NIM (tỉ lệ thu nhập lãi thuần) có thể co hẹp lại. Bên cạnh đó, tại cuộc họp giữa Thủ tướng với lãnh đạo các bộ và cộng đồng doanh nghiệp ngày 13/4, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Đào Minh Tú cũng cho biết lợi nhuận riêng của tất cả ngân hàng có vốn Nhà nước năm nay dứt khoát phải giảm tối thiểu là 40% để đóng góp vào việc giảm lãi suất, hỗ trợ doanh nghiệp.

Mặt khác, các công ty chứng khoán đánh giá VietinBank hiện không còn room để giảm qui mô huy động do tỉ lệ LDR (tỉ lệ Dư nợ tín dụng/Vốn huy động) đã chạm ngưỡng giới hạn.

Các chiến lược giảm chi phí huy động vốn như thu hút CASA (tiền gửi không kì hạn) từ người gửi tiền hoặc giảm vốn cấp 2 (trái phiếu) cũng chưa rõ ràng. Do đó chi phí huy động vốn của VietinBank sẽ biến động cùng với lãi suất của thị trường.

Ngoài ra, vấn đề về nợ xấu có khả năng sẽ gia tăng trong thời gian sắp tới, đặc biệt kể từ năm 2021. Trong năm 2020, các ngân hàng hiện tại vẫn đang được NHNN chỉ đạo giãn nợ và chưa chuyển nhóm nợ đối với các doanh nghiệp chịu ảnh hưởng trực tiếp từ dịch COVID-19, tuy nhiên công ty chứng khoán cho rằng trong năm 2021 sau thời gian giãn nợ trên, nợ xấu sẽ bắt đầu hình thành trở lại.

Cổ phiếu VietinBank giờ đã rẻ? - Ảnh 4.

Nguồn: CTCP Chứng khoán Phú Hưng (PHS).

Thu Hoài