|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Doanh nghiệp

Cổ phiếu thủy sản vẫn còn hấp dẫn, vì đâu cặp đôi 'mẹ con' IDI và ASM lao dốc?

10:29 | 07/01/2019
Chia sẻ
Dù nhóm cổ phiếu thủy sản được nhận định vẫn còn hấp dẫn trong 2019, nhưng “bộ đôi” IDI và ASM lại kiến nhà đầu tư e dè do những lo ngại về cơ cấu cổ đông, quản trị doanh nghiệp kém hiệu quả.

Kết thúc phiên 4/1/2019, VN-Index dừng ở 880,9 điểm, giảm 7,5% so với đầu tháng 12/2018. Hầu hết các nhóm ngành trụ cột đều sụt giảm khi thị trường chứng khoán chịu sự điều chỉnh mạnh. Chỉ tính riêng phiên đầu năm, giá trị vốn hóa của Sabeco (Mã: SAB), HDBank (Mã: HDB), Vicostone (Mã:VCS) đã bay hơi cả chục nghìn tỉ đồng.

Dù nhóm cổ phiếu thủy sản có sự điều chỉnh do ảnh hưởng của thị trường chứng khoán nhưng một số mã vẫn có một tháng giao dịch tích cực như Thủy sản Mekong (Mã: AAM) tăng 11%; Xuất nhập khẩu Thủy sản Cửu Long An Giang (Mã: ACL) tăng 1%; Thủy sản Hùng Vương tăng 2%…

Theo các công ty chứng khoán, ngành thủy sản, đặc biệt là cá tra và tôm là hai mặt hàng thế mạnh của Việt Nam đang có nhiều thuận lợi trong việc mở rộng thị trường tại Trung Quốc, được giảm thuế chống bán phá giá tại Mỹ. Thêm vào đó, trường hợp chiến tranh thương mại Mỹ - Trung còn căng thẳng, Việt Nam hoàn toàn có thể tăng thị phần xuất khẩu cá tra vào Mỹ, thay thế cho cá rô phi Trung Quốc (đang chiếm 40% trong tổng sản lượng cá nhập khẩu của Mỹ).

Xuất khẩu tăng làm thị trường kỳ vọng doanh thu và biên lợi nhuận của doanh nghiệp thủy sản cũng sẽ tăng theo. Do đó, cổ phiếu ngành thủy sản được dự báo tiếp tục thu hút dòng tiền đổ vào với mức thanh khoản khá cao.

Tuy nhiên, trong nhóm này, giá cổ phiếu ASM của Tập đoàn Sao Mai và IDI của Tập đầu tư và Phát triển Đa Quốc Gia – IDI (công ty con của Sao Mai) lại có sự sụt giảm mạnh với mức giảm lần lượt là 42%, 33% trong vòng một tháng qua. Vậy đâu là nguyên nhân dẫn khiến cặp đôi “mẹ con” IDI và ASM lại lao dốc như vậy?

co phieu thuy san van con hap dan vi dau cap doi me con idi va asm lao doc
Diễn biến giá cổ phiếu ngành thủy sản trong một tháng qua (Minh Anh tổng hợp).

Lãnh đạo IDI dồn dập thoái vốn, công ty mẹ lại muốn mua vào

Vào cuối tháng 10/2018, hàng loạt lãnh đạo, cổ đông nội bộ của IDI đã đăng ký bán phần lớn lượng cổ phiếu đang nắm giữ.

Đặc biệt, trong khoảng thời gian từ 2/10- 8/10/2018, có 11 cá nhân là thành viên Hội đồng Quản trị, Ban giám đốc và người có liên quan đăng ký bán ra hầu hết cổ phiếu IDI đang nắm giữ, với tổng khối lượng 14,4 triệu cp, tương đương 7,93% vốn. Trong và sau khoảng thời gian này, cổ phiếu IDI đã có nhiều phiên tăng trần liên tiếp.

Sau đó vài ngày, cổ đông lớn Tập đoàn Sao Mai bất ngờ đăng ký mua 27 triệu cổ phiếu IDI từ 2/11 đến 30/11 nhằm tăng sở hữu lên hơn 66% khiến giá cổ phiếu IDI tiếp tục tăng vọt lên gần 12.100 đồng/cp (kết thúc phiên 12/11/2018).

Động thái này diễn ra đúng thời gian IDI chốt đã chốt danh sách cổ đông nhận cổ tức năm 2017 và tạm ứng cổ tức đợt 1/2018, tổng tỷ lệ là 20% trong đó 9% bằng cổ phiếu và 11% bằng tiền mặt, thanh toán vào cuối tháng 11.

Nếu mua được hết số cổ phiếu nói trên trước ngày chốt cổ tức 9/11 thì Sao Mai sẽ thu được khoản cổ tức hơn 110 tỉ đồng. Tuy nhiên khi xuất hiện thông tin Sao Mai chỉ mua được 1% số cổ phiếu đăng ký thì IDI đã cắm đầu đi xuống, giảm còn 6.300 đồng (phiên 4/1) chỉ trong vòng nửa tháng.

co phieu thuy san van con hap dan vi dau cap doi me con idi va asm lao doc
Diễn biến giá cổ phiếu IDI trong 3 tháng qua. (Nguồn: VNDirect).

Cổ đông lớn của Sao Mai là “người một nhà”

Còn về cổ phiếu ASM, sau tín hiệu kinh doanh quý I/2018 tích cực, ASM bắt đầu giai đoạn tăng từ cuối tháng 3/2018 từ mức khoảng 11.000 đồng/cổ phiếu lên mức đỉnh hơn 10 tháng là 15.150 đồng/cổ phiếu vào đầu tháng 5. Sau đó, cổ phiếu này đã rơi về vùng giá cũ theo đà giảm chung của thị trường vào giữa tháng 7.

Ngoài ra, thông tin ASM muốn tăng sở hữu tại IDI lên 51% không qua chào mua công khai đã khiến cổ đông nhỏ lo ngại về tính minh bạch, quản trị doanh nghiệp của ASM, giá cổ phiếu cũng lao dốc theo.

co phieu thuy san van con hap dan vi dau cap doi me con idi va asm lao doc
Diễn biến giá cổ phiếu ASM trong một năm qua (Nguồn: VNDirect).

Bên cạnh đó, cổ đông lớn ASM là "người một nhà" cũng khiến nhà đầu tư khá e dè khi đầu tư vào cổ phiếu này. Hiện cổ đông lớn đang nắm giữ cổ phần trên 5% tại ASM đều là người nhà của Chủ tịch HĐQT Lê Thanh Thuấn, người đang nắm 19,3% vốn. Trong đó, bà Võ Thị Thanh Tâm, vợ ông Thuấn nắm 5,2% vốn. Hai con gái của ông Thuấn là bà Lê Thị Nguyệt Thu và bà Lê Thị Thiên Trang lần lượt nắm 5,3% và 5,2%.

Lãi 9 tháng tăng đột biến, hàng tồn kho và nợ vay cũng tăng theo

9 tháng năm 2018, doanh thu thuần IDI đạt 4.265 tỉ đồng, tăng 13% so với cùng kỳ, trong khi giá vốn chỉ tăng 6%. Lợi nhuận gộp thu hơn 710 tỉ đồng, tăng 60%. Lợi nhuận sau thuế IDI đạt 462 tỉ đồng, gấp đôi lợi nhuận đạt được 9 tháng năm 2017, bằng 80% kế hoạch năm; lợi nhuận sau thuế ghi nhận về cho cổ đông công ty mẹ đạt 455 tỉ đồng.

Tuy vậy, tính tại thời điểm 30/9/2018, tổng nợ phải trả của IDI ở mức 3.601 tỉ đồng, chiếm 57,3% nguồn vốn, chủ yếu là nợ vay ngắn hạn (3.003 tỉ đồng). Điều này sẽ tạo ra rủi ro cho cả IDI và công ty mẹ ASM.

Đối với hoạt động kinh doanh của ASM, 9 tháng năm 2018, ASM đạt 5.149 tỉ đồng doanh thu thuần, cao gấp 3,5 lần cùng kì. Lãi gộp đạt 767 tỉ đồng tăng mạnh so với con số 185 tỉ đồng của 9 tháng đầu năm 2017.

Sau khi trừ các khoản chi phí, lãi sau thuế thuộc về công ty mẹ đạt 957 tỉ đồng, gấp 7,7 lần cùng kì, tương đương EPS đạt 3.956 đồng. Tuy nhiên, sự đột biến này chủ yếu đến từ việc đánh giá lại khoản đầu từ từ IDI, mang lại lợi nhuận tài chính hơn 429 tỉ đồng cho ASM.

Hơn nữa, tính tại thời điểm 30/9/2018, hàng tồn kho của ASM ở mức 2.134 tỉ đồng, tăng hơn 60% so với hồi đầu năm. Phải thu ngắn hạn 2.874 tỉ đồng, tăng hơn 53% trong đó hơn 1.196 tỉ đồng là phải thu ngắn hạn khách hàng.

Nợ phải trả 5.385 tỉ đồng, tăng 94% so với thời điểm đầu năm, trong đó, vay ngắn hạn chiếm 2.908 tỉ đồng.

Xem thêm

Minh Anh