Cổ phiếu tâm điểm 29/11: CTG, VNM, KBC
VNM - Đồ thị giá tiến về mức cao nhất tháng 11
Chứng khoán Yuanta Việt Nam (FSC)
Điểm nhấn kỹ thuật:
- Kháng cự ngắn hạn: 82,5
- Hỗ trợ ngắn hạn: 76,82
- Xu hướng ngắn hạn: Tăng
- Kháng cự trung hạn: 87,9
- Hỗ trợ trung hạn: 66,5
- Xu hướng trung hạn: Tăng
Phân tích:
Stock Rating của VNM đóng cửa ở mức 91 điểm cho thấy mức xếp hạng tăng trưởng của cổ phiếu này là tích cực. Đồ thị giá của VNM đóng cửa phiên 25/11 tăng 1,2% với khối lượng giao dịch trên mức trung bình 20 phiên.
Đồng thời, đồ thị giá có dấu hiệu bước vào giai đoạn biến động mạnh theo chiều hướng tích cực cho thấy xu hướng ngắn hạn đã rõ ràng hơn và đồ thị giá có thể sẽ nhanh chóng vượt hoàn toàn mức kháng cự 82,5 trong vài phiên tới.
Tuy nhiên, đồ thị giá có khả năng sẽ xuất hiện nhịp điều chỉnh khi đồ thị giá đang bước vào vùng quá mua ngắn hạn. Xu hướng ngắn hạn của VNM cũng được nâng lên mức tăng. Do đó, các nhà đầu tư ngắn hạn có thể xem xét mua ở mức giá hiện tại.
CTG - Kỳ vọng nguồn vốn huy động được cải thiện nhờ tăng lãi suất
CTCP Chứng khoán KB Việt Nam (KBSV)
Phân tích:
Theo báo cáo của KBSV, tính đến hết quý III/2022, tăng trưởng huy động khách hàng của CTG đạt 2,4% so với cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, tỷ lệ LDR của CTG vẫn duy trì ở mức 82,3% do CTG vẫn chủ động huy động các nguồn vốn khác để cân đối với nhu cầu hoạt động.
Theo quan điểm của KBSV, tăng trưởng huy động của CTG sẽ được cải thiện trong 3 tháng cuối năm khi ngân hàng đã có động thái tăng lãi suất huy động trong tháng 10 - 11 qua đó đảm bảo nguồn lực phục vụ tăng trưởng tín dụng và gia tăng hiệu quả cho ngân hàng.
Dựa trên kết quả định giá, triển vọng kinh doanh cũng như xem xét các yếu tố rủi ro có thể phát sinh, các nhà phân tích khuyến nghị mua đối với cổ phiếu CTG. Giá mục tiêu cho năm 2023 là 31.000 đồng/cp, cao hơn 20,2% so với giá tại ngày 25/11.
KBC - Khó khăn ngắn hạn
CTCP Chứng khoán MB (MBS)
Phân tích:
Trong 9 tháng đầu năm 2022, với diễn biến phức tạp từ địa chính trị cũng như lạm phát toàn cầu, lãi suất tăng cao và các diễn biến bất lợi cho thị trường bất động sản trong nước đã khiến cho kết quả kinh doanh của KBC không mấy khả quan so với cùng kỳ và tỷ lệ hoàn thành kế hoạch doanh thu ở mức thấp.
Cụ thể, trong 9 tháng đầu năm 2022, KBC chỉ mới thực hiện 13% kế hoạch doanh thu đề ra đạt gần 1,3 nghìn tỷ đồng (giảm 58,1% so với cùng kỳ). Dù vậy, lãi sau thuế trong 9 tháng ghi nhận hơn 2,1 nghìn tỷ đồng (tăng 194%) chủ yếu đến từ khoản lãi từ việc đánh giá lại tài sản.
Tuy nhiên, các nhà phân tích vẫn kỳ vọng vào sự khả quan trong trung hạn với việc công ty có thể ghi nhận được doanh thu từ các dự án lớn như KCN Nam Sơn Hạp Lĩnh, Tràng Duệ 3 và KĐT Phúc Ninh, Tràng Cát trong năm 2023 và trung hạn.
Nhà đầu tư chỉ nên xem những nhận định của các công ty chứng khoán là nguồn thông tin tham khảo. Các công ty chứng khoán đều có khuyến cáo miễn trách nhiệm đối với những nhận định trên.