Cổ phiếu tâm điểm 24/10: VCB, VPB, STK
VCB - Để ngỏ khả năng giảm trong ngắn hạn
CTCP Chứng khoán FPT (FPTS)
Điểm nhấn kỹ thuật
- Trên đồ thị tuần, VCB hình thành nến Spinning Top cuối đà hồi phục cho dấu hiệu suy yếu của lực cầu.
- Trong ngắn hạn VCB đang chịu áp lực bởi xu hướng giảm, với đường EMA 20 và 60 phiên đóng vai trò kháng cự động.
- Nhịp hồi phục của VCB chịu áp lực bán lớn tại vùng giá 70.000 đồng, hình thành nến có dạng Long Upper Shadow báo hiệu kết thúc nhịp tăng.
- Chỉ báo RSI cho thấy động lượng tăng của cổ phiếu đang gặp áp lực.
- Mục tiêu cho vị thế bán được xác định ở ngưỡng Fibonacci 50% mở rộng (tính cho chu kỳ giảm từ 86.500 đồng) tại 58.000 đồng.
Phân tích:
Quy luật “Choppy market” của VCB kể từ 2021 đã bị phá vỡ, mở ra một xu hướng giảm mới cho cổ phiếu. Sự phục hồi của VCB sau khi tạo đáy 62.000 đồng đã bắt đầu gặp dấu hiệu thất bại khi áp lực bán tại vùng giá 70.000 đồng tương đối lớn. Điều này có thể khiến VCB quay trở lại xu hướng giảm trong ngắn hạn. Theo đó, FPTS khuyến nghị bán cổ phiếu VCB cho kỳ vọng xu hướng ngắn hạn.
VPB - Lãi quý III tăng 73%
CTCP Chứng khoán Yuanta Việt Nam (FSC)
Phân tích:
Theo báo cáo cập nhật mới đây của Chứng khoán Yuanta Việt Nam (FSC), lợi nhuận sau thuế của cổ đông công ty mẹ (PATMI) quý III/2022 đạt 3,7 nghìn tỷ đồng, tăng 73%. Lợi nhuận tăng mạnh so với cùng kỳ chủ yếu do mức nền thấp của quý III/2021. PATMI của 9 tháng năm 2022 đạt 15,9 nghìn tỷ đồng, tăng 70%, thực hiện 67% kế hoạch cả năm của ngân hàng và 76% dự báo của FSC.
Tín dụng tăng trưởng 15%, đạt 443 nghìn tỷ đồng tại thời điểm quý III/2022, trong đó cho vay cá nhân chiếm 70% tổng dư nợ tín dụng. VPB đang giao dịch tương ứng với P/B 2022E là 1,0x, tương ứng với trung vị ngành. Dự báo ROE năm 2022 của nhóm phân tích là 20%.
STK - Thách thức trước mắt với nguy cơ đơn đặt hàng bị cắt giảm
CTCP Chứng khoán Rồng Việt (VDSC)
Phân tích:
Khách hàng gián tiếp của STK với đầu ra là các sản phẩm quần áo thể thao và các sản phẩm may mặc, chịu ảnh hưởng lớn từ vĩ mô. Theo STK, sự chậm trễ trong các đơn đặt hàng của khách hàng dệt do mức tồn kho cao của phía sản xuất & bán buôn, sẽ ảnh hưởng đến tăng trưởng sản lượng của công ty trong nửa cuối năm 2022 và cho đến nửa đầu năm 2023 nếu tình hình hiện tại vẫn tiếp diễn.
Theo đó, kế hoạch của STK là tập trung vào các đơn đặt hàng có giá trị cao để bù đắp sự sụt giảm sản lượng. STK không lạc quan về tỷ trọng doanh thu sợi tái chế cho năm 2022 so với kế hoạch đề ra của doanh nghiệp khi sản lượng sợi tái chế giảm 10% trong khi sợi nguyên sinh tăng trưởng 11% về sản lượng trong nửa đầu năm.
Tuy nhiên, Rồng Việt vẫn tin vào mức chênh lệch giá bán và giá nguyên vật liệu của sợi tái chế duy trì ổn định so với sợi nguyên sinh. Do đó, doanh thu và lãi sau thuế trong quý III/2022 được kỳ vọng lần lượt là 560 tỷ đồng (tăng 20% so với cùng kỳ) và 67 tỷ đồng (tăng 8%).
Trong năm 2022, VDSC dự báo tỷ trọng sợi tái chế sẽ đóng góp 49% tổng doanh thu. Doanh thu và lãi sau thuế kỳ vọng đạt lần lượt 2.311 tỷ đồng, tăng 13% và 289 tỷ đồng, tăng 4%. EPS cả năm đạt 3.533 đồng/cổ phiếu.
Nhà đầu tư chỉ nên xem những nhận định của các công ty chứng khoán là nguồn thông tin tham khảo. Các công ty chứng khoán đều có khuyến cáo miễn trách nhiệm đối với những nhận định trên.