|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Chứng khoán

Cổ phiếu SMIC lao dốc 23% một phiên sau khi Mỹ đe dọa cấm vận

17:18 | 07/09/2020
Chia sẻ
Cổ phiếu SMIC, nhà sản xuất chip lớn nhất của Trung Quốc lao dốc gần 23% hôm 7/9 sau khi bị Mỹ dọa áp đặt hạn chế nhập khẩu. Các công ty công nghệ Trung Quốc đang trở thành nạn nhân trong đối đầu Mỹ-Trung.
Hơn 20% thị giá của SMIC bị thổi bay sau khi bị Mỹ đe dọa - Ảnh 1.

(Ảnh minh họa: Sina Finance)

Kết phiên giao dịch ngày 7/9, giá cổ phiếu SMIC niêm yết tại Hong Kong giảm 22,9% xuống 18 HKD/cp, theo dữ liệu từ Bloomberg. Trên sàn giao dịch Star Market ở Trung Quốc đại lục, có lúc giá SMIC giảm 11,3% xuống 58,8 nhân dân tệ/cp.

Bộ Quốc phòng Mỹ đang cân nhắc cho thêm SMIC vào danh sách thương mại đen. Phát ngôn viên của Bộ Quốc phòng cho biết: "Hành động này sẽ đảm bảo rằng mọi hàng hóa xuất khẩu sang SMIC phải trải qua quá trình đánh giá toàn diện hơn".

Trung Quốc chú trọng rất nhiều vào việc phát triển ngành công nghiệp bán dẫn trong nước. Nỗ lực này được Bắc Kinh tăng cường trong cuộc chiến thương mại với Mỹ. Tuy nhiên, về mặt công nghệ, SMIC vẫn đứng sau các đối thủ như TSMC của Đài Loan và Samsung của Hàn Quốc, theo CNBC

SMIC cũng phụ thuộc vào thiết bị sản xuất chip của Mỹ. Nếu bị đưa vào danh sách đen, SMIC sẽ càng gặp khó trong việc kiếm được thiết bị cần thiết để nâng cao công suất, đồng nghĩa với việc sản xuất của công ty bị tổn hại.

Mỹ đã sử dụng danh sách cấm vận để ngăn cấm hàng loạt công ty Trung Quốc, bao gồm Huawei, làm ăn với doanh nghiệp Mỹ. Gã khổng lồ công nghệ Huawei không được cấp quyền sử dụng hệ điều hành Android trong các smartphone của mình. Điều này làm ảnh hưởng nặng đến mảng kinh doanh smartphone của Huawei trên thị trường ngoài Trung Quốc.

Tháng trước, Mỹ tiếp tục siết chặt các biện pháp trừng phạt Huawei, nhằm hạn chế khả năng Huawei tiếp cận sản phẩm chip công nghệ. Đòn tấn công này được đưa ra giữa lúc căng thẳng Mỹ-Trung tiếp tục lên cao.

Trong trường hợp của SMIC, Bộ Quốc phòng Mỹ đang xem xét liệu nhà sản xuất chip này có hỗ trợ bộ máy quân sự và quốc phòng của Trung Quốc hay không, tờ Wall Street Journal đưa tin.

Báo cáo của nhà thầu quốc phòng Mỹ SOS International cáo buộc SMIC đã làm việc với một công ty quốc phòng lớn của Trung Quốc. Báo cáo này cũng viết rằng các nhà nghiên cứu đại học có liên kết với quân đội đã điều chỉnh công trình của họ cho phù hợp với công nghệ của SMIC.

SMIC phủ nhận rằng họ làm việc với quân đội Trung Quốc.

"Bất kì giả định nào về mối quan hệ của chúng tôi với quân đội Trung Quốc đều là những tuyên bố sai sự thật và cáo buộc giả dối," SMIC đăng lời khẳng định trên tài khoản WeChat hôm 5/9.

"Công ty chúng tôi hoàn toàn bị sốc và bối rối trước những thông tin trên. Tuy nhiên, SMIC sẵn sàng trao đổi chân thành và minh bạch với các cơ quan Chính phủ Mỹ với hi vọng giải quyết được những hiểu lầm tiềm ẩn".

Giang