Cổ phiếu nóng BSR, POW, OIL: Hàng hiếm ngày ấy và bây giờ
"Hàng hot" ngày ấy...
Cuối năm 2017 và đầu năm 2018, sau những thương vụ nhà đầu tư lãi đậm nhờ các "món hời" khi lên sàn trước đó như SAB, BHN, ACV, HVN, PLX khiến giới đầu tư trên thị trường OTC đổ xô săn tìm cổ phiếu đấu giá cổ phần lần đầu ra công chúng (IPO).
Khẩu vị đầu tư thời đó đã khiến ba thương vụ IPO của PV Power (Mã: POW), Lọc Hóa dầu Bình Sơn (Mã: BSR) và PV Oil (Mã: OIL) trở thành tâm điểm của thị trường. Thậm chí xuất hiện việc "cháy hàng" ngay từ thời điểm đặt mua.
Cụ thể, số lượng đặt mua cổ phiếu BSR lên tới 652 triệu cổ phiếu, trong khi khối lượng chào bán chỉ là 241,5 triệu cp. Tương tự với mã OIL, số lượng đặt mua là 483 triệu cp, cao hơn đáng kể khối lượng chào bán 206,8 triệu đơn vị.
Quy luật thị trường cầu tăng, giá cao, cả ba cổ phiếu trên đều có mức giá IPO cao hơn so với mức giá chào bán. Đặc biệt, giá IPO bình quân của Lọc Hóa dầu Bình Sơn cao hơn 57,8% giá khởi điểm.
Là hàng "hot" ngay từ IPO, các cổ phiếu này là tâm điểm của thị trường trong những phiên giao dịch trên UPCoM vào đầu tháng 3/2018. Trong phiên đầu tiên giao dịch trên UPCoM, cổ phiếu BSR tăng kịch trần biên độ 40% với 14,1 triệu cổ phiếu được khớp. Tương tự, cổ phiếu OIL và POW cũng tăng gần 20% trong phiên đầu tiên trên UPCoM.
Tuy nhiên, mức giá khớp lệnh trong phiên giao dịch đầu tiên cũng là lần cuối cùng nhà đầu tư được chứng kiến cổ phiếu BSR giao dịch với mức giá trên 30.000 đồng/cp.
...và bây giờ
Trái ngược với sức nóng thời điểm IPO và ngày đầu tiên lên UPCoM, bộ ba cổ phiếu BSR, OIL, POW liên tục lao dốc, thậm chí có thời điểm cả ba cổ phiếu này đều giao dịch dưới mệnh giá.
Đóng cửa phiên giao dịch ngày 2/6, giá cổ phiếu BSR ở 6.600 đồng/cp, tương đương tỉ lệ giảm gần 79% so với đầu tháng 3/2018. Hai cổ phiếu OIL và POW cũng không mấy sáng sủa hơn khi giảm lần lượt 66,94% và 41%.
Cú lao đốc của các cổ phiếu trên không chỉ phiến những nhà đầu tư cá nhân trở thành cổ đông dài hạn bất đắc dĩ mà những tổ chức chuyên nghiệp như các công ty chứng khoán cũng đang phải dự phòng giảm giá hàng chục tỉ đồng với những mã này.
Điều đáng buồn hơn với các cổ đông nắm giữ cổ phiếu này là cả 3 công ty đều không thực hiện chia cổ tức kể từ thời điểm IPO.
Trong bối cảnh cổ phiếu giảm giá, một niềm tin cho những nhà đầu tư nắm giữ những cổ phiếu này là "game" bán vốn cho cổ đông chiến lược.
Theo phương án cổ phần hóa được Chính phủ phê duyệt, Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam (PVN) sẽ bán 28,88% vốn cổ phần tại PV Power, bán 44,72% cổ phần của PV OIL và 49% vốn cổ phần tại Lọc Hóa dầu Bình Sơn.
Tại đại hội cổ đông lần đầu khi công ty chuyển sang mô hình công ty cổ phần vào năm 2018, đại diện của PV Power và Lọc Hóa dầu Bình Sơn đều chia sẻ việc bán cổ phần cho nhà đầu tư chiến lược sẽ được thực hiện sau khi hai đơn vị này niêm yết trên Sở Giao dịch Chứng khoán TP HCM (HOSE) theo hình thức thoái vốn theo lô. Tuy nhiên sau gần hai năm, thì động thái thoái vốn vẫn đang "bặt vô âm tín".
Để thoái vốn, bươc đầu mới chỉ là chuyển sàn
Như chia sẻ, một động thái được Lọc Hóa dầu Bình Sơn và PV Power thực hiện đó là chuyển từ thị trường giao dịch UPCoM sang niêm yết chính thức.
Ngày 14/1/2019, PV Power đã đưa cổ phiếu POW niêm yết trên Sở giao dịch Chứng khoán TP HCM (HOSE). Giá tham chiếu trong ngày giao dịch đầu tiên là 14.900 đồng/cp, biên độ dao động giá +/-20%.
Trái ngược với kì vọng cổ phiếu tăng giá nhờ cải thiện thanh khoản, thu hút nhà đầu tư, so với mức giá ngày đầu lên HOSE, cổ phiếu POW giảm gần 30% ở thời điểm hiện tại.
Mới đây nhất, Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX) thông báo nhận được hồ sơ đăng kí niêm yết của CTCP Lọc Hóa dầu Bình Sơn (Mã: BSR). Số lượng cổ phiếu đăng kí niêm yết là hơn 3,1 tỉ cổ phiếu.
Trong đại hội cổ đông thường niên năm 2020 vừa được tổ chức vào cuối tháng 5, đại hội thông qua iệc niêm yết cổ phiếu BSR trên Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX) trong năm 2020 hoặc niêm yết trên Sở Giao dịch chứng khoán Thành phố Hồ Chí Minh (HOSE) khi đủ điều kiện.
Việc niêm yết trên các sàn chứng khoán lớn giúp cổ phiếu BSR có cơ hội giao dịch sôi động trên thị trường, đồng thời thực hiện việc thoái vốn trên sàn giao dịch theo kế hoạch.
Trong năm 2020, nhiệm vụ trọng tâm BSR là thực hiện thoái vốn của PVN tại BSR và thoái phần vốn của BSR tại các đơn vị trực thuộc theo phương án tái cơ cấu đã được phê duyệt.
Vậy sau động thái chuyển sàn, câu chuyện thoái vốn còn đang dang dở tại Lọc Hóa dầu Bình Sơn và PV Power liệu có được viết tiếp?