|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Chứng khoán

Cổ phiếu Nhựa Tiền Phong tăng gần 50% sau tin SCIC thoái vốn

10:45 | 24/05/2024
Chia sẻ
Sau 5 phiên giao dịch (20 - 24/5), thị giá cổ phiếu NTP của Nhựa Tiền Phong đã tăng 47,7%, thiết lập đỉnh lịch sử mới 63.200 đồng/cp.

Thị giá cổ phiếu NTP của CTCP Nhựa Thiếu niên Tiền Phong tăng 47,7% sau khoảng một tuần, từ 42.800 đồng/cp (kết phiên 17/5) lên đỉnh lịch sử 63.200 đồng/cp (tính đến 10h30 phiên 24/5). Cùng chiều tăng giá, thanh khoản khớp lệnh mã này trong các phiên tăng vừa qua đạt trung bình gần 450.000 đơn vị, gấp hơn 10,5 lần so với trung bình 10 phiên trước đó.

Vốn hóa thị trường của Nhựa Tiền Phong theo đó hiện ở mức kỷ lục hơn 8.189 tỷ đồng, chỉ còn thấp hơn 881 tỷ so với vốn hóa của đối thủ khác trong ngành là CTCP Nhựa Bình Minh (mã: BMP). 

Diễn biến giá cổ phiếu NTP từ đầu tháng 5 đến nay. (Nguồn: VNDirect).

Diễn biến tăng giá cổ phiếu NTP diễn ra ngay sau khi Tổng Công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) công bố danh sách thoái vốn đợt 2 năm 2024 với 31 doanh nghiệp, trong đó có Nhựa Tiền Phong. Hiện SCIC sở hữu 37,1% vốn Nhựa Tiền Phong, với giá trị theo mệnh giá hơn 480 tỷ đồng. Với thị giá 63.200 đồng/cp, lượng cổ phần này hiện có giá trị hơn 3.038 tỷ đồng. 

Ai đang sở hữu Nhựa Tiền Phong?

Nhựa Tiền Phong tiền thân là Nhà máy Nhựa Thiếu niên Tiền Phong, được thành lập từ năm 1960. Công ty hiện có 3 nhà máy ở Hải Phòng, Nghệ An và Bình Dương với mạng lưới phân phối gồm 12 trung tâm phân phối, gần 400 nhà phân phối và hơn 26.000 điểm bán hàng được phân bố trên khắp cả nước.

Tại ngày 31/12/2023, ngoài SCIC, doanh nghiệp còn có ba cổ đông lớn khác là Sekisui Chemical (nắm giữ 19,43 triệu cổ phiếu, tỷ lệ 15%), CTCP Nhựa Thiếu niên Tiền Phong phía Nam (18,48 triệu cổ phiếu, tỷ lệ 14,27%) và Chủ tịch HĐQT Đặng Quốc Dũng (8,9 triệu cổ phiếu, tỷ lệ 6,87%).

(Biểu đồ: Diệu Nhi tổng hợp từ báo cáo thường niên năm 2023).

Nhựa Tiền Phong đang kinh doanh ra sao?

Về tình hình kinh doanh, năm 2023, doanh nghiệp ghi nhận doanh thu thuần 5.176 tỷ đồng, giảm 9% so với năm 2022, tuy nhiên lãi sau thuế tăng 16,5% lên 559 tỷ đồng. Đây là mức lợi nhuận năm cao nhất của Nhựa Tiền Phong kể từ khi niêm yết (năm 2006).

Sang quý I/2024, doanh thu thuần và lợi nhuận sau thuế hợp nhất công ty lần lượt đạt 949 tỷ và 109 tỷ đồng, tương ứng giảm 27% và 8% so với cùng kỳ năm 2023.

Về tình hình tài chính, quy mô tài sản cuối quý I đạt 5.189 tỷ đồng, giảm nhẹ gần 5% so với thời điểm đầu năm. Chiếm tỷ trọng lớn trong cơ cấu tài sản là khoản tiền, tương đương tiền và tiền gửi ngân hàng có kỳ hạn với tổng giá trị 1.252 tỷ. Dư nợ vay cuối kỳ là 1.410 tỷ, hoàn toàn là vay ngắn hạn.

Trong năm 2024, Nhựa Tiền Phong lên kế hoạch kinh doanh với mục tiêu sản lượng tiêu thụ đạt 104.500 tấn và doanh thu bán hàng đạt 5.400 tỷ đồng, cùng tăng 6% so với thực hiện trong năm 2023. Tuy nhiên, mục tiêu lợi nhuận trước thuế lại giảm 13,4% so với năm 2023, đạt 555 tỷ đồng. Như vậy, kết thúc quý đầu năm, công ty đã thực hiện được 23,5% kế hoạch lợi nhuận trước thuế cả năm.

(Biểu đồ: Diệu Nhi tổng hợp từ các BCTC hợp nhất đã kiểm toán).

Diệu Nhi