|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Doanh nghiệp

Cổ phiếu ngành phân bón ngóng việc áp thuế tự vệ và thuế VAT 0%

06:21 | 20/05/2017
Chia sẻ
Cổ phiếu của doanh nghiệp phân bón thời gian gần đây cũng có sự bứt phá khá tốt, đặc biệt là DCM đã tăng 33% từ giữa tháng 4; BFC từ mức khoảng 35.000 đồng/cp đầu tháng 5 đã tăng lên khoảng gần 41.000 đồng/cp những ngày qua.

Trong những năm qua, hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp phân bón nhìn chung gặp khá nhiều khó khăn do giá bán đầu ra giảm sút bởi tình trạng dư cung.

Đặc biệt là tác động từ El Nino làm hạn hán và xâm nhập mặn gia tăng ở các vùng phía Nam ảnh hưởng tiêu cực tới sản xuất nông nghiệp, qua đó gián tiếp ảnh hưởng đến nhu cầu tiêu thụ phân bón.

Quý I, kết quả kinh doanh ngành phân bón cải thiện nhưng chưa bứt phá

Dưới đây là kết quả kinh doanh quý I/2017 của các doanh nghiệp phân bón gồm: CTCP Phân bón Bình Điền (Mã: BFC), CTCP Phân bón Dầu khí Cà Mau (Mã: DCM), Tổng Công ty Phân bón và Hóa chất Dầu khí (Mã: DPM), Công ty cổ phần DAP - VINACHEM (Mã: DDV), CTCP Supe Phốt phát và Hóa chất Lâm Thao (Mã: LAS), CTCP Phân lân Ninh Bình (Mã: NFC), CTCP Phân bón và Hóa chất Dầu khí Miền Trung (Mã: PCE), CTCP Phân bón và Hóa chất Dầu khí Tây Nam Bộ (Mã: PSW), CTCP Phân lân nung chảy Văn Điển (Mã: VAF).

Nhìn chung, doanh thu 3 tháng đầu năm của các doanh nghiệp phân bón đều có sự tăng trưởng nhưng tốc độ tăng trưởng vẫn còn khiêm tốn.

doanh nghiep phan bon van trong cho vao viec ap thue tu ve hay chiu thue vat 0
Nguồn: Hoàng Kiều tổng hợp (đv: tỷ đồng)

Đứng đầu doanh thu trong các doanh nghiệp phân bón niêm yết là Đạm Phú Mỹ với doanh thu quý I đạt 1.998 tỷ đồng, giảm 15 tỷ đồng so với cùng kỳ. Tiếp đến là Đạm Cà Mau với doanh thu 1.238 tỷ đồng, tăng gần 31% so với quý I/2016. Đây là 2 doanh nghiệp với sản phẩm chính là ure.

PCE và PSW là 2 công ty con của Đạm Phú Mỹ, chuyên phân phối sản phẩm phân bón cho công ty mẹ tại 2 khu vực là miền Trung và Tây Nam Bộ với doanh thu quý I lần lượt là 485 và 538 tỷ đồng. Trong đó, doanh thu của PCE bị sụt giảm khoảng 19%, còn PSW lại tăng 10% so với cùng kỳ năm 2016.

Phân bón Bình Điền đứng đầu doanh thu mảng NPK với doanh thu đạt 1.187 tỷ đồng, tăng trưởng 17%

Ở mảng phân lân, Hóa chất Lâm Thao đứng đầu với doanh thu đạt 1.052 tỷ đồng, tăng 8% so với cùng kỳ. Phân lân Văn Điển với doanh thu đạt 419 tỷ đồng, tăng 6%. Phân Lân Ninh Bình là doanh nghiệp với doanh thu khá khiêm tốn trong ngành chỉ đạt 174 tỷ đồng, tăng trưởng 11% so với quý I/2016.

Đại điện mảng phân bón DAP là DDV với doanh thu đạt 529 tỷ đồng, gấp hơn 4 lần so với cùng kỳ.

doanh nghiep phan bon van trong cho vao viec ap thue tu ve hay chiu thue vat 0
Nguồn: Hoàng Kiều tổng hợp (đv: tỷ đồng)

Đạm Cà Mau là doanh nghiệp có lợi nhuận sau thuế đứng đầu ngành, đạt 286 tỷ đồng, gấp 2,5 lần so với cùng kỳ, đồng thời là Công ty có biên gộp cao nhất ngành đạt 43%.

Dù có doanh thu đứng đầu ngành nhưng quý I Đạm Phú Mỹ bị sụt khoảng 55% lãi sau thuế so với quý I/2016, chỉ còn 229 tỷ đồng, biên gộp đạt 30%.

Phân bón Bình Điền với doanh thu và LNST đứng thứ 3 trong ngành nhưng biên lợi nhuận gộp quý còn đứng sau cả Phân lân Văn Điển (18%), Phân lân Ninh Bình (16%) và Hóa chất Lâm Thao (16%).

Đáng chú ý, dù DAP - Vinachem có doanh thu tăng vọt đạt 529 tỷ đồng nhưng lãi sau thuế âm 38 tỷ đồng, là quý thứ 5 liên tiếp lỗ, biên gộp chưa tới 1%. Nguyên nhân là phân DAP nhập khẩu tăng mạnh, giá bán lại liên tục giảm nên Công ty phải giảm giá bán rất nhiều, riêng năm 2016, DDV lỗ hơn 470 tỷ đồng.

Hai doanh nghiệp phân phối sản phẩm phân ure từ công ty mẹ DPM thì giá trị gia tăng không nhiều nên lợi nhuận khá khiêm tốn, chưa tới 10 tỷ đồng, biên lãi gộp chỉ từ 3 - 5%.

doanh nghiep phan bon van trong cho vao viec ap thue tu ve hay chiu thue vat 0
Nguồn: Hoàng Kiều tổng hợp

Chờ đợi chính sách tích cực của chính phủ

Giữa tháng 4, nhiều doanh nghiệp phân bón trong nước đã gửi hồ sơ yêu cầu áp thuế tự vệ đối với sản phẩm phân bón nhập khẩu lên Cục quản lý cạnh tranh. Với thông tin tích cực đó, cổ phiếu của nhiều doanh nghiệp phân bón đã tăng giá mạnh.

Cụ thể, DCM đã tăng 33% từ giữa tháng 4, tương ứng ở mức khoảng 10.000 đồng/cp có lúc lên cao nhất là gần 15.000 đồng/cp, thanh khoản tăng vọt có lúc đạt trên 8 triệu cp/phiên. BFC từ mức khoảng 35.000 đồng/cp đầu tháng 5 đã tăng lên khoảng gần 41.000 đồng/cp những ngày qua.

Mới đây, Bộ Công Thương đã ban hành Quyết định số 1682A/QĐ-BCT về việc tiến hành điều tra áp dụng biện pháp tự vệ toàn cầu đối với sản phẩm phân bón DAP nhập khẩu. Nếu việc áp dụng thuế với sản phẩm DAP được áp dụng sẽ là một tin tích cực với DDV và có thể cải thiện tình trạng lỗ như hiện nay.

Tuy nhiên, đây mới là điều tra còn việc áp dụng thuế hay không vẫn còn là vấn đề nan giải với một số doanh nghiệp sản xuất DAP như DDV.

Bên cạnh, việc áp thuế tự vệ thì vào đầu năm 2017, Bộ Công thương đề nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét, đề xuất việc đưa mặt hàng phân bón vào diện chịu thuế giá trị gia tăng ở mức 0%. Việc các doanh nghiệp được miễn thuế dẫn đến không được khấu trừ thuế VAT đầu vào làm cho chi phí sản xuất của Công ty tăng.

Trong khi, phân bón nhập khẩu được giảm 5% thuế VAT khiến giá rẻ hơn phân bón trong nước. Rất nhiều doanh nghiệp phân bón kỳ vọng vào sự đổi mới trong chính sách thuế. Liệu việc kiến nghị có được thực thi vẫn là một sự bỏ ngỏ, các doanh nghiệp vẫn trông chờ nhiều từ các chính sách của chính phủ.

Bên cạnh thông tin tích cực từ chính sách thì việc giá ure hồi phục vừa là đáng mừng lẫn đáng lo với doanh nghiệp phân bón. Sau khi chạm đáy tháng 7/2016 thì đã bắt đầu có dấu hiệu tăng trở lại, từ 178 USD/tấn lên mức 250 USD/tấn vào tháng 2 vừa qua. Tuy nhiên từ tháng 2 đến nay, giá ure lại đang có xu hướng giảm, ở mức trên 231 USD/tấn.

Việc giá ure hồi phục sau 5 năm giảm mạnh sẽ là một dấu hiệu tích cực với các doanh nghiệp như DCM, DPM nhưng lại là một vấn đề đáng ngại với các doanh nghiệp sản xuất NPK có đầu vào là ure như LAS, BFC...

doanh nghiep phan bon van trong cho vao viec ap thue tu ve hay chiu thue vat 0
Tình hình giá Ure 5 năm qua (Nguồn: Indexmundi)

Theo số liệu của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, quý I/2017, Việt Nam đã nhập 1,22 triệu tấn phân bón, tăng 32% về lượng và gần 24% về giá trị so với cùng kỳ, chủ yếu là từ Trung Quốc. Trong đó, mặt hàng ure nhập khẩu lên tới 231.000 tấn, gấp 2 cùng kỳ.

Hoàng Kiều