|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Chứng khoán

Cổ phiếu ngân hàng vẫn chưa hồi phục, VPB gồng đỡ thị trường

19:58 | 14/04/2022
Chia sẻ
Với vai trò là nhóm có vốn hoá lớn nhất thị trường, cổ phiếu ngân hàng là gánh nặng lớn nhất khi kéo VN-Index giảm gần 0,3%. Độ rộng toàn ngành nghiêng về phía tiêu cực khi có 14 mã giảm, 8 mã tăng và 5 mã đứng giá tham chiếu.

Sự hào hứng trong phiên giao dịch hôm qua đã không được duy trì khi tâm lý lo sợ bulltrap khiến nhà đầu tư không dám đua lệnh mua vào mà đứng ngoài quan sát. Mở cửa phiên sáng, thị trường tăng điểm nhờ vào một số ít bluechip, sau đó bước vào phiên chiều với lực bán gia tăng khiến VN-Index rơi hơn 10 điểm và lùi về dưới tham chiếu.

Với vai trò là nhóm có vốn hoá lớn nhất thị trường, cổ phiếu ngân hàng là gánh nặng lớn nhất khi kéo VN-Index giảm gần 0,3%. Độ rộng toàn ngành nghiêng về phía tiêu cực khi có 14 mã giảm, 8 mã tăng và 5 mã đứng giá tham chiếu. 

Nếu như trong phiên sáng, VPB là một trong số ít bluechip tạo động lực tăng cho VN-Index thì sang đến phiên chiều, mã này đã dần hạ nhiệt và chỉ còn tăng 1,3% lên 39.500 đồng/cp. Tuy nhiên, một lượng tiền lớn vẫn đổ vào cổ phiếu VPB với thanh khoản cao nhất sàn HOSE, đạt 23,3 triệu đơn vị khớp lệnh.

Một số cổ phiếu cùng ngành tăng giá trên dưới 1% còn có OCB (1,2%), ACB (0,4%), SSB (0,3%), SHB (0,3%) hay MSB (0,2%).

Chiều ngược lại, cổ phiếu NVB trên sàn HNX mất tới 7,4% giá trị và rời đỉnh lịch sử 39.400 đồng/cp thiết lập ngày hôm qua. Theo sau là nhiều mã vốn hoá lớn khác với biên độ giảm dưới 3% như HDB (2,5%), TPB (2,4%), STB (1,8%), VCB (1,7%),...

(Nguồn: Bảo Ngọc tổng hợp). 

Dòng tiền vẫn khá dè dặt đối với cổ phiếu ngân hàng khi thanh khoản toàn ngành chỉ đạt hơn 2.900 tỷ đồng. Trong đó, nhà đầu tư nước ngoài tiếp tục xu hướng bán ròng phiên thứ hai liên tiếp, tuy nhiên quy mô không quá đáng kể chỉ ở mức gần 16 tỷ đồng. 

Cổ phiếu VCB tiếp tục là tâm điểm với giá trị bán ròng hơn 23 tỷ đồng. Ngược lại, lực cầu hướng đến mã BID, TPB,... cũng phần nào cân lại lực xả từ khối ngoại. 

Báo cáo cập nhật ngành ngân hàng của SSI dự báo đối với cả năm 2022, dựa vào kế hoạch sơ bộ của các ngân hàng, tăng trưởng lợi nhuận trước thuế có thể đạt khoảng 24-25% so với cùng kỳ. Cổ tức bằng cổ phiếu dự kiến dao động trong khoảng 15-35%.

Bên cạnh đó, việc công bố kết quả kinh doanh quý I cùng những thông tin về kế hoạch đại hội cổ đông có thể sẽ là những yếu tố hỗ trợ cho diễn biến giá cổ phiếu của ngành ngân hàng trong ngắn hạn. Nhóm chuyên gia duy trì quan điểm tích cực về ngàng ngân hàng trong năm 2022. 

Thậm chí có những yếu tố tác động tích cực khiến lợi nhuận của nhóm này có thể đạt mức cao hơn so với ước tính hiện tại như nền kinh tế phục hồi tốt hơn dự kiến và các khoản thu nhập bất thường từ bancassurance. 

Bảo Ngọc

Danh mục tự doanh 11 tỷ USD của các CTCK đang phân bổ như thế nào?
Giá trị tự doanh toàn ngành chứng khoán đã vượt mức 11 tỷ USD tại cuối 2024. Đa số các công ty ghi nhận FVTPL chiếm tỷ trọng lớn nhất cơ cấu mảng tự doanh. Trong khi đó, MBS, ACB chủ yếu phân bổ tại HTM, còn Vietcap, TBCS tiếp tục ghi nhận phần lớn ở khoản AFS.