|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Tài chính

Cổ phiếu ngân hàng tuần qua: Vốn hóa toàn ngành bốc hơi hơn 92.000 tỉ đồng trong 2 tuần cuối tháng 7

19:43 | 02/08/2020
Chia sẻ
Trong tuần giao dịch vừa qua, 16/19 cổ phiếu ngân hàng giảm giá với mức sụt giảm vốn hóa là gần 42.100 tỉ đồng. Tính chung trong hai tuần giao dịch cuối tháng 7, vốn hóa toàn ngành ngân hàng đã bốc hơi hơn 92.000 tỉ đồng, tương ứng với mức giảm 10%.
Cổ phiếu ngân hàng tuần qua: Vốn hóa toàn ngành bốc hơi hơn 92.000 tỉ đồng trong 2 tuần cuối tháng 7 - Ảnh 1.

Ảnh minh họa. (Nguồn: Thời báo ngân hàng )

16/19 cổ phiếu ngân hàng giảm giá

Tính chung 5 ngày giao dịch tuần qua (27/7 - 31/7), số lượng cổ phiếu ngân hàng giảm giá vẫn chiếm áp đảo với 16/19 mã. Trong đó, BVB là cổ phiếu giảm mạnh nhất ngành ngân hàng (-13,9%). 

Cùng với BVB, giá một số cổ phiếu ngân hàng khác cũng giảm mạnh như STB (-7,3%), TCB (-6,9%), VIB (-6,7%), VCB (-5,7%), HDB (-5,3%), CTG, VPB và LPB (-4,7%), ...

Xu hướng giảm giá của các cổ phiếu ngân hàng diễn ra trong bối cảnh thị trường chung diễn biến tiêu cực trước chuyển biến xấu của tình hình dịch bệnh trong nước.

Theo đó, trong tuần cuối cùng của tháng 7, sàn HOSE và HNX cùng có 2 phiên tăng và 3 phiên giảm.

Tổng cộng, VN-Index giảm 30,77 điểm, tương đương giảm 3,71% so với cuối tuần trước và kết thúc tuần ở mức 798,39 điểm; trong khi HNX-Index giảm 1,82 điểm, tương ứng giảm 1,66% và kết tuần ở mức 107,51 điểm.

Cổ phiếu ngân hàng tuần qua: Vốn hóa toàn ngành bốc hơi hơn 92.000 tỉ đồng trong 2 tuần cuối tháng 7 - Ảnh 2.

Biến động giá 18 mã cổ phiếu ngân hàng trong tuần 27/7 - 31/7. (Nguồn: QT tổng hợp)

Vốn hóa toàn ngành giảm hơn 42.000 tỉ đồng

Kết thúc tuần giao dịch vừa qua, giá trị vốn hóa của 19 ngân hàng niêm yết và giao dịch trên UPCoM dừng ở hơn 852.000 tỉ đồng, giảm gần 42.100 tỉ đồng so với mức đóng cửa tuần trước, tương ứng giảm 4,7%.

Tính chung trong hai tuần giao dịch cuối tháng 7, vốn hóa toàn ngành ngân hàng đã bốc hơi hơn 92.000 tỉ đồng, tương ứng với mức giảm 10%.

Đóng cửa ngày 31/7, Vietcombank tiếp tục là ngân hàng có vốn hóa lớn nhất thị trường đạt 283.358 tỉ đồng, giảm hơn 17.000 tỉ đồng so với cuối tuần trước. Vốn hóa BIDV và VietinBank cũng giảm hơn 6.200 tỉ đồng và 3.900 tỉ đồng xuống lần lượt 147.407 tỉ đồng và 78.936 tỉ đồng

Chốt tháng 7, Viet Capital Bank là ngân hàng có vốn hóa thấp nhất ngành, ở mức 3.139 tỉ đồng. Như vậy, so với mức đỉnh được tạo lập vào ngày 13/7, vốn hóa của ngân hàng này đã bốc hơi hơn 2.600 tỉ đồng, tương ứng giảm gần 46%.

Cổ phiếu ngân hàng tuần qua: Vốn hóa toàn ngành bốc hơi hơn 92.000 tỉ đồng trong 2 tuần cuối tháng 7 - Ảnh 3.

Vốn hóa 19 ngân hàng chốt ngày 31/7 (Nguồn: QT tổng hợp)

Thanh khoản toàn ngành tăng hơn 14,7%

Trong tuần qua có tổng cộng hơn 296,7 triệu cổ phiếu ngân hàng được trao tay giữa các nhà đầu tư, tương ứng với giá trị giao dịch đạt 4.645 tỉ đồng; tăng 14,7% về khối lượng và tăng 1,9% về giá trị so với tuần trước.

STB tiếp tục là cổ phiếu có khối lượng giao dịch lớn nhất ngành với hơn 67,8 triệu đơn vị, tương ứng giá trị giao dịch trong tuần đạt gần 696 tỉ đồng.

Xếp tiếp sau STB về thanh khoản, lần lượt là LPB với gần 42,5 triệu cp, MBB gần 29 triệu cp, VPB hơn 22,5 triệu cp, CTG hơn 22,1 triệu cp, ACB gần 18,6 triệu cp, EIB hơn 18,4 triệu cp,...

Ở chiều ngược lại, TPB, KLB và VBB tiếp tục là ba cổ phiếu có khối lượng giao dịch thấp nhất ngành, lần lượt ở mức 590.000 cp, 36.100 cp và 6.000 cp.

Cổ phiếu ngân hàng tuần qua: Vốn hóa toàn ngành bốc hơi hơn 92.000 tỉ đồng trong 2 tuần cuối tháng 7 - Ảnh 4.

Khối lượng giao dịch 18 cổ phiếu ngân hàng trong tuần giao dịch 27/7 - 31/7. (Nguồn: QT tổng hợp)

Thanh khoản EIB tăng đột biến

Tuần qua chứng khiến sự gia tăng thanh khoản của 12 cổ phiếu ngân hàng. Trong đó, cổ phiếu VBB (VietBank) bắt đầu có thanh khoản trở lại với 6.000 cp được trao tay giữa các nhà đầu tư.

Thanh khoản EIB tăng tăng đột biến trong tuần qua với hơn 18,4 triệu cp được giao dịch, gấp hơn 6 lần tuần trước. Phần lớn cổ phiếu EIB được giao dịch theo phương thức thỏa thuận (gần 16,8 triệu cp, chiếm 91%) và chỉ có gần 1,7 triệu cp được mua - bán khớp lệnh.

Tuần qua, Eximbank đã tổ chức đại hội cổ đông thường niên lần 2 tại TP HCM nhưng bất thành vì không đủ túc số tham dự. Lần 1 tổ chức ngày 30/6 cũng bị hủy với lí do tương tự. Ngân hàng thông báo sẽ tổ chức đại hội cổ đông thường niên 2020 lần 3 vào ngày 19/8 tại Hà Nội.

Cùng với EIB thanh khoản của một số cổ phiếu ngân hàng khác cũng ghi nhận mức tăng trên 30% như KLB (tăng 61,2%), TPB (tăng 53,6%), HDB (tăng 46,6%), ACB và LPB (cùng tăng 31,7%).

Ngược lại, có 7 cổ phiếu ngân hàng sụt giảm thanh khoản trong tuần qua. Trong đó, khối lượng giao dịch SHB giảm gần 39% với chỉ hơn 16,5 triệu cp được giao dịch.

6 mã sụt giảm thanh khoản còn lại gồm có BVB giảm 25,5%, TCB giảm 24,5%, VCB giảm 15,3%; BAB giảm 11,3%, VPB giảm 9,3% và BID giảm 3,6%.

Cổ phiếu ngân hàng tuần qua: Vốn hóa toàn ngành bốc hơi hơn 92.000 tỉ đồng trong 2 tuần cuối tháng 7 - Ảnh 5.

Thay đổi khối lượng giao dịch cổ phiếu trong tuần qua, đvt: cổ phiếu. (Nguồn: QT tổng hợp)

Giao dịch thỏa thuận khủng tại EIB

Xét về phương thức giao dịch, tuần qua có hơn 260,1 triệu cổ phiếu ngân hàng được giao dịch theo phương thức khớp lệnh trên sàn, tương ứng với giá trị giao dịch đạt 4.031 tỉ đồng, chiếm gần 88% về khối lượng và 87% về giá trị.

Hơn 36,6 triệu cp còn lại được giao dịch theo hình thức thỏa thuận với giá trị đạt 614 tỉ đồng. Trong đó, EIB là mã có khối lượng giao dịch thỏa thuận lớn nhất ngành với gần 16,8 triệu đơn vị, chiếm 91% tổng lượng cổ phiếu được giao dịch trong tuần.

Ngoài EIB, giao dịch thỏa thuận cũng diễn ra "nhộn nhịp" tại nhiều cổ phiếu ngân hàng như TCB (gần 4,9 triệu cp), VPB (gần 3,1 triệu cp), LPB (2,9 triệu cp), MBB (hơn 2 triệu cp);...

Cổ phiếu ngân hàng tuần qua: Vốn hóa toàn ngành bốc hơi hơn 92.000 tỉ đồng trong 2 tuần cuối tháng 7 - Ảnh 6.

Khối lượng giao dịch cổ phiếu ngân hàng. (Nguồn: QT tổng hợp)


Quốc Thụy