Cổ phiếu ngân hàng tuần qua: Nhiều mã tăng trên 10%, khối ngoại bán ròng hơn 3.300 tỷ đồng EIB
18/27 mã tăng giá, khối ngoại bán ròng hơn 3.300 tỷ đồng EIB
Nhóm cổ phiếu ngân hàng đã có một tuần giao dịch khá tích cực trong bối cảnh thị trường chung ảm đảm. Cụ thể, trong tuần qua (24/10 - 28/10), có 18/27 mã cổ phiếu ngân hàng tăng giá, 7 mã giảm và 2 mã đứng tham chiếu.
Trong đó, các cổ phiếu tăng phần lớn là những ngân hàng có vốn hóa lớn, niêm yết trên HOSE. LPB đứng đầu ngành trong tuần qua với mức tăng 12,4%, vượt mệnh giá quay về mức 11.300 đồng/cp. Song, đây vẫn là vùng giá thấp nhất của cổ phiếu này trong gần 2 năm trở lại.
Bên cạnh LPB, nhiều mã khác như MSB, PGB, CTG đều tăng trên 11%. MBB và ACB đứng sau đó với mức tăng là 9,6% và 9,3%. Đây cũng là 2 mã ngân hàng có ảnh hưởng tích cực nhất tới VN-Index tuần vừa qua. Các mã có vốn hóa lớn khác như TCB, VCB, VPB, TPB, BID cũng đều đạt mức tăng trên 3%.
Ở chiều ngược lại, hầu hết các mã giảm đều là những mã đang giao dịch trên UPCoM hay HNX với NVB giảm sâu nhất (-11,4%), xuống còn 14.800 đồng/cp, vùng thấp nhất kể từ tháng 7 năm ngoái. 2 mã đứng tham chiếu là BAB và HDB, lần lượt kết tuần tại mức 14.100 đồng/cp và 16.500 đồng/cp.
Thanh khoản của nhóm cổ phiếu ngân hàng cũng thay đổi rõ rệt với diễn biến của giá. Cụ thể, tuần qua có hơn 841 triệu cổ phiếu ngân hàng được giao dịch (tăng 44% so với tuần trước đó), giá trị giao dịch tương đương đạt 17.210 tỷ đồng (tăng 49%).
Trong đó, STB một lần nữa bị EIB vượt về giá trị giao dịch khi cổ phiếu nhà Eximbank tiếp tục ghi nhận thêm hàng loạt giao dịch thỏa thuận lớn. Tính chung trong 5 ngày giao dịch, có gần 120 triệu cổ phiếu EIB được trao tay giữa các nhà đầu tư, tương đương với giá trị hơn 5.160 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận chiếm tới hơn 107 triệu cổ phiếu, tập trung vào 2 ngày giao dịch cuối tuần.
Như vậy, tính từ đầu tháng 10 tới nay, có tới 378 triệu cổ phiếu EIB đã được giao dịch thỏa thuận, tương đương với giá trị là 14.910 tỷ đồng. Các giao dịch diễn ra trong bối cảnh nhóm Thành Công thoái vốn ra khỏi Eximbank và khối ngoại bán ròng mạnh.
Xếp sau EIB là STB với khối lượng giao dịch trong tuần là 102 triệu đơn vị, tăng 17% so với tuần trước. Các mã như SHB, MBB, TCB, LPB có khối lượng dao quanh mức 75 - 85 triệu cp, đều tăng 2 chữ số so với tuần trước đó.
Cũng trong tuần qua, dữ liệu cho thấy các nhà đầu tư nước ngoài đã bán ròng 3.340 tỷ đồng cp EIB, chiếm tới 60% lượng bán ròng của khối ngoại toàn thị trường. Nhà đầu tư nước ngoài sở hữu lượng cổ phiếu EIB lớn nhất trước đó là ngân hàng Nhật Bản SMBC với hơn 185 triệu cổ phần. Ngoài EIB, khối ngoại cũng đã bán ròng 164 tỷ đồng STB.
Trong khi đó, nhóm tự doanh mua ròng tập trung 3 mã là TCB, MBB, LPB với giá trị lần lượt là 18 tỷ, 8 tỷ và 3 tỷ đồng; ngược lại, bán ròng hơn 32 tỷ đồng VPB.
Một số sự kiện ngân hàng nổi bật trong tuần qua
Các ngân hàng tiếp tục công bố báo cáo kết quả kinh doanh 9 tháng đầu năm, bao gồm cả các nhà băng trong nhóm "big4". Vietcombank tiếp tục là quán quân lợi nhuận, lãi hơn 24.900 tỷ đồng trong 9 tháng, tăng gần 30% so với cùng kỳ.
Trong 9 tháng đầu năm, BIDV lãi trước thuế 17.005 tỷ đồng, tăng 71,7% so với cùng kỳ năm trước, riêng quý III, lợi nhuận tăng gấp 2,7 lần. Số dư nợ xấu của ngân hàng tăng gần 54% với 18.877 tỷ đồng.
Lợi nhuận trước thuế của MB đạt hơn 18.190 tỷ đồng, tăng gần 53% so với cùng kỳ. Trong đó, hoạt động tín dụng của ngân hàng mang về gần 26.400 tỷ đồng, tăng trưởng 38%%
NHNN dự định bổ sung quy định về nâng cao năng lực quản trị, điều hành, xử lý tình trạng sở hữu chéo, cảnh báo sớm, can thiệp sớm với các TCTD yếu kém, giới hạn tỷ lệ sở hữu cổ phần cũng được quy định nhằm tăng cường tính đại chúng của TCTD cổ phần.
Hai thành viên Hội đồng quản trị Eximbank xin từ nhiệm vì lý do cá nhân. Đây đều là 2 nhân sự có liên quan tới Tập đoàn Thành Công.
Con trai Thành viên HĐQT MSB muốn mua vào 5 triệu cổ phiếu, tương đương 0,025% vốn điều lệ ngân hàng để đầu tư tài chính. Giao dịch dự kiến diễn ra từ ngày 28/10 - 27/11 theo phương thức khớp lệnh và thoả thuận.
Lãnh đạo ACB nhận hơn 427.000 cổ phiếu thưởng ESOP. Trong đó, ông Từ Tiến Phát, Tổng Giám đốc ACB nhận nhiều cổ phiếu thưởng theo chương trình ESOP nhất với 90.000 cổ phiếu.