Cổ phiếu ngân hàng tuần qua: 25/27 mã giảm giá, hàng loạt chạm mức thấp nhất hơn một năm
Cổ phiếu ngân hàng diễn biến tiêu cực
Tuần qua (13/6 - 17/6) đánh dấu một tuần giao dịch tiêu cực của nhóm cổ phiếu ngân hàng. Cụ thể, tính chung sau 5 ngày giao dịch, có tới 25/27 cổ phiếu ngân hàng giảm giá và chỉ có 2 mã tăng.
Trong đó, cổ phiếu KLB giảm mạnh nhất với mức 21,6%, kết tuần còn 22.000 đồng/cp. Nếu tính từ đỉnh lịch sử hồi tháng 3 vừa qua, cổ phiếu này đã sụt hơn 45% chỉ sau một quý.
Xếp ngay sau KLB là VIB với mức giảm 20,7% với 5/5 phiên đều kết thúc trong sắc đỏ. Hiện giá cổ phiếu VIB chỉ còn 20.650 đồng/cp, mức thấp nhất kể từ tháng 2 năm ngoái. Không chỉ riêng VIB, không ít cổ phiếu ngân hàng như CTG, LPB, MSB, OCB, PGB, VPB, .... cũng có chung tình trạng, đều chạm mức thấp nhất trong hơn một năm trở lại.
Với diễn biến tiêu cực chung, cổ phiếu VAB lần đầu tiên đã giảm xuống dưới mệnh giá, chỉ còn 9.800 đồng/cp. Hai cổ phiếu khác trên thị trường UPCoM là VAB và ABB cũng chỉ còn nhỉnh hơn mệnh giá vài trăm đồng.
Đi ngược lại thị trường, cổ phiếu SSB của SeABank bất ngờ tăng 8,2% trong tuần qua; trong đó có tới 4/5 phiên giao dịch tăng giá. SSB cũng là cổ phiếu ngân hàng chịu ít ảnh hưởng nhất do thị trường trong vài tháng trở lại. Bên cạnh SSB còn có EIB với mức tăng 3,1%.
Trong tuần giao dịch đỏ lửa, thanh khoản của nhóm cổ phiếu ngân hàng lại có xu hướng tăng lên. Cụ thể, tuần qua hơn 556 triệu cổ phiếu được trao tay giữa các nhà đầu tư (tăng 18% so với tuần trước đó), tương đương với giá trị giao dịch đạt 12.724 tỷ đồng (tăng 8%).
Trong đó, MBB bất ngờ ghi nhận thanh khoản đột biến, với hơn 84 triệu cổ phiếu được giao dịch; qua đó đứng đầu toàn ngành về khối lượng giao dịch. Ở các tuần trước đó, vị trị quán quân chủ yếu thuộc về STB và SHB.
Tuần qua, khối lượng giao dịch của SHB vẫn duy trì ở mức 79 triệu đơn vị; trong khi STB giảm mạnh 17% xuống còn 76 triệu đơn vị.
Xét về giá trị giao dịch, MBB cũng dẫn đầu toàn ngành với mức 2.126 tỷ đồng. Xếp sau đó lần lượt là VPB và STB với 1.950 và 1.569 tỷ đồng.
Ở một diễn biến khác, HDB tiếp tục là mục tiêu của các nhà đầu tư nước ngoài khi được mua ròng thêm 96 tỷ đồng trong tuần qua. Ngoài ra, còn có BID và STB được khối ngoại mua ròng lần lượt là 50 và 46 tỷ đồng. Ở chiều ngược lại, không có cổ phiếu ngân hàng nào bị khối ngoại bán ròng quá 30 tỷ đồng.
Trái ngược với diễn biến trên, cổ phiếu ngân hàng lại là tâm điểm bán tháo của khối tự doanh. Cụ thể, trong tuần, khối tự doanh đã bán ròng 87 tỷ đồng TCB, 79 tỷ đồng VPB, 49 tỷ đồng ACB, 48 tỷ đồng STB và 47 tỷ đồng MBB.
Một số sự kiện ngân hàng nổi bật trong tuần
Hơn 34 triệu cổ phiếu LPB chưa phân phối hết trong đợt phát hành cho cổ đông hiện hữu được LienVietPostBank chào bán cho 23 cá nhân, bao gồm nhiều lãnh đạo và người thân.
Đại hội cổ đông Ngân hàng Quốc Dân (NCB) đã thông qua kế hoạch kinh doanh năm 2022 với mục tiêu lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh đạt 608 tỷ đồng. Bên cạnh đó, bầu thay thế 2 thành viên HĐQT.
Ông Trần Phương Bình, cựu Tổng giám đốc Ngân hàng Đông Á bị đề nghị mức án 14 - 15 năm tù trong vụ án thứ ba.
Theo Nghị quyết Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV đã thống nhất kéo dài thời hạn áp dụng Nghị quyết số 42 về thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng đến hết ngày 31/12/2023.
Cựu Chủ tịch Eximbank Lê Hùng Dũng qua đời. Ở cương vị Chủ tịch Eximbank, ông Dũng góp phần đưa nhà băng này trở thành một trong những ngân hàng thương mại cổ phần hàng đầu Việt Nam những năm 2010 - 2012.
Eximbank dự kiến phát hành hơn 245,8 triệu cổ phiếu để chi trả cổ tức tỷ lệ 20%. Sau khi hoàn tất phát hành, vốn điều lệ của ngân hàng sẽ tăng lên mức 14.814 tỷ đồng.
Agribank thông báo đã được Ngân hàng Nhà nước phê duyệt hạn mức hỗ trợ lãi suất 2%/năm với quy mô dự kiến 2.500 tỷ đồng trong năm 2022 đối với các đối tượng được hỗ trợ lãi suất.