Cổ phiếu GTN bị đưa vào diện kiểm soát từ ngày 3/3
Theo đó, bắt đầu từ ngày 3/3, cổ phiếu này sẽ bị hạn chế giao dịch, tức chỉ được giao dịch vào phiên chiều theo cả phương thức khớp lệnh và thỏa thuận.
Theo HOSE, nguyên nhân cổ phiếu GTN bị hạn chế giao dịch là lợi nhuận sau thuế chưa phân phối của GTNfoods tính đến ngày 31/12/2018 bị âm 39,73 tỉ đồng; năm 2019 cổ đông công ty mẹ tiếp tục chịu lỗ 66,26 tỉ đồng và lợi nhuận sau thuế chưa phân phối đến ngày 31/12/2019 ở mức âm 208,7 tỉ đồng.
Thông báo của HOSE được đưa ra sau khi GTNfoods vừa có những thay đổi lớn về mặt cơ cấu cổ đông và nhân sự, đặc biệt là sự xuất hiện của cổ đông lớn Vinamilk với 75% vốn điều lệ. Cùng với đó, bà Mai Kiều Liên, Tổng giám đốc Vinamilk cũng chính thức là Chủ tịch HĐQT của GTNfoods.
Trong năm 2019, doanh thu của GTNFoods đạt gần 2.970 tỉ đồng, giảm nhẹ so với kết quả đạt được năm 2018. Mặt khác, lãi ròng cả năm chỉ đạt 6,7 tỉ đồng, giảm tới 93,6%.
Bức tranh kinh doanh kém sắc năm 2019 chủ yếu do ảnh hưởng từ quí IV/2019, khi GTNfoods thực hiện việc thoái vốn tại một loạt mảng kinh doanh ngoài ngành.
Theo giải trình từ GTNfoods, việc thoái vốn giúp công ty có được cấu trúc đơn giản, lượng tiền mặt lớn để có thể sẵn sàng đầu tư vào các dự án hiệu quả trong tương lai, giúp tập trung chuyên sâu vào hoạt động có thế mạnh là sữa.
Trong năm 2020, sau khi về một nhà với Vinamilk, GTNFoods đặt kế hoạch doanh thu hợp nhất 2.909 tỉ đồng, lợi nhuận trước thuế 159 tỉ đồng và lợi nhuận sau thuế 99 tỉ đồng. Riêng công ty mẹ đặt kế hoạch lãi ròng 71 tỉ đồng.
Do năm 2019 kinh doanh thua lỗ, GTNFoods sẽ không chia cổ tức trong năm nay.
Trên thị trường chứng khoán, cổ phiếu GTN chứng kiến xu hướng giảm trong những phiên giao dịch gần đây, trong bối cảnh thị trường chứng kiến ảm đạm kể từ khi bùng phát dịch covid-19. Phiên 26/2, cổ phiếu này giảm 4,6% xuống còn 16.700 đồng/cp.