Cổ phiếu bất động sản hút tiền, VN-Index leo đỉnh 10 tháng
Sắc xanh lan tỏa khắp thị trường sau khi đón nhận tin tức đầy lạc quan từ thị trường Mỹ, điều này cũng giúp VN-Index mở cửa phiên 13/7 tạo khoảng cách hơn 5 điểm so với vùng giá đóng cửa trước đó và duy trì sắc xanh xuyên suốt thời gian giao dịch.
Đóng cửa ở mức cao nhất trong ngày, VN-Index tăng hơn 11 điểm tương ứng mức tăng gần 1% và dừng chân tại ngưỡng cao nhất trong 10 tháng trở lại đây ở mốc 1.165 điểm. Thanh khoản tiếp tục được duy trì ở mức cao với hơn 760 triệu đợn vị khớp lệnh tương ứng gần 15.500 tỷ đồng về giá trị.
Về mức độ ảnh hưởng, tác động tích cực nhất đến thị trường là GAS (+2,9%), VHM (+2,2%) và VCB (+0,9%), bộ ba này đã đóng góp tổng cộng gần 3,8 điểm cho đà tăng của VN-Index. Theo sau, MSN và VPB với mức tăng lần lượt là 2,9% và 1,5% đã giúp thị trường có thêm hơn 1,3 điểm. Ở chiều đối nghịch, không cái tên nào có tác động tiêu cực đáng kể đủ để thu hẹp sắc xanh của chỉ số.
VN30-Index kết phiên tăng 0,83% lên 1.156,11 điểm khi bên mua hoàn toàn áp đảo trong rổ với 27 mã tăng, 2 mã giảm và 1 mã đi ngang. Cụ thể, VHM, NVL, MSN và GAS có mức tăng lớn nhất lần lượt từ 2% trở lên. Phía ngược lại, VNM và PLX là hai lực cản lớn nhất của thị trường.
Hầu hết các nhóm ngành ghi nhận sắc xanh trở lại sau hai phiên thị trường chững lại. Nhóm cổ phiếu bất động sản thu hút dòng tiền khi có nhiều mã tăng hơn 3% như CEO, CIG, CRE, DIG, DXG, … nổi bật là HDC và NLG tăng kịch trần trong phiên.
Theo thống kê của FiinTrade, nhóm cổ phiếu ngành bất động sản ghi nhận tỷ trọng giá trị giao dịch của ngành ở mức 25,56% tăng từ mức 19,15% phiên trước, và cao nhất toàn thị trường, chỉ số ngành tăng 1,35%, với HDC, IJC, HDG, NDN lọt vào top vượt đỉnh.
Top cổ phiếu có giá trị giao dịch cao nhất trong ngày là DIG, NVL, DXG, CEO, NLG, VRE, KBC, PDR, VHM, IDC, toàn bộ 10/10 mã tăng điểm cho thấy có sự đồng thuận ở nhóm này.
Ở nhóm vốn hóa lớn, cả 3 cổ phiếu họ Vingroup đều tăng điểm trong phiên hôm qua (13/7), trong đó VHM tăng mạnh nhất 2,18%. Tính từ đầu năm, VHM tăng 17,29%, VRE tăng 7,03% nhưng VIC giảm 4,28%, tuy nhiên, tính trong vòng 1 năm, duy nhất VRE tăng 7,24% trong khi VHM vẫn giảm 6,3% và VIC tụt 25,9%.
Chỉ số dòng tiền tích lũy của cổ phiếu bất động sản tăng mạnh trong ngày hôm nay và có giá trị dương cho thấy bên mua chủ động đẩy giá và dòng tiền vào nhóm này rót ròng trong vòng một năm. Chỉ số dòng tiền so với thị trường chung của nhóm địa ốc tăng trong ngày hôm nay và có giá trị dương cho thấy dòng tiền vào nhóm này đang mạnh hơn thị trường chung.
Bên cạnh đó, cổ phiếu chứng khoán cũng có diễn biến tích cực khi có số lượng mã tăng áp đảo, nổi bật trong số đó có VIX (+3,1%); VND (+2%); SSI (+1,6%), SHS (+1,4%).
Ngoài ra, thị trường còn được hỗ trợ bởi diễn biến trở lại mua ròng của khối ngoại sau 5 phiên bán ròng liên tục trên HOSE với giá trị vào ròng đạt hơn 230 tỷ đồng. Trong đó, MSN và SSI được mua ròng nhiều nhất với giá trị lần lượt là 104,2 tỷ và 71,7 tỷ đồng. Ngược lại, DGC và VPB dẫn đầu Top bán ròng với quy mô lần lượt 58,7 tỷ và 53,9 tỷ đồng.
VN-Index có thể duy trì xung lực tăng sau khi vượt mốc 1.160 điểm?
Sau khi VN-Index chinh phục thành công ngưỡng 1.160 điểm, nhiều công ty chứng khoán cho rằng thị trường có thể sẽ duy trì đà tăng nhưng chỉ số chính sàn HOSE có thể sẽ đối mặt với các nhịp điều chỉnh.
Cụ thể, Chứng khoán Yuanta Việt Nam cho rằng VN-Index có thể sẽ điều chỉnh do đang trong vùng kháng cự 1.163 – 1.166 điểm. Đồng thời, thị trường vẫn đang trong giai đoạn biến động mạnh theo chiều hướng tích cực.
"Dòng tiền vẫn trong xu hướng tăng cho thấy xu hướng tăng ngắn hạn tiếp tục được củng cố bền vững, mặc dù vậy chúng tôi cũng lưu ý rủi ro ngắn hạn vẫn tiếp tục tăng. Trong trường hợp, VN-Index vượt được vùng kháng cự 1.163 – 1.166 điểm thì VN-Index có thể sẽ hướng về mức kháng cự 1.200 điểm", báo cáo của Yuanta Việt Nam chỉ ra.
Nhóm phân tích của Chứng khoán BIDV (BSC) cũng cho rằng hiện VN-Index đã tiến đến vùng kháng cự cũ 1.165 điểm và có thể xảy ra rung lắc tại vùng giá cao này trong một vài phiên tới.
Bàn về diễn biến của thị trường chứng khoán trong phần còn lại của năm 2023, Hoàng Công Tuấn, Kinh tế trưởng Công ty Cổ phần Chứng khoán MB (MBS) cho rằng nếu các yếu tố vĩ mô cơ bản ổn định, tăng trưởng GDP có xu hướng phục hồi nhờ mặt bằng lãi suất thấp hơn cũng như sự phục hồi của nền kinh tế toàn cầu trong nửa cuối năm thì thị trường chứng khoán Việt Nam đã chính thức tạo đáy và sẽ đi lên, mặc dù mức độ đi lên của thị trường chứng khoán trong năm 2023 sẽ không quá nhiều và quá mạnh.
“Trong hai quý còn lại của năm 2023, tôi đánh giá thị trường sẽ là một pha đi lên, chỉ có điều vẫn tương đối chậm chạp và xen lẫn những nhịp điều chỉnh", ông Tuấn cho hay.