|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Cổ phần hóa, thoái vốn vẫn trong tình trạng 'án binh bất động'

21:25 | 22/12/2019
Chia sẻ
Kế hoạch cổ phần hóa 128 doanh nghiệp nhưng đến thời điểm hiện nay mới được thực hiện 36 doanh nghiệp. Kế hoạch thoái vốn 60.000 tỉ đồng nhưng mới thoái được 4.704 tỉ đồng. Thời gian chỉ còn 1 năm nữa là kết thúc kế hoạch nhưng có những đơn vị mới triển khai được 10% kế hoạch. Đây là một thực trạng đáng báo động.
Cổ phần hóa, thoái vốn vẫn trong tình trạng 'án binh bất động' - Ảnh 1.

Sự chậm trễ phần lớn trách nhiệm của các đơn vị thực hiện, liên quan tới quyết tâm chính trị của các DN, trách nhiệm, sự sát sao của cơ quan đại diện sở hữu. Ảnh: ST.

Thoái vốn mới đạt 7,8% kế hoạch

Theo phê duyệt của Thủ tướng Chính phủ, Kế hoạch cổ phần hóa giai đoạn 2017 – 2020 là 128 doanh nghiệp. Thực tế, trong năm 2019 có 9 doanh nghiệp được cấp có thẩm quyền phê duyệt phương án cổ phần hóa, nhưng trong đó chỉ có 3 doanh nghiệp thuộc danh mục các doanh nghiệp cổ phần hóa được Thủ tướng phê duyệt. 

Như vậy, lũy kế giai đoạn 2016 – 2019, đã có 168 doanh nghiệp được cấp có thẩm quyền phê duyệt phương án cổ phần hóa, với tổng giá trị doanh nghiệp là 443.056 tỷ đồng, trong đó giá trị vốn nhà nước là 206.694 tỷ đồng nhưng chỉ có 36/168 doanh nghiệp thuộc danh mục 128 doanh nghiệp nêu trên, đồng nghĩa công tác cổ phần hóa theo chỉ đạo mới đạt 28% kế hoạch. Số doanh nghiệp còn phải thực hiện cổ phần hóa theo kế hoạch tính đến hết năm 2020 là 92 doanh nghiệp.

Điều đáng nói, trong công tác cổ phần hóa theo danh sách đã được Thủ tướng phê duyệt, có nhiều doanh nghiệp  phải thực hiện cổ phần hóa đến năm 2020 (nhất là Hà Nội và TPHCM) đang làm rất chậm chạp, thậm chí là “án binh bất động” trong những ngày “nước rút” này. 

Thống kê từ Bộ Tài chính cho thấy, Hà Nội đã cổ phần hóa 13 doanh nghiệp (4 tổng công ty), chiếm 14% kế hoạch; TPHCM cổ phần hóa 38 doanh nghiệp (11 tổng công ty), chiếm 40% kế hoạch.

Về thoái vốn, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt kế hoạch yêu cầu giai đoạn 2017 – 2020 phải thực hiện thoái khoảng 60.000 tỷ đồng vốn nhà nước tại các doanh nghiệp. Song thực tế từ năm 2017 đến 2019 mới thoái vốn nhà nước tại 92 đơn vị với giá trị 4.704 tỷ đồng, thu về 8.964 tỷ đồng. 

Riêng năm 2019 thoái vốn ở 13 doanh nghiệp với giá trị 896 tỷ đồng, thu về 1.839 tỷ đồng. Như vậy, tình hình thoái vốn nhà nước còn kém hơn cổ phần hóa khi chỉ đạt 7,8% kế hoạch đề ra.

Ngoài những doanh nghiệp phải thoái vốn trong danh mục Thủ tướng yêu cầu, 3 năm qua, cả nước đã thoái 3.785 tỷ đồng, thu về 110.392 tỷ đồng (bao gồm khoản thoái 3.436 tỷ đồng, thu về 109.965 tỷ đồng tại Công ty cổ phần Bia – Rượu – Nước giải khát Sài Gòn (Sabeco). 

Bên cạnh đó, trong quá trình triển khai đề án cơ cấu lại, một số tập đoàn, tổng công ty, DNNN cũng đã thoái vốn 16.279 tỷ đồng, thu về 51.714 tỷ đồng từ năm 2016 đến nay. Tính tổng lại cả 3 lĩnh vực thì cả nước trong giai đoạn 2016 – 2019 đã thoái 24.769 tỷ đồng, thu về 171.072 tỷ đồng.

Đã nhiều lần nhấn mạnh trên nhiều diễn đàn song ông Đặng Quyết Tiến – Cục trưởng Cục Tài chính doanh nghiệp, Bộ Tài chính vẫn phải nhắc lại rằng: Cổ phần hóa, thoái vốn là giải pháp quan trọng trong sắp xếp, đổi mới, cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước (DNNN). 

Kết quả công tác cổ phần hóa, thoái vốn đã có tác động tích cực tới sự phát triển của thị trường chứng khoán, đồng thời nâng cao hiệu quả hoạt động của các doanh nghiệp sau cổ phần hóa. Hầu hết các DNNN sau cổ phần hóa đều sản xuất, kinh doanh có hiệu quả, nộp ngân sách và thu nhập của người lao động được nâng lên.

Tuy nhiên, không thể phủ nhận một thực trạng là một số bộ, ngành, địa phương, tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước còn chưa thực sự nghiêm túc triển khai kế hoạch cổ phần hóa, thoái vốn, cơ cấu lại DNNN theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và chấp hành chế độ báo cáo. 

Vai trò, nhận thức, trách nhiệm của người đứng đầu doanh nghiệp, đơn vị còn chưa cao, chưa quyết liệt trong việc đổi mới hoạt động của doanh nghiệp, công khai minh bạch, đúng quy định pháp luật, đảm bảo nguyên tắc thị trường, chống lợi ích nhóm trong cổ phần hóa và thoái vốn nhà nước. 

Dĩ nhiên, theo ông Tiến, cũng có những vấn đề do khách quan như quá trình cổ phần hóa DNNN cần có nhiều thời gian để xử lý vướng mắc về tài chính, đất đai, lao động trong giai đoạn trước cổ phần hóa làm kéo dài thời gian thực hiện cổ phần hóa. Đặc biệt là vấn đề xác lập hồ sơ pháp lý đất đai do Ủy ban nhân dân địa phương thực hiện chậm, kéo dài thời gian hơn so với quy định dẫn đến các doanh nghiệp phải điều chỉnh tiến độ cổ phần hóa.

Sẽ truy trách nhiệm người đứng đầu

Để tiếp tục đẩy mạnh công tác đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động của DNNN, trọng tâm là các tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước, các bộ, ngành, địa phương, tập đoàn, tổng công ty nhà nước cần tập trung khắc phục những tồn tại, hạn chế; nghiêm túc, khẩn trương, quyết liệt triển khai các Nghị quyết của Đảng, Quốc hội, Chính phủ và chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.

Theo ông Tiến, phía Bộ Tài chính sẽ tiếp tục tham mưu với Chính phủ để hoàn thiện thể chế, khung khổ pháp lý về tổ chức quản lý và hoạt động của DNNN và doanh nghiệp có vốn nhà nước về cổ phần hóa, thoái vốn, cơ cấu lại doanh nghiệp. Song, việc quan trọng là các bộ, ngành, địa phương, tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước, DNNN phải khẩn trương hoàn thành việc phê duyệt hoặc trình cấp có thẩm quyền phê duyệt phương án cơ cấu lại các doanh nghiệp thuộc lĩnh vực quản lý. 

Các DNNN thuộc diện cổ phần hóa cần khẩn trương rà soát toàn bộ quỹ đất đang quản lý, sử dụng để lập phương án sử dụng đất theo quy định của pháp luật đất đai trình Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có ý kiến về phương án và giá đất để cấp có thẩm quyền phê duyệt trước khi tổ chức xác định giá trị doanh nghiệp cổ phần hóa theo đúng quy định hiện hành.

Đặc biệt, cơ quan đại diện chủ sở hữu chỉ đạo người đại diện phần vốn nhà nước đôn đốc các doanh nghiệp đã cổ phần hóa thực hiện nghiêm việc đăng ký giao dịch, niêm yết trên thị trường chứng khoán theo quy định của pháp luật. 

Đối với các doanh nghiệp đã cổ phần hóa và chuyển sang hoạt động dưới hình thức công ty cổ phần, đề nghị thực hiện quyết toán công tác cổ phần hóa theo quy định, trường hợp không đảm bảo thời gian thì phải báo cáo Thủ tướng Chính phủ giải trình rõ nguyên nhân và chịu trách nhiệm về sự chậm trễ này. 

Thực hiện bàn giao các doanh nghiệp thuộc diện phải bàn giao quyền đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước về Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) theo đúng quy định hiện hành...

Ngay đầu năm 2019, Thủ tướng Chính phủ đã có Chỉ thị 01/CT-TTg về việc tăng cường công tác chỉ đạo, đẩy mạnh công tác cơ cấu lại, sắp xếp, đổi mới, cổ phần hóa và thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp nhà nước và doanh nghiệp có vốn nhà nước cũng nêu rõ, gắn trách nhiệm của người đứng đầu để chậm tiến độ cổ phần hóa. 

Tới đây, trong quá trình sơ kết, rà soát, từng đơn vị, địa phương sẽ phải kiểm điểm đánh giá lại, báo cáo cho Chính phủ. Thực hiện nghiêm Chỉ thị này, đó là trách nhiệm người đứng đầu.

Hồng Vân