|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Doanh nghiệp

Cổ phần hoá DNNN: 8 tháng mới cổ phần hóa được 1 đơn vị, 'lo' khó đạt kế hoạch

15:36 | 24/09/2019
Chia sẻ
Tiến độ cổ phần hóa các doanh nghiệp hiện đang còn chậm và đứng trước nguy cơ không đạt được kế hoạch đề ra.

Vẫn đang ì ạch

Theo số liệu của Bộ Tài chính, kế hoạch cổ phần hóa giai đoạn 2017 – 2020 là 128 doanh nghiệp, tuy nhiên, trong tháng 8 cổ phần hóa được 01 đơn vị thuộc danh mục doanh nghiệp cổ phần hóa ban hành kèm theo Quyết định số 26/2019/QĐ-TTg. 

Trong 08 tháng đầu năm 2019 có 09 doanh nghiệp được cấp có thẩm quyền phê duyệt phương án cổ phần hóa, tuy nhiên trong đó chỉ có 3 doanh nghiệp thuộc danh mục các doanh nghiệp cổ phần hóa theo công văn số 991/TTg-ĐMDN (2 DN) và Quyết định số 26/2019/QĐ-TTg (1 DN). 

Lũy kế đến tháng 8/2019, đã có 36/128 doanh nghiệp cổ phần hóa thuộc danh mục phải cổ phần hóa theo công văn số 991/TTg-ĐMDN (35 DN) và Quyết định số 26/2019/QĐ-TTg (1 DN). 

Từ nay đến hết năm 2020 còn phải cổ phần hóa 92 doanh nghiệp. Như vậy, tiến độ cổ phần hóa các doanh nghiệp hiện đang còn chậm và đứng trước nguy cơ không đạt được kế hoạch đề ra.


Ông Đặng Quyết Tiến – Cục trưởng Cục Tài chính Doanh nghiệp (nguồn: Bộ Tài chính)

Bên cạnh cổ phần hoá, tình hình thoái vốn theo Quyết định số 1232/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ cũng không khả quan hơn khi mới có 90 đơn vị thuộc Quyết định số 1232/QĐ-TTg ngày 17/8/2017 của Thủ tướng Chính phủ với giá trị 4.574 tỷ đồng, thu về 8.807 tỷ đồng.

Theo Quyết định số 1232/QĐ-TTg ngày 17/8/2017 của Thủ tướng Chính phủ thì giai đoạn 2017 – 2020 phải thực hiện thoái khoảng 60.000 tỷ đồng vốn nhà nước tại các doanh nghiệp, trong đó năm 2017 thực hiện thoái vốn tại 135 doanh nghiệp; Năm 2018 thực hiện thoái vốn tại 181 doanh nghiệp; Năm 2019 thực hiện thoái vốn tại 62 doanh nghiệp; Năm 2020 thực hiện thoái vốn tại 28 doanh nghiệp.

Tổng số thoái vốn 8 tháng đầu năm mới chỉ được 2.432 tỷ đồng, thu về 4.653 tỷ đồng. Lũy kế tổng số thoái vốn từ năm 2016 đến tháng 8/2019 đã thoái 24.496 tỷ đồng, thu về 170.609 tỷ đồng.

Theo đánh giá của Bộ Tài chính, tiến trình cổ phần hóa và thoái vốn hiện đang rất chậm do một số Bộ, ngành, địa phương, Tập đoàn kinh tế, Tổng công ty nhà nước còn chưa thực sự nghiêm túc triển khai kế hoạch cổ phần hóa, thoái vốn, cơ cấu lại DNNN theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và chấp hành chế độ báo cáo. 

Cần tập trung khâu định giá doanh nghiệp

Ông Đặng Quyết Tiến, Cục trưởng Cục Tài chính doanh nghiệp (Bộ Tài chính) cho rằng, nguyên nhân khiến cho tiến độ cổ phần hóa, thoái vốn còn chậm là do quá trình cổ phần hóa DNNN cần có nhiều thời gian để xử lý vướng mắc về tài chính, đất đai, lao động trong giai đoạn trước cổ phần hóa làm kéo dài thời gian thực hiện cổ phần hóa.

Đặc biệt là vấn đề xác lập hồ sơ pháp lý đất đai do Ủy ban nhân dân địa phương thực hiện chậm, kéo dài thời gian hơn so với quy định dẫn đến các doanh nghiệp phải điều chỉnh tiến độ cổ phần hóa. 

Bên cạnh đó, việc chậm quyết toán bàn giao sang công ty cổ phần của các doanh nghiệp cổ phần hóa đã chuyển sang hoạt động dưới hình thức công ty cổ phần, làm ảnh hưởng đến công tác bàn giao và thu nộp các khoản về Quỹ Hỗ trợ sắp xếp và phát triển doanh nghiệp. 

Đồng thời, việc bàn giao quyền đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước về SCIC còn chậm, chưa đảm bảo kế hoạch theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. 

Đối với phần vốn nhà nước trong phương án cổ phần hóa DNNN, ông Tiến cho rằng tỉ lệ này vẫn còn cao dẫn đến giảm sức hút đối với các nhà đầu tư mua cổ phần, ảnh hưởng đến thành công của việc cổ phần hóa.

Song song đó là việc nhiều doanh nghiệp chậm đăng ký giao dịch, niêm yết trên thị trường chứng khoán làm ảnh hưởng đến tính công khai, minh bạch của thị trường, chậm đổi mới công tác quản trị doanh nghiệp sau cổ phần theo thông lệ và chuẩn mực của các doanh nghiệp trên thị trường chứng khoán, cũng như hạn chế công tác giám sát của toàn xã hội đối với hoạt động của các doanh nghiệp này.

Để đẩy nhanh tiến độ cổ phần hóa cũng như thoái vốn tại doanh nghiệp diễn ra đúng tiến độ, Cục trưởng Cục Tài chính doanh nghiệp cho rằng, hiện các văn bản pháp quy đã có đủ, vấn đề quan trọng là phương pháp tổ chức thực hiện, cần xác định tốt giá trị doanh nghiệp. 

Tới đây các cơ quan đại diện sở hữu, các Bộ, ngành cần phối hợp chặt chẽ với các UBND các tỉnh thành để chúng ta kịp thời tháo gỡ những khó khăn cho các doanh nghiệp để đẩy nhanh tiến độ cổ phần hóa. 

Theo đó, ông Tiến cho rằng cần phải chuẩn bị tốt các khâu xác định giá trị doanh nghiệp thì mới đảm bảo được tiến độ cổ phần hóa từ nay đến 2020. 

Đặc biệt, các doanh nghiệp nhà nước thuộc diện cổ phần hóa cần khẩn trương rà soát toàn bộ quỹ đất đang quản lý, sử dụng để lập phương án sử dụng đất theo quy định của pháp luật đất đai trình UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có ý kiến về phương án và giá đất để cấp có thẩm quyền phê duyệt trước khi tổ chức xác định giá trị doanh nghiệp cổ phần hóa theo đúng quy định tại Nghị định số 167/2017/NĐ-CP ngày 31/12/2017 và Nghị định số 126/2017/NĐ-CP ngày 16/11/2017.

Vừa qua, Chính phủ cũng đã ban hành Nghị quyết số 73/NQ-CP ban hành Chương trình hành động của Chính phủ triển khai Nghị quyết số 60/2018/QH14 ngày 15/6/2018 của Quốc hội về tiếp tục hoàn thiện và đẩy mạnh việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lí, sử dụng vốn, tài sản nhà nước tại doanh nghiệp và cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước.

Mục tiêu của Nghị quyết số 73/NQ-CP cũng nhằm đẩy nhanh tiến độ thực hiện cổ phần hoá vốn đang trì trệ hiện nay. Bên cạnh việc yêu cầu đẩy nhanh quá trình hoàn thiện các cơ chế chính sách, pháp luật về quản lí, sử dụng vốn, tài sản nhà nước tại doanh nghiệp và cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước, Chính phủ cũng đã bật đèn xanh cho phép giải thể, phá sản đối với các DNNN yếu kém không có phương án cơ cấu lại khả thi.

Hoàng Trung