Có nhận đòn đau thì mới thức tỉnh
Có thể nói, với mức thuế này, cánh cửa vào thị trường Mỹ đối với thép không gỉ và thép tấm cán nguội đã đóng sập lại. Nhưng nó cũng là cơ hội rất tốt để ngành thép, và nhiều ngành công nghiệp khác, thức tỉnh để bắt đầu xây dựng một hướng đi mới bền vững và có chất lượng hơn.
Những chính sách ưu đãi về thuế quan mà các nước dành cho Việt Nam, với tư cách là một quốc gia đang phát triển, cùng với những cơ hội mở ra từ các hiệp định thương mại tự do (FTA), là những yếu tố giúp nền kinh tế Việt Nam có cơ hội vươn lên. Tất nhiên, để tận dụng được những cơ hội đó, một cách thực chất, thì doanh nghiệp cũng phải “đổ mồ hôi, sôi nước mắt”.
Nhưng cũng có những doanh nghiệp muốn tận dụng thời cơ để làm giàu nhanh mà không muốn tốn nhiều mồ hôi và công sức, bằng cách chỉ đầu tư sơ sài, nhập linh kiện hoặc bán thành phẩm về gia công thêm chút đỉnh rồi xuất khẩu.
Đáng nói hơn, tận dụng tâm lý mải mê chạy theo thành tích thu hút đầu tư của nhiều địa phương, không ít nhà đầu tư nước ngoài cũng tìm đến Việt Nam để nắm bắt cơ hội xuất khẩu sang nước thứ ba theo cách đơn giản và nhanh chóng thu lợi nhất.
Đó là phương thức kinh doanh của những nhà đầu tư “cơ hội”, làm ăn theo kiểu “ăn xổi”, “đánh nhanh rút gọn”. Rõ ràng, dòng vốn đầu tư đổ vào phương thức kinh doanh ngắn hạn đó chẳng mang lại lợi ích gì nhiều, mà trái lại, nó còn làm nảy sinh những di hại không nhỏ cho nền kinh tế.
Với lợi thế về chi phí đầu tư thấp, giá thành rẻ và tốc độ đưa hàng ra thị trường nhanh, sự tồn tại của kiểu kinh doanh “cơ hội” này sẽ dễ dàng làm nản lòng những ai có ý định lâu dài với những dự án đầu tư có chiều sâu.
Một khi nền sản xuất gia công, lắp ráp đơn giản vẫn còn ở thế thượng phong, thì công nghiệp của Việt Nam sẽ khó mà có được bước phát triển mang tính đột phá.
Đáng lo hơn, nó còn khiến cho các ngành công nghiệp hướng về xuất khẩu của Việt Nam thường xuyên phải đối diện với mối nguy bị các nước nhập khẩu “ra đòn” phòng vệ thương mại và trong tâm trạng đó, hỏi có mấy doanh nghiệp dám mạo hiểm với kế hoạch đầu tư một cách bài bản và nghiêm túc.
Việc Bộ Thương mại Mỹ đánh thuế rất nặng đối với hai sản phẩm thép, cùng với mối lo các hàng hóa khác của Việt Nam xuất khẩu vào thị trường Mỹ sẽ bị đánh thuế cao, đang tạo ra áp lực tâm lý không nhỏ đối với doanh nghiệp Việt Nam.
Nhưng trong cái rủi luôn có cái may. Nếu vì những áp lực đó mà doanh nghiệp có thể “thức tỉnh”, từ bỏ lối làm ăn “cơ hội” để bắt đầu với hướng đi mới bền vững và có chiều sâu; Chính phủ và các địa phương cũng vì đó mà thay đổi chiến lược thu hút đầu tư nước ngoài, tập trung cho các dự án có tiềm năng cải thiện chất lượng tăng trưởng cho nền kinh tế, thì cái mà chúng ta đang cho là áp lực sẽ trở thành động lực tăng trưởng cho Việt Nam.