Có nên nâng lãi suất huy động USD lên khỏi ‘mặt đất’?
Lãi suất VNĐ và USD phổ biến ở bao nhiêu? | |
Fed có thể nâng lãi suất thêm bốn lần trong năm 2018 |
Ảnh hưởng từ chiến tranh thương mại giữa Mỹ - Trung Quốc và Fed tăng lãi suất làm cho đồng USD lên giá so với nhiều đồng tiền trên thế giới, trong đó có VNĐ. Điều này đang tạo áp lực lên chính sách lãi suất 0% đối với USD (được hỗ trợ nhiều từ việc duy trì lãi suất ở mức thấp tại Mỹ) và chính sách chống đô la hoá tại Việt Nam.
Thời gian tỷ giá USD trong nước biến động mạnh như hiện nay, có quan điểm cho rằng cần tăng lãi suất USD để theo kịp thị trường thế giới, tránh sự chênh lệch dẫn đến giảm lượng ngoại tệ chảy về Việt Nam. Đồng thời, hút lượng tiền USD nhàn rồi trong dân, tăng lượng tiền USD gửi trong ngân hàng.
Có nên tăng lãi suất huy động USD lên trên mức 0%? (Ảnh minh hoạ) |
Vốn nước ngoài vào Việt Nam vẫn tiếp tục tăng
Nếu phân tích kỹ hơn có thể nhận thấy ảnh hưởng của biến động tỷ giá ở Việt Nam đang nằm trong tầm kiểm soát. Nguồn ngoại tệ đổ về Việt Nam theo hai con đường chính là đầu tư (FDI, FII) và kiều hối tiếp tục tăng trong khi dự trữ ngoại hối đạt mức cao nhất từ trước tới nay.
Tính đến 20/6/2018, tổng vốn FDI vào Việt nam đạt 20,33 tỷ USD, tăng 5,7% so với cùng kỳ năm trước; vốn FII đạt 4,1 tỷ USD, tăng 82,4%. Như vậy nguồn vốn ngoại vẫn tiếp tục tăng, nhưng với tốc độ chậm hơn so với những năm trước. Trong đó, vốn FDI vào sản xuất giảm và tăng đầu tư vào thị trường tài chính do mức lợi suất cao. Điều này cho thấy Việt Nam vẫn đang là thị trường hấp dẫn đối với các nhà đầu tư ngoại.
Cùng với đó, lượng kiều hối về Việt Nam cũng chưa có dấu hiệu giảm, kiều hối về TP HCM trong 6 tháng đầu năm nay ước đạt 2,45 tỷ USD, tăng trên 19% so với cùng kỳ.
Trong 6 tháng đầu năm, NHNN đã mua thêm 11 tỷ USD nâng dự trữ ngoại hối Nhà nước lên mức kỷ lục trên 63,5 tỷ USD. Đây là cơ sở để NHNN có thể kiểm soát được biến động tỷ giá (bán ra USD để giảm căng thẳng tỷ giá trong nước).
Không huy động USD cũng nên đi kèm với không cho vay USD?
Mặc dù đồng USD đã tăng giá khá nhanh so với VNĐ trong thời gian vừa qua nhưng việc nắm giữ VNĐ vẫn là có lợi hơn so với USD.
Do đồng USD có lãi suất bằng 0% nên lợi tức mang lại là do sự tăng giá đồng tiền so với VNĐ. Ước tính từ thời điểm đầu năm đến hiện tại, tỷ giá USD/VNĐ trên thị trường ngân hàng đã tăng khoảng 2,6 - 2,7%. Mức này đang tiến gần đến với dự báo tăng tỷ giá trong năm 2018 của nhiều chuyên gia kinh tế khoảng 3%.
Trong khi đó, lãi suất các kỳ hạn gửi từ 1 - 6 tháng tại các ngân hàng thương mại dao động từ 4,8 - 7%/năm, vẫn cao hơn mức biến động của tỷ giá.
Mặt khác, NHNN cũng đưa ra mục tiêu ổn định thị trường ngoại tệ, kiểm soát chặt và giảm dần và có lộ trình chấm dứt cho vay bằng ngoại tệ. Không tiếp tục cho vay USD thì việc huy động USD của ngân hàng cũng không còn nhiều ý nghĩa.
Ông Nguyễn Đức Hùng Linh - Giám đốc Bộ phận Phân tích, CTCP Chứng khoán Sài Gòn (SSI) nhận định, việc duy trì lãi suất tiền gửi USD 0% góp phần rất nhiều trong việc chống đô la hóa trên thị trường, làm cho người dân, doanh nghiệp không có xu hướng nắm giữ USD mà có xu hướng bán ra, từ đó tăng nguồn cung USD trên thị trường, góp phần bình ổn tỷ giá.
Ông Andreas Hauskrecht |
"Việt Nam là nước thành công nhất trong việc chống đô la hoá", ông Andreas Hauskrecht - Giáo sư Trường Đại học Indiana Mỹ, Thành viên nhóm sáng kiến Việt Nam và từng phụ trách văn phòng GIZ Việt Nam cho biết.
Năm 1998, tỷ lệ đô la hoá ở Việt nam vào khoản 47%, đồng USD vẫn được chấp nhận thanh toán ở nhiều nơi thì đến nay tỷ lệ đô la hoá chỉ còn dưới 8% và đang tiếp tục giảm. "Hiện tại, trong ví của tôi không có một đồng USD nào mà chỉ có tiền đồng", ông nói.
Ông nhận định kết quả đạt được như trên là nhờ có chính sách bài bản của NHNN và được ủng hộ của Thủ tướng Chính phủ và NHNN cần tiếp tục theo đuổi chiến lược chấm dứt đô la hoá.
Ông ủng hộ việc tiếp tục áp lãi suất 0% đối với huy động USD. Nếu trả lãi cho việc gửi tiết kiệm USD thì sẽ là sai lầm về mặt kinh tế và làm suy giảm chức năng lưu giữ giá trị của VNĐ. Tại Mỹ, Euro, Nhật Bản hay Hàn Quốc cũng như vậy, người dân không thể gửi tiết kiệm bằng một đồng tiền khác đồng bản tệ. Do đó, theo ông "không có lý do gì để Việt Nam có thể trả lãi cho USD".
Ngoài ra, không huy động USD cũng nên đi kèm với việc không cho vay USD. Thay vào đó là xây dựng thị trường mua, bán USD có tính thanh khoản.
Cùng với đó, chuyên gia cho rằng Việt Nam cần có chiến lược nâng cao sự linh hoạt về tỷ giá, sử dụng một mức lạm phát đáng tin cậy để neo tỷ giá. Đồng thời, chuyển sang cơ chế lạm phát mục tiêu.