Cơ hội nào cho quỹ đầu tư mạo hiểm của ông Phạm Nhật Vượng giữa 'mùa đông' startup?
Vingroup gần đây đã công bố thành lập quỹ đầu tư mạo hiểm trị giá 150 triệu USD. Quỹ VinVentures sẽ hỗ trợ các startup trong lĩnh vực trí tuệ nhân tạo, chip và điện toán đám mây.
Theo bà Lê Hàn Tuệ Lâm - CEO VinVentures, các công ty con của Vingroup được xem là “khách hàng tiềm năng” cho các startup được quỹ đầu tư.
“Bên cạnh việc góp vốn, giá trị đặc biệt mà VinVentures mang đến cho các startup là khả năng kết nối với các công ty trong hệ sinh thái của Vingroup,” bà chia sẻ.
VinVentures có thể góp phần vào mục tiêu quốc gia thu hút 35 tỷ USD đầu tư vào startup tại Việt Nam từ nay đến năm 2035. Mục tiêu này được một nhóm nhà đầu tư tư nhân và quỹ đầu tư mạo hiểm đưa ra tháng trước khi thành lập Hiệp hội Vốn Tư nhân Việt Nam (VPCA), bao gồm các quỹ như Golden Gate Ventures, Monk’s Hill Ventures và Do Ventures.
Dữ liệu từ DealStreetAsia cho thấy Việt Nam ghi nhận mức giảm mạnh nhất Đông Nam Á về huy động vốn, giảm 79% trong 9 tháng đầu năm 2024 so với cùng kỳ năm trước. Trong khi ngành công nghệ toàn cầu đang trải qua “mùa đông startup,” Việt Nam là một thị trường nhỏ với ít nhà đầu tư tổ chức, ít cơ hội sáp nhập và mua lại, và các vòng gọi vốn thường không vượt quá vòng A hoặc B.
Các nhà đầu tư cho biết họ đã đạt được nhiều tiến bộ sau nhiều năm quảng bá tiềm năng khởi nghiệp của Việt Nam tới các quỹ đầu tư toàn cầu.
“Điều này không hề dễ dàng,” ông Bình Trần, đối tác của 500 Startups Vietnam và là thành viên sáng lập quỹ Ascend Vietnam Ventures (AVV), chia sẻ với Nikkei. AVV cũng là một trong những thành viên sáng lập Hiệp hội Vốn Tư nhân Việt Nam.
VinVentures cho biết họ kỳ vọng mở rộng hoạt động từ Việt Nam sang Singapore, Indonesia và Philippines, đồng thời sẵn sàng hợp tác với các công ty ở các ngành khác, “không nhất thiết giới hạn ở các startup liên quan đến Vingroup”. Quỹ này cho biết họ có thể góp phần vào sứ mệnh “vươn ra thị trường Việt Nam và khu vực, đồng thời tăng doanh thu cho tập đoàn”.
Trước VinVentures, Vingroup cũng đã đầu tư cho nhiều startup công nghệ thông qua các quỹ như Vingroup Ventures, VinTech City với các startup tiêu biểu gồm: VinBigData, VinAI, VinBrain, VinCSS….
Trong đó, công ty khởi nghiệp VinBrain đang được Nvidia thảo luận với các bên liên quan để hoàn tất việc mua lại, theo ba nguồn tin giấu tên có liên quan đã tiết lộ với The Business Times.
VinBrain là một công ty liên kết của Vingroup, với khoản đầu tư trị giá 126,6 tỷ đồng (khoảng 5 triệu USD) tính đến tháng 12/2023. VinAI ban đầu là một viện nghiên cứu thuộc Vingroup, sau đó trở thành công ty con vào năm 2021 với số vốn 425 tỷ đồng (khoảng 17 triệu USD).
Theo báo cáo tài chính mới nhất của Vingroup công bố hồi tháng 8, tính đến cuối tháng 6, tập đoàn của tỷ phú Phạm Nhật Vượng sở hữu 49,74% cổ phần tại VinBrain và 65% cổ phần tại VinAI.
Trong khi đó, một tập đoàn công nghệ toàn cầu khác được cho là đang trong quá trình thẩm định để mua lại VinAI, theo Tech in Asia.
Từ năm ngoái, VinAI đã hợp tác với Qualcomm, nhà sản xuất chip của Mỹ, để phát triển nhiều giải pháp AI dành cho các thành phố thông minh và phương tiện giao thông thông minh. Năm ngoái, VinAI đã giới thiệu PhoGPT – một loạt mô hình AI mã nguồn mở được huấn luyện sẵn cho tiếng Việt.
Trước đó, VinAI đã mời CEO OpenAI Sam Altman tham gia phát biểu trực tuyến vào tháng 12/2023, với các ứng dụng AI có thể sẽ được tích hợp trong xe điện VinFast.