Cơ hội đi làm việc ở nước ngoài cho lao động có trình độ cao
|
Phó Cục trưởng Cục Quản lý lao động ngoài nước (Bộ LĐTB&XH) Phạm Viết Hương cho biết, cơ hội làm việc cho những lao động muốn đi làm việc ở nước ngoài trong năm 2017 đang rất cao, đặc biệt là những người sở hữu chuyên môn cao. Nhu cầu lao động có chuyên môn cao tại nhiều nước là rất lớn, điều quan trọng là phải chuẩn bị tốt nguồn nhân lực để sẵn sàng đáp ứng.
Cuối năm 2016, Nhật Bản vừa thông qua một luật mới tạo ra nhiều cơ hội hơn cho các lao động nước ngoài, trong đó các Việt Nam. Trong đó, việc kéo dài thời hạn lưu trú cho các thực tập sinh đến 5 năm và mở rộng tiếp nhận nghề hộ lý điều dưỡng là điểm nhấn quan trọng trong bối cảnh tốc độ già hóa dân số tại Nhật Bản cao và nhu cầu đối với nghề này đang là rất lớn.
Tương tự, trong năm 2016, Việt Nam đã có thỏa thuận với Đức liên quan đến vấn đề tuyển chọn đào tạo điều dưỡng sang làm việc trong các bệnh viện tại nước này. Hiện nay, cơ hội là rất rộng mở cho những lao động có chuyên môn trong lĩnh vực này.
Thực tế, những thị trường lao động có thu nhập cao như Nhật Bản, Hàn Quốc ngày càng thu hút sự tham gia của nhiều lao động có trình độ chuyên môn. Kỳ thi tiếng Hàn lần thứ 11 cho người lao động có nguyện vọng đi làm việc tại Hàn Quốc hồi tháng 10/2016 chỉ lấy 2.100 thí sinh có điểm cao nhất, trong khi có tới hơn 20.000 thí sinh dự thi. Điều này cho thấy, những thị trường thu nhập cao ngày càng đòi hỏi khắt khe hơn và lao động phải có trình độ chuyên môn kỹ thuật tốt mới có cơ hội đi làm việc.
Theo Thứ trưởng Bộ LĐTB&XH Doãn Mậu Diệp, tỷ lệ thất nghiệp ở những lao động có trình độ đại học, cao đẳng tương đối cao. Năm 2016, cả nước có trên 200.000 cử nhân, thạc sĩ thất nghiệp. Do vậy, xuất khẩu lao động có trình độ kỹ thuật là một trong những giải pháp trước mắt giải quyết việc làm cho số sinh viên tốt nghiệp đang thất nghiệp.
Thứ trưởng Doãn Mậu Diệp cho biết, Bộ đang giao Cục Quản lý lao động ngoài nước xây dựng đề án "Đưa lao động có trình độ chuyên môn kỹ thuật đi làm việc ở nước ngoài, giai đoạn 2017-2020, định hướng đến 2025" để trình Chính phủ.
Theo đó, Đề án hướng tới đẩy mạnh xuất khẩu lao động trình độ cao ở một số ngành nghề như hộ lý, điều dưỡng sang Nhật, Đức; cơ khí, công nghệ thông tin, điện tử sang Hàn Quốc và hướng đến một số thị trường mới như Slovakia, Czech... Đây được xem là hướng đi cho số lao động có trình độ đại học, cao đẳng đang thất nghiệp có cơ hội tham gia các chương trình xuất khẩu lao động, tìm việc làm.
Tuy nhiên, vấn đề cần lưu ý đối với lao động trình độ cao là dù đã qua đào tạo nhưng muốn tham gia vào các chương trình này đều phải được hỗ trợ bồi dưỡng về ngoại ngữ, tay nghề, văn hóa, hoặc đào tạo ngắn hạn để chuyển đổi ngành nghề cho phù hợp với thị trường tiếp nhận lao động.
Theo ông Phạm Viết Hương, nâng cao chất lượng lao động được xác định là yếu tố then chốt góp phần vào sự phát triển bền vững của hoạt động đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài. Đây cũng là hoạt động trọng tâm được thực hiện trong năm 2017. Cục Quản lý lao động ngoài nước sẽ thực hiện sát sao việc giám sát các doanh nghiệp trong công tác tuyển chọn, đào tạo lao động trước khi đi làm việc ở nước ngoài, đồng thời phối hợp với các địa phương, doanh nghiệp tiếp tục triển khai các chương trình hỗ trợ đào tạo lao động đi làm việc ở nước ngoài.
Song với việc xây dựng Đề án, Cục cũng tiếp tục nghiên cứu, xúc tiến đàm phán để tiến tới trình Bộ ký Hiệp định hợp tác lao động với Rumani, Singapore; Hiệp định về bảo hiểm xã hội với CHLB Đức và Hàn Quốc; Hiệp định về tuyển dụng có tổ chức công dân Việt Nam sang làm việc trên lãnh thổ Liên bang Nga; Thỏa thuận về hợp tác lao động với Đài Loan, Isarel, Angieri; Thỏa thuận hợp tác phái cử tiếp nhận thực tập sinh theo Luật Bảo hộ thực tập sinh và triển khai chương trình thực tập sinh kỹ năng người nước ngoài đúng quy định với Nhật Bản.