Có hiện tượng thổi giá heo?
Sáng 12.11, giá heo hơi tại một số tỉnh phía bắc tiếp tục xô kỷ lục, ngấp nghé mốc 80.000 đồng/kg.
Họ có “thổi” giá, nhưng không mua, lấy heo đâu mà bán?
Cụ thể, giá heo hơi tại một số xã ở Hải Dương, Bắc Giang đã được xác lập mốc 76.000 đồng/kg. Trong khi đó, thương lái vùng núi phía bắc thông tin, giá heo hơi tại Sơn La, Lai Châu cũng lên đến 76.000 đồng/kg.
Các tỉnh như Hà Nam, Nam Định, Thái Bình, Hà Nội cũng ở mức 73.000 - 75.000 đồng/kg, Thái Bình và Tuyên Quang khoảng 72.000 đồng/kg.
Trong khi đó, giá heo hơi tại khu vực miền Trung và Tây nguyên dao động từ 65.000 - 70.000 đồng/kg.
Tại hai tỉnh Nghệ An và Thanh Hóa, nhiều địa phương bán được giá 72.000 đồng/kg.
Giá heo hơi tại miền Nam theo thông báo của các công ty chăn nuôi lớn trong khu vực từ 61.000 - 63.000 đồng/kg nhưng một số thương lái cho biết mua trực tiếp được heo giá 61.000 đồng/kg không còn dễ nữa, phải qua các tổng đại lý.
Theo đó, giá heo hơi tăng thêm từ 3-5 giá. Tại vùng nuôi heo lớn ở Đồng Nai là huyện Cẩm Mỹ, heo hơi sáng nay được một vài trang trại báo bán giá 67.000 đồng/kg.
Thậm chí, trên diễn đàn Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai, ông H.Huy báo giá heo đẹp tại Cẩm Mỹ có thương lái trả đến 75.000 đồng/kg.
Giá heo hơi vẫn tiếp tục tăng phi mã, trong bối cảnh mọi hoạt động tái đàn đều hết sức “dè dặt”. Nhiều dự báo cho thấy, giá heo hơi sẽ chạm mốc 80.000 đồng/kg trong “một sớm một chiều”, thậm chí vượt mốc đó vào lúc cao điểm.
Trong khi đó, theo nhận định của Cục Chăn nuôi, Việt Nam có thiếu thịt heo do ảnh hưởng từ dịch tả lợn châu Phi là có thực.
Nhưng chính điều này khiến một số thương lái lợi dụng sự khan hiếm heo cục bộ để đẩy giá lên cao. Bởi lượng thịt heo thiếu trên thị trường trong nước không đến mức quá lớn như trường hợp của Trung Quốc trong thời gian qua.
Một số thương lái và nhà chăn nuôi trên diễn đàn Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai cho rằng, nhận định trên còn mang tính chủ quan và chưa “sát” thực tế.
Ông H.B cho rằng, giá heo miền Bắc hôm nay (12.11) đã từ 78.000 - 82.000 đồng/kg, còn heo miền Nam là 68.000 - 72.000 đồng/kg. “Nếu các cơ quan quản lý bảo có dấu hiệu thổi giá, giả sử có “thổi” đi, nhưng thương nhân không mua theo giá đó, họ đâu có bớt.
Vậy cứ ngồi yên đó chờ giá giảm hay sao? Chẳng có trại nào giảm cả, bởi họ đâu còn heo mà bán.
Nếu thương nhân không mua lấy gì để bán, dân lấy gì ăn?”, ông H.B hỏi lại và thông tin bổ sung, giá heo hơi theo cập nhật của cơ quan quản lý miền Nam cao nhất 67.000 đồng/kg, nhưng thực tế tại miền Tây, đặt trước giá 73.000 đồng/kg, mai mới chở heo về mổ.
Cảnh báo heo dịch chạy “lậu” sang biên giới
Trong bối cảnh heo khan hiếm, để bảo đảm cân đối cung cầu và bình ổn thị trường hàng hóa dịp cuối năm 2019 và Tết Nguyên đán 2020, trong tháng 10, Bộ Công thương cũng đã chỉ đạo các doanh nghiệp lớn, địa phương có phương án dự trữ hàng hóa thiết yếu nói chung và mặt hàng thịt heo nói riêng dịp cuối năm.
Đặc biệt, có phương án hỗ trợ và tạo điều kiện cho các doanh nghiệp nhập khẩu thịt heo khi có nhu cầu.
Dường như mọi trấn an của cơ quan quản lý, phương án bình ổn giá thịt heo… chưa “chạm” đến thị trường. Giá heo thị trường tự do vẫn tăng như ngựa không cương.
Trong khi đó, tình trạng nhập lậu heo bệnh qua đường biên giới lại gia tăng.
Mới đây, trong ngày 10.11, Tổ công tác của Đồn Biên phòng Phú Hội, cùng Đội đặc nhiệm phòng chống ma túy và tội phạm (thuộc Bộ đội Biên phòng tỉnh An Giang) đã “mật phục” tại khu vực ấp Phú Nhơn, xã Phú Hội, huyện An Phú, phát hiện 1 thuyền máy chạy từ hướng Campuchia qua biên giới để vào Việt Nam để ra sông Châu Đốc.
Phát hiện có dấu hiệu khả nghi, tổ công tác đã truy đuổi và tiếp cận, phát hiện có khoảng 30 con heo với tổng trọng lượng ước tính 1,8 tấn được chở trên thuyền máy này. Tình trạng heo yếu, trầy xước và không rõ nguồn gốc. Lực lượng chức năng đang cho xét nghiệm và tiêu hủy toàn bộ số heo trên.