Có gì bên trong mô hình tương tự ChatGPT của Vingroup?
Ngày 27/12, VinBigdata thuộc Vingroup chính thức đưa vào hoạt động ứng dụng ViGPT - phiên bản ChatGPT đầu tiên ở Việt Nam mở cho người dùng cuối, dành cho các nhóm đối tượng chính: doanh nghiệp, cộng đồng, giới nghiên cứu khoa học.
Theo giới thiệu, ViGPT sở hữu khả năng sáng tạo nội dung, tìm kiếm, tổng hợp, trích xuất thông tin, giải đáp các câu hỏi thường thức.
Giáo sư Vũ Hà Văn, Giám đốc Khoa học của VinBigdata cho biết ứng dụng sẽ mở cho 1.000 người dùng đầu tiên trải nghiệm trong vòng 15 ngày từ 27/12.
Sau đó ViGPT sẽ được tinh chỉnh và cung cấp miễn phí cho đơn vị phi lợi nhuận có nhu cầu.
Theo ông Văn, ViGPT đang ở giai đoạn bắt đầu và giống như các ứng dụng đã ra mắt trước đó như ChatGPT (OpenAI) hay Bard (Google), tất cả đều sẽ có thể rơi vào tình trạng đưa ra thông tin không chuẩn xác.
Do đó, VinBigdata muốn tận dụng quá trình dùng thử để thu thập ý kiến, góp ý từ người dùng để tiếp tục hoàn thiện công cụ này.
"Tôi mong mọi người đừng sử dụng những câu hỏi mẹo, quá hóc búa để thử tài chatbot, điều đó không giúp ích gì cho sự phát triển và hoàn thiện của ViGPT, thay vào đó nó chỉ khiến nhà phát triển cảm thấy buồn hơn thôi.
Cũng như OpenAI, các sản phẩm ban đầu đều có lỗi sai và thuật toán cũng cần phản hồi của cộng đồng để hoàn thiện, giúp phục vụ tốt cho người Việt", ông Vũ Hà Văn nói.
Ngoài bản cộng đồng, ViGPT cũng sẽ có thêm phiên bản dành cho doanh nghiệp, được tích hợp trong nền tảng trí tuệ nhân tạo VinBase 2.0.
Đây cũng là công nghệ mở đường cho sự ra đời của hệ sinh thái các giải pháp tích hợp AI tạo sinh của VinBigdata mang tên ViChat, ViVoice và Trợ lý ảo ViVi.
Trong tương lai, ViGPT sẽ được tích hợp trong một số sản phẩm trên nhiều lĩnh vực khác nhau như vận tải, ngân hàng, tài chính, bảo hiểm…
Theo công bố, công nghệ tiên tiến sẽ hỗ trợ người dùng tìm kiếm, tổng hợp thông tin nhanh chóng và đơn giản hơn so với trước đây.
Nói về sự ra đời của ViGPT, GS Vũ Hà Văn đưa ra nhận định rằng với sự nổi lên của ChatGPT, kéo theo cuộc chạy đua trí tuệ nhân tạo của nhiều tập đoàn công nghệ đã chứng minh các mô hình ngôn ngữ lớn là tương lai lâu dài.
Đồng thời, đây là thứ sẽ thay đổi cách con người tìm kiếm thông tin, thay vì tra Google như ngày trước.
"Vậy câu hỏi đặt ra là có cần một ChatGPT phiên bản tiếng Việt hay không khi các bên đều đã hỗ trợ tiếng Việt?Đầu tiên là khía cạnh kinh tế, chúng ta không thể để các công ty nước ngoài sử dụng tài nguyên của người Việt để làm giàu cho thông tin của họ. Do đó, người Việt cần chủ động trong lĩnh vực này", ông Vũ Hà Văn nói.
Ông Văn cho rằng khi người Việt làm chủ công cụ trí tuệ nhân tạo sử dụng ngôn ngữ tiếng Việt, chúng ta sẽ tránh được sự ảnh hưởng của các công cụ bên ngoài tới văn hoá, lịch sử, giáo dục.
Các mô hình ngôn ngữ lớn của nước ngoài thường không mạnh với những ngôn ngữ low-source (tạm dịch: thiếu nguồn dữ liệu) như tiếng Việt, dù một số bên đã hỗ trợ tiếng Việt.
"Chúng tôi thừa nhận đưa ra sản phẩm như vậy là liều nhưng đây là liều có tính toán. VinBigdata có sự chủ động và lợi thế về đội ngũ ở Việt Nam để làm được điều đó", Giáo sư Vũ Hà Văn nói.
Diễn đàn Đầu tư Việt Nam 2025 (Vietnam Investment Forum 2025) với chủ đề “Khai thông & Bứt phá” do trang TTĐT tổng hợp VietnamBiz, Việt Nam Mới tổ chức sẽ diễn ra vào ngày 8/11/2024 tại GEM CENTER, TP HCM.
Sự kiện quy tụ giới chuyên gia cao cấp trong lĩnh vực đầu tư, tài chính là các nhà làm chính sách, CEO, CFO, CIO các ngân hàng, công ty chứng khoán, quỹ đầu tư, công ty bất động sản, các hãng xếp hạng, công ty cung cấp dữ liệu và hàng trăm nhà đầu tư có kinh nghiệm lâu năm trên thị trường chứng khoán và bất động sản.
Diễn đàn hứa hẹn mang lại không gian để các chuyên gia bàn luận về các xu hướng đầu tư mới, các góc nhìn chiến lược, mở ra nhiều ý tưởng đầu tư phù hợp cho giai đoạn mới. Đồng thời tạo cơ hội gặp gỡ, kết nối giữa nhà đầu tư và các đối tác tiềm năng trên thị trường.
Thông tin chi tiết chương trình: https://event.vietnambiz.vn/