Có FTA, vào Đông Âu cũng không dễ
Thủ tục rườm rà, văn hóa khác biệt
Trước năm 1991, hàng Việt Nam chủ yếu được xuất khẩu chính qua khối các nước Liên Xô và Đông Âu. Nhưng do biến động chính trị từ sau năm 1991, hàng Việt Nam đã có mặt tại nhiều thị trường đòi hỏi cao về tiêu chuẩn như Mỹ, châu Âu và đã mang về kim ngạch xuất khẩu lớn qua các năm, Đông Âu chỉ còn chiếm một tỷ trọng hết sức khiêm tốn, năm 2018 xuất khẩu da Việt Nam qua Đông Âu chỉ đạt 361 triệu USD, chiếm 1,8% tổng xuất khẩu da giày của Việt Nam.
Khó khăn luôn có nhưng cơ hội cũng song hành. Sức mua thị trường Nga rất nhiều nhưng phải có chiến lược phù hợp và phải có sự chuẩn bị thì mới có thể nắm bắt được cơ hội. Ông Trần Đăng Chung |
Bởi Nga sẽ áp dụng dán nhãn hàng hóa với tất cả mặt hàng da giày để chống hàng giả. Đây là chính sách tốt, nhưng ban đầu lại gây khó cho DN vì chi phí lớn và phải có thời gian chuẩn bị.
Dệt may và nông sản của Việt Nam cũng từng coi Đông Âu là thị trường xuất khẩu số một, nhưng nay lại khá xa lạ với nhiều DN dệt may. Cái khó mà nhiều DN gặp phải ngoài thủ tục phức tạp thì khâu thanh toán cũng không đơn giản, thậm chí một số DN phải có “bài” riêng mới thực hiện khâu này được.
Ông Đỗ Hà Nam, Chủ tịch HĐQT CTCP Tập đoàn Intimex, cho biết các hợp đồng của Nga thường rất dài, đọc xong DN sẽ ngần ngại trong hợp tác vì họ sử dụng theo luật của Nga, và khi có vấn đề lại xử lý theo hướng có lợi cho DN Nga. Quan trọng hơn là không thể đàm phán lại hợp đồng do đây là quy định.
Dệt may của Việt Nam cũng từng coi Đông Âu là thị trường xuất khẩu số một, nhưng nay lại khá xa lạ với nhiều DN dệt may. Ảnh: LONG THANH
FTA chưa phải “đũa thần”
Quay trở lại không dễ, nhưng Đông Âu vẫn được xem là thị trường nhiều tiềm năng cho hàng hóa Việt Nam. Bởi một trong những nỗ lực của Chính phủ nhằm giúp DN có thể thuận lợi hơn khi quay lại các nước Đông Âu (trong đó chủ yếu là Nga), đó chính là việc ký kết hiệp định thương mại tự do (FTA) giữa Việt Nam và liên minh kinh tế Á - Âu.
Kể từ khi được ký kết vào năm 2015, có hiệu lực vào cuối năm 2016, hiệp định này đã mang lại những kỳ vọng lớn cho các mặt hàng dệt may, da giày cũng như thủy sản của Việt Nam khi thuế được giảm sâu. Nhưng thực tế tăng trưởng xuất khẩu của nhiều mặt hàng này vào Nga trong năm 2018 lại giảm so với năm 2017.
Là người có 30 năm kinh doanh tại thị trường Nga, ông Trần Đăng Chung, Chủ tịch Công ty Milton (Nga), đã chỉ ra những khó khăn mà nhiều DN Việt gặp phải khi xuất khẩu dù đã có FTA. Đó là những chi tiết chưa rõ ràng trong đàm phán. Như với sản phẩm áo khoác, chỉ những áo khoác ngắn mới được miễn thuế còn áo khoác dài thì không.
Điều này khiến nhiều DN khi xuất hàng sang đến nơi mới biết hàng mình không được miễn thuế. Ngoài ra, nói là miễn thuế nhưng giấy tờ, thủ tục rất nhiều. Rồi chuyện không tính thuế nhập khẩu nhưng DN nhập khẩu phải đặt cọc một số tiền và đến 5-6 tháng sau mới được hoàn lại khiến những DN làm ăn chính thống gặp rất nhiều khó khăn.
Ông Hoàng Xuân Bình, Chủ tịch hội DN Việt Nam tại Ba Lan:
Tận dụng sức mạnh kiều bào
Vai trò của Việt kiều trong việc phát triển thương mại Việt Nam - Đông Âu hết sức quan trọng. Tính cho đến nay khu vực Đông Âu còn khoảng 100.000 người Việt Nam nhập quốc tịch và sinh sống lâu dài. Rất nhiều đại gia thành đạt ở Việt Nam xuất phát từ Đông Âu và nhiều người Việt đang ở Đông Âu rất thành đạt. Đây sẽ là lực lượng rất quan trọng để hỗ trợ các DN trong việc lan tỏa hàng hóa Việt Nam ở thị trường Đông Âu.
Thời gian gần đây, các nước Đông Âu đang trở lại quan tâm đến thị trường các nước ASEAN, trong đó có Việt Nam. Và mối quan hệ thương mại đang từng bước được gầy dựng trở lại. Nhưng Đông Âu giờ cũng khác xưa nhiều về thị hiếu, cách thức phân phối…
Tôi hiện đang có một trung tâm thương mại tại Ba Lan, có sự tham gia của hàng ngàn DN ở nhiều quốc gia nhưng chủ yếu là xuất nhập khẩu và bán buôn. Chúng tôi ở đây có thể hỗ trợ các DN Việt Nam. Việt Nam có rất nhiều thương hiệu may mặc, giày dép có tiếng, chất lượng tốt nhưng lại chưa vào được Đông Âu do thị hiếu, mẫu mã, size chưa phù hợp, thậm chí khi đưa hàng sang khu vực này ngôn ngữ cũng là một rào cản, vì 9 nước Đông Âu sử dụng 9 ngôn ngữ khác nhau, nên các DN kiều bào có thể hỗ trợ DN Việt Nam những vấn đề này.
Hiện chúng tôi cũng đang từng bước thực hiện việc kết nối các DN, kết nghĩa các tỉnh thành giữa Việt Nam và các nước Đông Âu để việc đi lại của DN được dễ dàng hơn. Ngoài ra chúng tôi cũng đang hướng đến việc cùng nhau xây dựng những trung tâm, giới thiệu sản phẩm từng ngành hàng của Việt Nam đến DN khu vực Đông Âu, đơn cử là đang làm việc với các DN trong ngành sản xuất gỗ để giới thiệu sản phẩm.
Logistics cũng là mấu chốt của mọi cuộc chơi, hiện chúng tôi cũng đang có những buổi làm việc với hãng hàng không Vietjet để làm sao hàng hóa vận chuyển thuận lợi hơn. Cuối cùng là không thể thiếu những diễn đàn kết nối. Vào tháng 9 năm nay, sẽ có diễn đàn DN Việt kiều châu Âu lần thứ 11 tại Ba Lan, với sự tham dự của 300 Việt kiều. Nếu các DN Việt Nam có nhu cầu hãy liên hệ để chúng tôi mời tham dự trực tiếp. Đây sẽ là những cơ hội để hàng Việt vào Đông Âu sâu hơn thông qua các DN Việt kiều.