Cổ đông nhiều ngân hàng sắp được nhận 'tiền tươi thóc thật'
Ngay trong tháng đầu năm 2024, nhiều ngân hàng đã rục rịch thông báo kế hoạch chia cổ tức cho cổ đông. Trong đó, thông tin về việc chia cổ tức bằng tiền mặt đặc biệt thu hút sự chú ý của các nhà đầu tư.
Thông tin mới nhất công bố sáng 23/1 từ Ngân hàng TMCP Kỹ thương Việt Nam (Techcombank) cho biết ngân hàng này dự kiến đề xuất mức chi trả cổ tức hàng năm bằng tiền mặt ít nhất 20%/tổng lợi nhuận, tương đương 4-5% vốn chủ của ngân hàng tại thời điểm đầu năm, ước tính khoảng 1.500 đồng/cổ phiếu cho năm 2024.
Theo ông Jens Lottner, Tổng Giám đốc Techcombank, ngân hàng đã tăng tốc hiệu quả hoạt động trong quý cuối cùng của năm 2023 và vượt tất cả các chỉ tiêu theo kế hoạch đã đề ra. "Tôi tin tưởng rằng chiến lược chuyển đổi và kết quả khả quan trong một năm 2023 khá thách thức một lần nữa khẳng định sức mạnh nội tại của ngân hàng, đồng thời tạo bước đệm vững chắc cho tăng trưởng cao trong những năm tới. Qua đó cho phép ngân hàng lên kế hoạch chiến lược cổ tức tiền mặt toàn diện, lâu dài cho cổ đông”, ông Jens Lottner chia sẻ.
Tính chung cả năm 2023, lợi nhuận trước thuế của Techcombank đạt 22,9 nghìn tỷ đồng, vượt so với kế hoạch, ở mức 22 nghìn tỷ đồng đã được Đại hội Đồng cổ đông thông qua hồi tháng 4/2023.
Việc chia cổ tức bằng tiền mặt từng nhiều lần "nóng" lên tại mỗi kỳ đại hội cổ đông của Techcombank suốt 10 năm qua. Tại kỳ đại hội hồi tháng 4/2023, ông Hồ Hùng Anh, Chủ tịch Hội đồng quản trị Techcombank từng tiết lộ có thể sẽ có thay đổi và năm 2023 là năm cuối cùng không chia cổ tức bằng tiền mặt.
Trước đó, Ngân hàng TMCP Quốc tế Việt Nam (VIB) là ngân hàng đầu tiên công bố việc chia cổ tức bằng tiền mặt trong năm nay. VIB đã quyết định chi hơn 1.500 tỷ đồng để tạm ứng cổ tức tiền mặt năm 2023 cho cổ đông hiện hữu với tỷ lệ 6%. Theo đó, cổ đông sở hữu 1 cổ phiếu sẽ được nhận 600 đồng. Thời gian thanh toán cổ tức dự kiến là ngày 21/2/2024.
Lãnh đạo VIB tại Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2023 từng chia sẻ nếu không có sự hạn chế từ cơ quan có thẩm quyền thì VIB kỳ vọng có thể chia cổ tức trên 30% lợi nhuận sau thuế đạt được trong năm 2023.
Theo mô hình tài chính và dự báo khả thi, VIB dự kiến sẽ đạt lợi nhuận sau thuế cả năm 2023 là 8.640 tỷ đồng và nguồn lợi nhuận chưa phân phối tại ngày 31/12/2023 dự kiến đạt 9.159 tỷ đồng.
Trong năm 2023, VIB đã có 2 đợt chia cổ tức vào tháng 3 và tháng 5 với tỷ lệ chia lần lượt là 10% và 5%. Ngoài ra, VIB cũng trả cổ tức bằng cổ phiếu để tăng vốn điều lệ với tỷ lệ 20%. Ngân hàng này còn phát hành thêm 7,6 triệu cổ phiếu cho người lao động ESOP vào tháng 6/2023. Vốn điều lệ của VIB theo đó tăng lên 25.368 tỷ đồng.
Không riêng Techcombank hay VIB, ông Ngô Chí Dũng, Chủ tịch Hội đồng quản trị Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank) tại phiên họp đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2023 cho biết, với tiềm lực của VPBank, ngân hàng sẽ chia cổ tức bằng tiền mặt trong 5 năm liên tiếp và đủ để được phép chia cổ tức 30% lợi nhuận sau thuế hàng năm cho cổ đông.
Riêng trong năm 2023, VPBank đã chi ra gần 8.000 tỷ đồng để trả cổ tức cho cổ đông. Các đợt chia cổ tức bằng tiền trong các năm tiếp theo dự định sẽ được VPBank thực hiện sớm hơn trong nửa đầu năm, đáp ứng sự mong mỏi của cổ đông đối với kế hoạch phân chia lợi nhuận của ngân hàng.
Tương tự tại Ngân hàng TMCP Tiên Phong (TPBank), Chủ tịch Hội đồng quản trị ngân hàng, ông Đỗ Minh Phú, từng nhấn mạnh nếu hoạt động kinh doanh thuận lợi, đạt tăng trưởng cao, ngân hàng sẽ tiếp tục thực hiện việc chia cổ tức cho các cổ đông bằng hai phần tiền mặt và cổ phiếu trong các năm tới.
"Tỷ lệ chia cổ tức sẽ được Hội đồng quản trị cân nhắc theo từng thời điểm, nhưng phần tiền mặt sẽ chiếm đáng kể", Chủ tịch TPBank nói.
Trong năm 2023, TPBank đã chi khoảng 3.955 tỷ đồng để thanh toán cổ tức tiền mặt cho cổ đông với tỷ lệ 25%.
Ngoài VIB, VPBank, TPBank, còn có 3 ngân hàng khác thực hiện chia một phần cổ tức bằng tiền mặt trong năm 2023, bao gồm: Ngân hàng TMCP Phát triển Tp. Hồ Chí Minh (HDBank), Ngân hàng TMCP Á Châu (ACB) và Ngân hàng TMCP Quân đội (MB).
Đối với cổ đông, việc chia cổ tức bằng tiền mặt phản ánh "sức khỏe" của ngân hàng với nền tảng vốn vững chắc, đồng nghĩa với việc khoản đầu tư bấy lâu nay đã mang được về "tiền tươi thóc thật". Tuy vậy, các ngân hàng cũng được khuyến khích chia cổ tức bằng cổ phiếu để tăng vốn, giúp làm dày bộ đệm vốn của ngân hàng, nâng cao năng lực tài chính trước những rủi ro trong tương lai.