|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Chứng khoán

Cổ đông lớn đăng ký mua thêm cổ phiếu TCM

21:55 | 18/08/2021
Chia sẻ
Sau giao dịch, cổ đông lớn thứ hai tại Dệt may Thành Công dự kiến nâng mức sở hữu lên 11,16 triệu đơn vị, tương ứng 15,67% vốn điều lệ TCM.

Theo tin từ Sở Giao dịch Chứng khoán TP Hồ Chí Minh (HOSE), ông Nguyễn Văn Nghĩa, thành viên HĐQT tại CTCP Dệt may - Đầu tư - Thương mại Thành Công đã đăng ký mua thêm 1 triệu cổ phiếu TCM từ ngày 1/9 đến ngày 30/9/2021.

Mục đích thực hiện giao dịch nhằm đầu tư cá nhân. Giao dịch được thực hiện theo phương thức khớp lệnh hoặc thỏa thuận trên sàn giao dịch chứng khoán.

Tại thời điểm công bố thông tin, ông Nghĩa đang nắm giữ 10,16 triệu cổ phiếu TCM (tương ứng tỷ lệ 14,26%) và là cổ đông lớn thứ hai tại Dệt may Thành Công. Nếu giao dịch hoàn tất, ông sẽ nâng khối lượng sở hữu lên mức 11,16 triệu đơn vị (15,67% vốn điều lệ).

Sau khi liên tục tăng mạnh và đạt đỉnh vào cuối tháng 3/2021, cổ phiếu TCM đã trải qua đợt giảm giá liên tục và đánh mất hơn 33% giá trị. Đóng cửa phiên 18/8, TCM điều chỉnh 2,18% về 76.300 đồng/cp. Ước tính tại mức giá hiện tại, ông Nghĩa cần bỏ ra 76,3 tỷ đồng để hoàn tất giao dịch trên.

Cổ đông lớn tại Dệt may Thành Công đăng ký mua thêm cổ phiếu TCM - Ảnh 1.

Diễn biến giá cổ phiếu TCM kể từ tháng 3/2021. (Nguồn: TradingView).

Về kết quả kinh doanh, Dệt may Thành Công đã công bố kết quả kinh doanh 7 tháng đầu năm với tổng doanh thu đạt hơn 95,6 triệu USD (2.179 tỷ đồng), tăng 9% so với cùng kỳ. Lợi nhuận sau thuế đạt hơn 5,7 triệu USD (130 tỷ đồng), giảm 6%.

Tính riêng tháng 7, doanh thu của TCM đạt 14,4 triệu USD (328 tỷ đồng), lợi nhuận sau thuế gần 673.000 USD (15 tỷ đồng), lần lượt giảm 3% và 47% so với tháng 7/2020.

TCM cho biết năm nay do không có đơn hàng khẩu trang cộng thêm tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, công nhân phải làm việc giãn cách, năng suất không cao nên biên lợi nhuận gộp của mảng garment (các sản phẩm may mặc) giảm so với năm ngoái. Bù lại việc kinh doanh mảng sợi được cải thiện hơn so với cùng kỳ.

Từ nay đến cuối năm 2021, tăng trưởng của ngành dệt may và hoạt động xuất nhập khẩu phụ thuộc vào tình hình kiểm soát dịch bệnh và quá trình tiêm chủng vắc xin cho lực lượng lao động trong nước.

Tín hiệu tốt là các thị trường lớn như Mỹ và châu Âu đều trong đà hồi phục nhu cầu tiêu dùng, cùng với xu thế dịch chuyển chuỗi sản xuất toàn cầu sau dịch bệnh giúp các doanh nghiệp có thể có thêm các đơn hàng xuất khẩu mới.

Thảo Bùi