Cổ đông chiến lược SMBC yêu cầu Eximbank triệu tập đại hội cổ đông bất thường, cắt giảm thành viên HĐQT
Theo thông tin mới nhất từ Ngân hàng TMCP Xuất Nhập Khẩu Việt Nam (Eximbank - Mã: EIB), Ngân hàng sẽ tổ chức họp Đại hội đồng cổ đông bất thường vào chiều 30/6 ngay sau khi tổ chức cuộc họp ĐHĐCĐ thường niên 2020 vào sáng cùng ngày.
Việc tổ chức ĐHĐCĐ bất thường này được quyết định sau khi nhận được kiến nghị của hai nhóm cổ đông lớn của Eximbank gồm cổ đông chiến lược Sumitomo Mitsui Banking Corporation (SMBC) nắm 15% vốn tại Eximbank và nhóm cổ đông Ngô Thị Thúy (nắm giữ 10,36% cổ phần phổ thông của Eximbank (vào thời điểm tháng 9/2019).
Trước đó, cổ đông lớn SMBC đã có nhiều văn bản yêu cầu triệu tập đại hội đồng cổ đông bất thường nhằm mong muốn HĐQT Eximbank sắp xếp thực hiện việc trình bày các vấn đề đã được nhận định và kiến nghị khắc phục đó một cách đầy đủ và chính xác cho các cổ đông để cổ đông biết và đóng góp ý kiến.
Đồng thời, SMBC cũng gửi đề nghị giảm số lượng thành viên HĐQT từ 11 người xuống còn 7 người và ông Yasuhiro cũng sẽ từ chức khỏi các vị trí thành viên HĐQT của Eximbank cùng tất cả các vị trí thuộc các ủy ban HĐQT.
Theo SMBC, HĐQT của Eximbank hiện có 10 thành viên gồm cả ông Yasuhiro Saitoh. Với cơ cấu như vậy thực tế cho thấy liên tục có mâu thuẫn nội bộ giữa các thành viên HĐQT. Các thành viên không thể hợp tác tốt với nhau vì hoạt động kinh doanh của Eximbank.
Do đó, SMBC yêu cầu cần để các cổ đông xem xét lại liệu cơ cấu HĐQT hiện tại của ngân hàng có tạo ra được kết quả kinh doanh đáp ứng được kì vọng hay không, còn thích hợp hay không hay việc cắt giảm xuống 7 thành viên sẽ mang lại lợi ích tốt hơn, giảm chi phí và tăng hiệu quả hoạt động.
Theo SMBC, nếu các cổ đông đồng ý việc cắt giảm qui mô HĐQT là cần thiết có thể xem xét các phương án như bỏ phiếu tín nhiệm.Văn bản của SMBC nêu rõ với vai trò là cổ đông sở hữu trên 10% vốn cổ phần của ngân hàng, SMBC hoàn toàn có quyền được triệu tập đại hội đồng cổ đông bất thường.
Trong năm 2019, SMBC cho biết đã nộp kiến nghị 3 lần họp đại hội đồng cổ đông thường niên tương ứng là ngày 26/4, 26/5 và 21/6.
"Chúng tôi kiến nghị cùng những vấn đề nhưng chúng tôi phải nộp nhiều lần vì ĐHĐCĐ thường niên bị hoãn và được triệu tập lại nhiều lần và Kiến nghị của chúng tôi chưa từng được giải quyết hợp lệ theo pháp luật của Việt Nam và điều lệ của EIB", SMBC cho biết.
SMBC lí giải với những qui định hiện hành của pháp luật tại Việt Nam thì không có trường hợp nào HĐQT của Eximbank có quyền từ chối kiến nghị của họ và phải đưa nội dung kiến nghị đó vào dự thảo của ĐHĐCĐ thường niên. Tuy nhiên, SMBC cho biết trên thực tế những kiến nghị này chưa từng được đưa vào dự thảo đại hội thậm chí còn bị từ chối bởi HĐQT.
Cổ đông SMBC cho rằng hành động này đã "vi phạm nghiêm trọng quyền lợi của cổ đông" đó là quyền xem xét bỏ phiếu về các vấn đề mà cổ đông muốn thảo luận trong chương trình họp.
Bên cạnh đó, một nhóm cổ đông khác với đại diện là bà Ngô Thu Thúy, ông Trần Công Cận và tổ chức Lafelle Limidted (đăng kí tại Bristish Virgin Islands) nắm giữ 10,36% cổ phần phổ thông của Eximbank (vào thời điểm tháng 9/2019) cũng cho biết lo lắng và bất an về hoạt động của ngân hàng và yêu cầu triệu tập ĐHĐCĐ bất thường.
Tuy nhiên, nhóm cổ đông này lại yêu cầu bầu bổ sung thêm một thành viên HĐQT từ 10 lên 11 người.
Trước đề xuất của các nhóm cổ đông, Chủ tịch Cao Xuân Ninh đã có văn bản trả lời trong đó xác nhận SMBC có quyền yêu cầu HĐQT tổ chức ĐHĐCĐ bất thường theo qui định của pháp luật và điều lệ của ngân hàng.
HĐQT cũng nhận thức rõ sự cần thiết của việc tổ chức ĐHĐCĐ bất thường để thông qua các nội dung của kế hoạch hoạt động kinh doanh, hoạt động của HĐQT và các nội dung có liên quan khác thuộc thẩm quyền của ĐHĐCĐ thường niên. Tuy nhiên việc tổ chức ĐHĐCĐ là vấn đề hệ trọng cần xem xét thấu đáo.
Văn bản trả lời cũng nhận định nguyên nhân thực sự dẫn đến việc tổ chức các kì đại hội không thành công là do các cổ đông chưa tìm được tiếng nói chung. Điều này chưa được giải quyết khiến cho việc tổ chức đại hội lại một lần nữa làm lãng phí vô ích về thời gian và ngân sách hoạt động của ngân hàng và tổn hại đến hình ảnh của ngân hàng trước xã hội.