|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Cơ chế đặc thù

07:29 | 14/11/2017
Chia sẻ
Suốt thời gian qua, vấn đề cơ chế đặc thù cho Thành phố Hồ Chí Minh đã thu hút sự quan tâm của dư luận rộng rãi. Thành phố lớn nhất cả nước, dẫn đầu trong nhiều lĩnh vực, được coi là một đầu tàu phát triển nhiều chục năm qua đã đóng góp lớn vào sự phát triển chung của cả nước. Vì vậy, một cơ chế đặc thù để thành phố phát triển mạnh mẽ hơn là điều cần thiết. Nhưng, quan trọng là thể hiện sự đặc thù ấy như thế nào.
co che dac thu
Từ một con kênh nước đen, Thành phố Hồ Chí Minh đã nỗ lực cải tạo để có được con kênh Nhiêu Lộc sạch đẹp như ngày nay. Ảnh: Nguyễn Lương Hiệu.

Ngày 6/9/2017, Ban Cán sự Đảng Chính phủ đã làm việc với Ban Thường vụ Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh sơ kết 5 năm thực hiện Nghị quyết 16-NQ/TW của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển TPHCM đến năm 2020 và các cơ chế chính sách đặc thù đối với thành phố.

Phát biểu tại buổi làm việc, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Thiện Nhân nhấn mạnh, thành phố trong hơn 40 năm qua là đô thị lớn nhất cả nước về dân số và quy mô kinh tế, là địa phương có đóng góp ngân sách lớn nhất cả nước, có tốc độ tăng trưởng kinh tế gấp khoảng 1,5 lần cả nước. Tuy nhiên, khoảng 10 năm trở lại đây, sự vượt trội của thành phố so với cả nước ở một số mặt đã chậm lại, thậm chí tụt hậu. Đáng chú ý, theo ông Nhân, mặc dù có vai trò, vị trí rất quan trọng nhưng trong suốt hơn 30 năm đổi mới, cơ chế, chính sách phát triển của TPHCM vẫn không khác gì so với các địa phương khác.

Từ đó, người đứng đầu Đảng bộ TPHCM đã kiến nghị 4 nội dung về cơ chế đặc thù. Đó là phân cấp ủy quyền cho HĐND, UBND và Chủ tịch UBND thành phố một số quyền cụ thể để quyết định nhanh và hợp lý; những vấn đề TPHCM giải trình và xin có thời hạn sau 4 tháng mà các bộ ngành trung ương không trả lời thì coi như đồng ý thực hiện, trong đó có việc TPHCM cần có cơ chế tự chủ về tài chính; tự chủ về tổ chức và biên chế; Thành lập Ban chỉ đạo phát triển vùng do Thủ tướng Chính phủ làm trưởng ban, Chủ tịch UBND TPHCM làm Chủ tịch Hội đồng vùng.

Kết luận buổi làm việc, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhất trí về việc cần có cơ chế, chính sách đặc thù để TPHCM phát triển nhanh, bền vững hơn với tinh thần “Thành phố vì cả nước, cả nước vì Thành phố”. Thủ tướng đồng ý về nguyên tắc việc TPHCM cần được phân cấp, phân quyền tối đa, tạo sự chủ động, sáng tạo đối với thành phố gắn với đề cao trách nhiệm các cấp chính quyền địa phương trong quản lý điều hành kinh tế - xã hội trên địa bàn.

Vấn đề cơ chế đặc thù để TPHCM phát triển mạnh mẽ không phải tới nay mới được đặt ra. Hơn 5 năm trước, Nghị quyết số 16-NQ/TW ngày 10/8/2012 của Bộ Chính trị đã chỉ đạo vấn đề này, với tinh thần là tạo cơ chế đặc thù tạo động lực cho TPHCM phát triển. Đầu tháng 5/2017, Thủ tướng Chính phủ cũng đã ban hành Nghị định 48/2017, quy định một số cơ chế, chính sách tài chính - ngân sách đặc thù đối với TPHCM để thành phố phát triển, thực hiện vai trò trung tâm của khu vực và cả nước.

Tới nay, kể từ sau cuộc làm việc của Ban Cán sự Đảng Chính phủ với Ban Thường vụ Thành ủy Thành phố HCM, ngày 6/9/2017, đặc biệt là cuộc làm việc của Bộ Chính trị với Ban Thường vụ Thành ủy TP.HCM ngày 19/10/2017, vấn đề cơ chế đặc thù cho thành phố vẫn tiếp tục nhận được nhiều ý kiến đóng góp. Không ai phủ nhận chủ trương tạo cơ chế đặc thù để TPHCM phát triển mạnh mẽ, bền vững trong giai đoạn mới, nhưng quan trọng nhất là cơ chế ấy có thực sự phù hợp hay không.

Tới nay, dư luận đang rất trông đợi những “đặc thù” có thể sắp thí điểm tại TPHCM. Dự thảo nghị quyết về cơ chế chính sách để TP. HCM phát triển và được gửi đến Quốc hội cho biết, nghị quyết này quy định thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù cho TPHCM về quản lý đất đai; quản lý đầu tư; quản lý tài chính - ngân sách; cơ chế ủy quyền giữa các cấp chính quyền và thu nhập của cán bộ, công chức, viên chức thuộc thành phố quản lý. Theo chương trình, Nghị quyết này sẽ được Quốc hội cho ý kiến và dự kiến thông qua tại phiên họp ngày 24/11 kỳ họp thứ 4 Quốc hội khóa XIV này.

Theo đó, bao gồm một số vấn đề: Thí điểm xây dựng và thực hiện chính sách thuế tài sản, thí điểm tăng mức thuế hoặc thuế suất so với quy định của các sắc thuế hiện hành, trừ các chính sách thuế thu từ hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu; phí, lệ phí chưa có trong danh mục kèm theo Luật Phí và lệ phí; tăng mức hoặc tỷ lệ thu phí, lệ phí đã được cấp có thẩm quyền quyết định đối với các loại phí, lệ phí nằm trong danh mục kèm theo Luật Phí và lệ phí.

Số thu tăng thêm từ các khoản thu do việc điều chỉnh chính sách thu nói trên, ngân sách thành phố được hưởng 100% để đầu tư cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội thuộc nhiệm vụ chi của ngân sách thành phố, và không dùng để xác định tỷ lệ phần trăm đối với các khoản thu phân chia giữa ngân sách trung ương và ngân sách thành phố. Như vậy, quyền tự quyết lớn hơn với ngân sách của thành phố.

Cụ thể, ngân sách thành phố được hưởng 50% khoản thu tiền sử dụng đất khi bán tài sản nhà nước gắn với tài sản trên đất theo quy định của Luật Quản lý, sử dụng tài sản nhà nước để đầu tư hạ tầng kinh tế - xã hội thuộc nhiệm vụ đầu tư công của thành phố. Thành phố cũng sẽ được thêm quyền quản lý đất đai; có cơ chế uỷ quyền, tự quyết mức lương cho nhân tài; HĐND thành phố quyết định mức thu nhập bình quân tăng thêm cho cán bộ, công chức, viên chức thuộc thành phố quản lý và mức lương phù hợp với các chuyên gia, nhà khoa học, tài năng đặc biệt trong khả năng, phạm vi ngân sách của thành phố. UBND thành phố cũng được điều chỉnh tên gọi, chức năng, nhiệm vụ các phòng thuộc các cơ quan chuyên môn trực thuộc, để phù hợp với đặc điểm của thành phố.

Bản chất của việc cơ chế đặc thù là sự tự chịu trách nhiệm, được quyền quyết định nhiều việc mà không cần đợi xin ý kiến hoặc gò bó trong một số điều luật chung. Tự chủ tài chính và tự chủ nhân sự là hai điểm mấu chốt của cơ chế đặc thù. Hai vấn đề này được khơi thông một cách hợp lý sẽ tác động tới hầu hết những vấn đề khác. Trong khi chúng ta đang xây dựng Luật để hình thành phát triển đặc khu thì vấn đề cơ chế đặc thù cho TPHCM rất cần được đẩy nhanh. Một thể chế tốt, một cơ chế tốt sẽ thúc đẩy sự phát triển; ngược lại khi thể chế cũng như cơ chế không theo kịp, không phù hợp với thực tế sẽ kìm hãm phát triển. Hy vọng những ý kiến đóng góp của đại biểu Quốc hội tại kỳ họp này sẽ “khơi thông dòng chảy”, để TPHCM có điều kiện bứt phá mạnh mẽ trong giai đoạn mới.

co che dac thu Cuộc chiến 'đất vàng': Cần cơ chế đặc thù cho Hà Nội

Gần 15 năm thực hiện quyết định của Thủ tướng, nhưng đến nay, Hà Nội vẫn chưa thu hồi được một khu đất nào từ ...

Nam Việt