|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

CLB HAGL cân nhắc khởi kiện VPF sau khi bị cấm quảng cáo cho Carabao, luật sư nói gì?

13:44 | 31/01/2023
Chia sẻ
Theo luật sư, quy định của VPF hoàn toàn phù hợp với luật chơi trong nước cũng như thông lệ quốc tế.

Theo nguồn tin của VTC News, CLB HAGL đang chuẩn bị cho quá trình tranh đấu về pháp lý với CTCP Bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam (VPF) liên quan đến mâu thuẫn về vấn đề tài trợ. Đội bóng phố núi có thể kiện VPF để bảo vệ quyền lợi.

Trong trường hợp HAGL và VPF bước vào cuộc chiến về pháp lý, mâu thuẫn về khai thác tài trợ giữa hai đơn vị này có thể được phán xử đúng, sai dựa vào quyết định của cơ quan có thẩm quyền. 

Trước thông tin trên, phía HAGL không trả lời người viết với lý do “bận họp”. Trong khi đó, phía VPF chưa đưa ra phản hồi chính thức nào kể từ sau văn bản kết luận ngày 30/1.

Theo văn bản ngày 30/1 VPF gửi HAGL, CTCP Bóng đá Bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam yêu cầu phía HAGL không sử dụng hình ảnh quảng cáo nước tăng lực nhà tài trợ mới (Carabao) của đội bóng này trong phạm vi các hoạt động liên quan đến V-League 2023.

Vụ việc diễn ra khi nhà tài trợ Carabao của HAGL được xác định thuộc cùng ngành hàng cạnh tranh với nhà tài trợ chính (Sâm Ngọc Linh K5) của giải đấu V-League - ngành hàng nước tăng lực.

Ngày 18/1, VPF đã ra công văn yêu cầu CLB HAGL không sử dụng hình ảnh, logo liên quan đến Carabao. Việc CLB sử dụng hình ảnh nhà tài trợ mới ở V-League 2023 (bao gồm đặt bảng quảng cáo, logo trên áo đấu, hoạt động bên lề ngày tập luyện và thi đấu trên sân Pleiku) sẽ vi phạm Quy chế Bóng đá chuyên nghiệp và Điều lệ V-League.

 Carabao là nhà tài trợ mới cho HAGL. (Nguồn: Fanpage HAGL).

Góc nhìn từ phía luật sư

Trước sự vụ trên, chúng tôi đã liên hệ với Luật sư Trương Thanh Đức, hiện là Giám đốc Công ty Luật ANVI, Trọng tài viên kiêm thành viên Hội đồng Khoa học Pháp lý Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC).

Theo ông Đức, quy định của VPF phù hợp với luật chơi chung của thế giới cũng như của Việt Nam. VPF đã có điều lệ rõ ràng, nếu để sự việc xảy ra thì nhà tài trợ chính của giải đấu sẽ mất quyền lợi. Do đó, trong trường hợp này chỉ có hai cách giải quyết, hoặc là chấp nhận luật chơi hoặc là không tham gia. 

“Trong câu chuyện này, chỉ có hai vấn đề. Một là quy định ban đầu có rõ ràng không hay để CLB hiểu nhầm. Hai là xét tính thời điểm, hợp đồng tài trợ nào ký trước, hợp đồng nào ký sau. Chỉ có hai điểm tranh cãi này”, ông Đức nói. “Nguyên tắc chung về việc tài trợ, xuất hiện hình ảnh thì như quy định của VPF, do đó hoàn toàn phù hợp với thông lệ quốc tế”. 

“Bản thân các đội tham gia sân chơi ban đầu là phải cam kết theo luật chung. Luật chung này chắc chắn đã được thể hiện bằng văn bản, câu chữ, điều khoản, cam kết rồi, chứ không phải không có gì”, ông Đức nói thêm.

Trong trường hợp CLB HAGL khởi kiện VPF, nếu VPF thua, công ty này có thể phải đền bù số tiền lớn dựa vào thiệt hại của HAGL trong hoạt động thương mại. Ngược lại, CLB HAGL cũng phải chịu mức phạt tương ứng với ảnh hưởng do vi phạm trong hoạt động tài trợ khiến VPF chịu thiệt hại.

Sự việc đã có tiền lệ

Theo điều lệ của giải đấu được cả CLB HAGL lẫn VPF ký kết, nhà tài trợ chính được quyền quảng bá độc quyền trong các hoạt động tuyên truyền, họp báo, đặt bảng quảng cáo và hoạt động thương mại khác liên quan đến giải.

Các CLB không được khai thác tài trợ với các nhãn hàng và ngành hàng cạnh tranh với nhà tài trợ chính kể từ ngày điều lệ giải ban hành hoặc khi có thông báo chính thức từ VPF.

 HAGL từng có nhà tài trợ trùng ngành hàng với nhà tài trợ chính của giải đấu. (Nguồn: HAGL).

Theo tìm hiểu, ngày 10/2/2022, VPF đã ký hợp đồng với nhà tài trợ chính của giải V-League ba năm liên tiếp từ năm 2022 đến năm 2024 là CTCP Sâm Ngọc Linh Kon Tum. Đơn vị đã gửi văn bản tới các CLB, thông báo rằng ngành hàng của nhà tài trợ chính là nước tăng lực và đề nghị các CLB không hợp tác khai thác tài trợ với ngành hàng cạnh tranh với nhà tài trợ chính.

Tuy nhiên, tại mùa giải năm 2022, CLB HAGL vẫn được phép sử dụng hình ảnh quảng bá cho nhãn hàng Red Bull, cũng là một thương hiệu nước tăng lực. Lý do là hợp đồng này được ký kết trước thời điểm ngày 10/2/2022.

Hết mùa giải 2022, thỏa thuận giữa HAGL và Red Bull hết hiệu lực và đội bóng phố núi ký hợp đồng với nhà tài trợ mới là Carabao. Theo công văn HAGL gửi VPF ngày 17/1, hợp đồng của đội bóng này với nhà tài trợ mới được ký kết vào ngày 5/12/2022. Ngành hàng quảng cáo giữa HAGL và Carabao bao gồm nước tăng lực.

Vì thời điểm CLB HAGL ký hợp đồng truyền thông mới với Carabao sau thời gian VPF ký với Sâm Ngọc Linh Kon Tum, do đó CLB đã vi phạm quy định độc quyền được cam kết trong Điều lệ giải đấu.

Dù vậy, trong văn bản phản hồi VPF ngày 18/1, HAGL cho rằng CTCP Bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam đang hành xử “vô lý và không tạo điều kiện cho HAGL phát triển”. Theo lập luận của đội bóng, họ đã tiên phong khai thác nhãn hàng nước tăng lực, sau đó VPF mới công bố thương hiệu nước tăng lực cho giải đấu. Việc khai thác ngành hàng nước tăng lực tài trợ cho CLB HAGL diễn ra liên tục từ năm 2021.


Diễn đàn Đầu tư Việt Nam 2025 (Vietnam Investment Forum 2025) với chủ đề “Khai thông & Bứt phá” do trang TTĐT tổng hợp VietnamBiz, Việt Nam Mới tổ chức sẽ diễn ra vào ngày 8/11/2024 tại GEM CENTER, TP HCM.

Sự kiện quy tụ giới chuyên gia cao cấp trong lĩnh vực đầu tư, tài chính là các nhà làm chính sách, CEO, CFO, CIO các ngân hàng, công ty chứng khoán, quỹ đầu tư, công ty bất động sản, các hãng xếp hạng, công ty cung cấp dữ liệu và hàng trăm nhà đầu tư có kinh nghiệm lâu năm trên thị trường chứng khoán và bất động sản.

Diễn đàn hứa hẹn mang lại không gian để các chuyên gia bàn luận về các xu hướng đầu tư mới, các góc nhìn chiến lược, mở ra nhiều ý tưởng đầu tư phù hợp cho giai đoạn mới. Đồng thời tạo cơ hội gặp gỡ, kết nối giữa nhà đầu tư và các đối tác tiềm năng trên thị trường.

Thông tin chi tiết chương trình: https://event.vietnambiz.vn/

Chí Dũng

Ngành thép quý III: Hoà Phát là điểm sáng, hai gọng kìm bóp chặt lợi nhuận nhóm tôn mạ
Trong nhóm sản xuất và thương mại thép, Hoà Phát nổi lên là điểm sáng trong khi VNSteel, SMC, Tisco,... lần lượt báo lỗ. Với nhóm tôn mạ, ngoài áp lực cạnh tranh từ tôn mạ nhập khẩu của Trung Quốc và Hàn Quốc thì chi phí vận chuyển leo thang đã bóp nghẹt lợi nhuận nhóm này trong quý vừa qua.