|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Chuyện thương hiệu... bia, sữa quốc gia

09:24 | 19/09/2016
Chia sẻ
Thủ tướng Chính phủ đã có chỉ đạo khi Nhà nước thoái vốn khỏi Vinamilk, Habeco, Sabeco phải có biện pháp pháp lý để giữ các thương hiệu quốc gia như bia Sài Gòn, bia Hà Nội, Vinamilk.

chuyen thuong hieu bia sua quoc gia

Chưa rõ những biện pháp pháp lý đó là gì. Chắc hẳn sẽ không phải là những mệnh lệnh hành chính. Bởi theo luật, khi những công ty nói trên đã cổ phần hóa, Nhà nước (mà đại diện là Bộ Công Thương và SCIC) chỉ có quyền như một cổ đông bình thường. Có chăng nhờ vào việc nắm số cổ phần cực lớn, Nhà nước vẫn có thể chỉ đạo hoạt động của những công ty này. Nhưng điều đó sẽ khác đi khi Nhà nước đã bán hết hoặc bán bớt vốn trong doanh nghiệp.

Nếu vẫn còn nắm giữ một số cổ phần nhất định, Nhà nước có thể đòi cho mình quyền phủ quyết (veto right) đối với bất kỳ quyết định nào của mấy công ty kia liên quan đến các “thương hiệu quốc gia” nói trên. Quyền phủ quyết đó có thể được quy định trong điều lệ công ty bằng việc nâng tỷ lệ biểu quyết cần thiết. Lấy ví dụ nếu sau khi bán vốn và Nhà nước còn nắm khoảng 10% cổ phần và quy định trong điều lệ công ty đại ý là số phận các “thương hiệu quốc gia” phải được định đoạt bằng một nghị quyết của đại hội đồng cổ đông và nghị quyết đó chỉ được thông qua nếu có số cổ đông sở hữu hơn 90% cổ phần đồng ý.

Nhà nước cũng có thể có được quyền phủ quyết đó bằng một thỏa thuận riêng rẽ với nhà đầu tư (còn gọi là “thỏa thuận cổ đông”) mà Nhà nước có ý định bán cổ phần cho. Chẳng hạn như đôi bên sẽ đồng ý với nhau rằng số phận các “thương hiệu quốc gia” sẽ được định đoạt theo cách mà các bên nhất trí.

Những gì liên quan đến hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp như vấn đề thương hiệu hãy để cho quy luật thị trường điều chỉnh.

Nếu Nhà nước có bán sạch sành sanh cổ phần của Vinamilk, Habeco, Sabeco, hai biện pháp trên vẫn có thể được áp dụng, nhưng lúc đó Nhà nước phải nhờ cậy vào những cổ - đông - mang - tính - Nhà - nước còn ở lại với doanh nghiệp như Công đoàn nếu Công đoàn có sở hữu chút nào đó cổ phần của doanh nghiệp nhờ vào việc cổ phần hóa trước đây.

Như vậy không phải là không có giải pháp nếu Nhà nước thực sự muốn giữ các thương hiệu bia, sữa quốc gia. Đội ngũ luật sư Việt Nam cũng không thiếu người có thể giúp Nhà nước soạn thảo một cách chuẩn chu, chặt chẽ từng con chữ của hợp đồng, điều lệ hay tìm những biện pháp khác nữa.

Có điều đó là mong muốn của Nhà nước. Thế còn người mua có muốn vậy không là chuyện khác. Như vậy là phải thương lượng với họ. Mà thương lượng thì nhiều khi phải “bỏ con tép, bắt con tôm”. Nhà nước có thể có quyền phủ quyết nhưng cũng chính vì vậy Nhà nước có thể phải đổi lại cái khác, giả như giá bán phải rẻ hơn.

Vậy lại là đặt ra vấn đề: có đáng hay có cần giữ các thương hiệu đó? Gọi đó là thương hiệu quốc gia vì dù gì bia Hà Nội, bia Sài Gòn đã gắn với một phần hình ảnh của thủ đô ngàn năm văn hiến và của “hòn ngọc Viễn Đông” một thời. Sữa Vinamilk thì... “giúp cả Việt Nam vươn cao”. Và vì vậy những thương hiệu đó có giá trị lớn đối với doanh nghiệp. Mà có giá trị thì người mua không dại dột gì bỏ cả. Họ đã mất một đống tiền để mua cổ phần từ Nhà nước. Họ cũng hiểu cái giá để một thương hiệu in đậm trong tâm trí người tiêu dùng. Còn nếu họ bỏ có nghĩa là thương hiệu đó chẳng còn có giá trị nữa. Mà không còn giá trị thì cần chi phải giữ?

Có người lại nói rằng có thể thương hiệu đó không có giá trị với nhà đầu tư nhưng có giá trị với quốc gia, với người dân Việt Nam. Vậy thì Nhà nước nên đánh giá một cách bài bản giá trị của thương hiệu đó đối với quốc gia và người dân. Hay người dân chỉ cần quan tâm sản phẩm nào chất lượng tốt, giá cả phải chăng và sẽ nhanh chóng coi những cái tên đó chỉ là... kỷ niệm đẹp của một thời để nhớ? Còn đối với quốc gia, thiết nghĩ chỉ có hai chữ “Việt Nam” mới là thương hiệu, và như thế cứ mỗi sản phẩm “Made in Vietnam” xuất đi năm châu là đã phải giữ thương hiệu ấy rồi.

Nhà nước thoái vốn có nghĩa là thả doanh nghiệp tự bơi trong biển lớn thị trường. Đã vậy thì những gì liên quan đến hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp như vấn đề thương hiệu hãy để cho quy luật thị trường điều chỉnh. Nhà nước không cần và không nên “ôm rơm nặng bụng”. Nhân đây, thương hiệu không phải là một khái niệm pháp lý, mà chỉ có nhãn hiệu hay tên thương mại mới được luật định. Thương hiệu có chăng là “cái hiệu được thương”. Còn được thương thì đương nhiên người ta còn giữ, không thương thì có giữ cũng chẳng còn.

Theo Luật sư Trương Hữu Ngữ

TBKTSG


Diễn đàn Đầu tư Việt Nam 2025 (Vietnam Investment Forum 2025) với chủ đề “Khai thông & Bứt phá” do trang TTĐT tổng hợp VietnamBiz, Việt Nam Mới tổ chức sẽ diễn ra vào ngày 8/11/2024 tại GEM CENTER, TP HCM.

Sự kiện quy tụ giới chuyên gia cao cấp trong lĩnh vực đầu tư, tài chính là các nhà làm chính sách, CEO, CFO, CIO các ngân hàng, công ty chứng khoán, quỹ đầu tư, công ty bất động sản, các hãng xếp hạng, công ty cung cấp dữ liệu và hàng trăm nhà đầu tư có kinh nghiệm lâu năm trên thị trường chứng khoán và bất động sản.

Diễn đàn hứa hẹn mang lại không gian để các chuyên gia bàn luận về các xu hướng đầu tư mới, các góc nhìn chiến lược, mở ra nhiều ý tưởng đầu tư phù hợp cho giai đoạn mới. Đồng thời tạo cơ hội gặp gỡ, kết nối giữa nhà đầu tư và các đối tác tiềm năng trên thị trường.

Thông tin chi tiết chương trình: https://event.vietnambiz.vn/

Ngành thép quý III: Hoà Phát là điểm sáng, hai gọng kìm bóp chặt lợi nhuận nhóm tôn mạ
Trong nhóm sản xuất và thương mại thép, Hoà Phát nổi lên là điểm sáng trong khi VNSteel, SMC, Tisco,... lần lượt báo lỗ. Với nhóm tôn mạ, ngoài áp lực cạnh tranh từ tôn mạ nhập khẩu của Trung Quốc và Hàn Quốc thì chi phí vận chuyển leo thang đã bóp nghẹt lợi nhuận nhóm này trong quý vừa qua.