Chuyện phân lô: Riverside và 'cuộc chiến' ven sông rạch
Thành phố phương Nam này vốn là nơi có địa hình sông rạch. Lợi thế của riverside (bờ sông) này ngay cả khi quy hoạch bán đảo Thủ Thiêm, công ty Sasaki Associates (Mỹ) cũng đặt ra rất rõ, là phải tận dụng ưu thế để tạo ra một khu đô thị đặc thù không nơi nào có được.
Chính vì xác định địa thế riverside, nên trong một hội thảo quy mô cách đây 13 năm, ông John Alan Chegwyn - Giám đốc công ty Weathersafe Windows đặt ra một vấn đề khiến nhiều người tâm đắc: khi xây dựng khu đô thị mới Thủ Thiêm cần chú trọng đến khía cạnh văn hóa, du lịch, bởi TP HCM cần có một khu đô thị khang trang, hiện đại nhưng cũng phải rất đặc thù để hấp dẫn du khách, đó là tận dụng địa hình sông nước.
Ông John Alan Chegwyn đưa ra số liệu như thế này, để thấy vào thời điểm ấy người ta kỳ vọng to lớn đến bán đảo Thủ Thiêm như thế nào: năm 2004, số lượng khách du lịch của thế giới là 600 triệu nhưng đến năm 2020, tức là khi xây dựng xong Thủ Thiêm, dự báo con số khách du lịch là 1,6 tỉ người. Do vậy TP HCM phải lưu ý rằng, đến lúc ấy, khu đô thị Thủ Thiêm nói riêng và TP HCM nói chung sẽ thu hút được bao nhiêu du khách nước ngoài đến đây?
KTS Nguyễn Ngọc Dũng, tác giả cuốn sách Lang thang phố thị nổi tiếng đã đề cập đến nhiều đô thị lớn trên thế giới tận dụng ưu thế sông nước rất hài hòa, hiệu quả. (Ảnh: Trần Thanh Bình) |
Nhưng đó là câu chuyện với Thủ Thiêm, còn với tôi, vào năm 1998-1999 khi có thời gian ở trọ tại khu vực Làng báo chí ở P.Thảo Điền (Q.2), phía sau ngôi nhà trọ là một vùng mênh mang sông nước kênh rạch. Ngày ngày, mỗi khi đi làm về qua cầu Sài Gòn, rẽ trái vào đường Nguyễn Văn Hưởng là đến ngay nơi ở. Khu vực này do chế độ cũ quy hoạch cho giới báo chí Sài Gòn cư ngụ trước năm 1975, vốn rất yên tĩnh với 5 con đường nhánh và những dãy nhà dường như theo một khuôn mẫu, tôi ngụ đường 5 cùng với một số anh em đồng nghiệp ở các báo. Đây là con đường gần sông nhất, nên mỗi sáng cứ ra chạy bộ loanh quanh ở phía bờ sông.
Nhưng 4 năm sau khi rời khỏi đó, tôi lại tiếp nhận một hồ sơ khiếu nại vô cùng gay cấn. Hóa ra ở nơi yên tĩnh này lại đang xảy ra một “mặt trận” bùng nổ, khởi đầu cho một “thời kỳ” đấu tranh giành quyền “kiểm soát” bờ sông. Vì view ở đây rất đẹp, vì gió rất hiền…
Tháng 11/2003, Báo Thanh Niên khởi đăng loạt bài Quy định chỉ giới xây dựng ven sông, rạch tại TP HCM: UBND TP HCM đang đối diện với hàng loạt vụ kiện ký nhóm PV điều tra, kỳ thực là do tôi âm thầm tìm hiểu công phu suốt cả tháng trời. Sự việc là bởi có hàng chục ngôi nhà, hàng loạt dự án phân lô đang triển khai xây dựng dọc trục đường Nguyễn Văn Hưởng, cách bờ sông 20 mét, theo quy định chỉ giới đã ban hành trước đó của UBND TP HCM, gặp phải ách tắc. Thậm chí có nhà ở đây đã được UBND TP HCM cấp sổ đỏ và đã được cấp phép xây dựng từ vài năm trước đó. Có dự án đã có quyết định giao đất hẳn hoi của Thủ tướng Chính phủ. Nhưng khi đang xây dựng thì bị lực lượng cưỡng chế của phường và quận xuống yêu cầu ngưng ngay và tạm giữ toàn bộ số vật liệu có tại công trình với lý do là nằm trong chỉ giới xây dựng ven sông (tính 50 mét từ bờ sông trở vào).
Không chỉ ở P.Thảo Điền, mở rộng tìm hiểu, tôi biết được các phường khác ở Q.2 như An Phú, An Khánh hoặc khu vực sông Giồng Ông Tố cũng bị “thổi còi”, ngưng trệ hết thảy!
Người dân khi tìm mua nhà ở siêu thị địa ốc ACBR thời đó cũng lưu tâm đến nhà ở ven sông. (Ảnh: Diệp Đức Minh) |
Tôi ráo riết đi tìm, và được biết hóa ra là từ một bản kiến nghị của UBND Q.2, nên khoảng giữa năm 2003, UBND TP HCM đã có chỉ đạo ngưng toàn bộ các công trình xây dựng ven sông, rạch trên địa bàn TP. Trong đó tập trung ngăn chặn việc xây dựng nhiều công trình thuộc các dự án nằm ven bờ sông Sài Gòn. Cái mà tôi tìm được lại rất “đắc địa”, đó là văn bản số 3172/UB-QLĐT do nguyên Phó chủ tịch UBND TP Vũ Hùng Việt ký ngày 14.9.1996. Văn bản này chính là cơ sở để hàng loạt dự án từ khi lập thủ tục cho đến khi triển khai hạ tầng ven sông Sài Gòn căn cứ vào để thực hiện.
Nội dung chính như sau: “Để thực hiện tốt ý kiến chỉ đạo của Thành ủy (Thông báo số 131/TB-TU ngày 11.7.1996) về việc đầu tư phát triển mạng lưới công trình kỹ thuật - xã hội và tăng cường quản lý quy hoạch, xây dựng tại khu vực An Phú - Thủ Đức, UBND TP thông báo ý kiến chỉ đạo như sau: 1/ Việc xây dựng các công trình trong phạm vi từ bờ sông Sài Gòn đến tuyến đường ven sông cần đảm bảo theo các yêu cầu không thải nước bẩn ra sông và giữ cảnh quan, không gian đẹp, cụ thể: Trong phạm vi 15-20 mét từ bờ sông vào: Không xây dựng các công trình nhà ở, để dành đất cho cây xanh và phục vụ sinh hoạt công cộng. 2/ Trên cơ sở đó Kiến trúc sư trưởng TP rà soát lại các quy hoạch công trình đã duyệt, hướng dẫn và cấp phép cho các dự án đầu tư”.
Như vậy, toàn bộ dự án ven sông Sài Gòn được quy hoạch và triển khai đầu tư từ sau khi có văn bản nêu trên là đều có căn cứ thực hiện chỉ đạo của Thành ủy. Có nghĩa là từ 15-20 mét trở vào thì được xây dựng. Điều đó giải thích vì sao các dự án ven sông Sài Gòn đều có chừa lại phần hành lang là từ 15-20 mét. các chủ đầu tư khi lập quy hoạch chi tiết 1/500 cho dự án của mình cũng đều được sự hướng dẫn rất kỹ lưỡng của Kiến trúc sư trưởng lúc ấy và cũng không có ai dám vi phạm vào chỉ giới xây dựng theo chỉ đạo của Thành ủy như đã nói ở trên. Chỉ đến lúc UBND TP có ý kiến chỉ đạo vào tháng 6.2003, tức là ngưng cho xây dựng từ mép bờ sông Sài Gòn vào 50 mét, là trái với chỉ đạo trước đó của Thành ủy mà thôi!
Vụ việc này, cho đến khi Thanh Niên đăng bài thứ tư, lấy ý kiến từ nhiều phía với những lời công kích gay gắt, nên lãnh đạo TP buộc phải phát đi lời hứa là sẽ xem xét lại.
Một dự án đang san lấp để phân lô ven sông Tắc thuộc P.Phú Hữu, Q.9. (Ảnh: Trần Thanh Bình) |
Nhưng, có một điều mà tôi rất hiểu, là bởi có thể có ai đó, doanh nghiệp nào đó “thèm” cái view riverside ở đâu đó dọc bờ sông Sài Gòn, mà người ta chiếm trước mất rồi, nên mới thành ra câu chuyện vô cùng rắc rối, xới đi xới lại về “chỉ giới sông rạch” như đã kể trên!
“Ông Nguyễn Công Anh - giám đốc một doanh nghiệp trong ngành xây dựng: “TP HCM là TP sông rạch, cần phải giữ được bản sắc nhân văn ven sông”: Theo tôi biết hiện nay, TP HCM vẫn chưa có quy hoạch chi tiết 1/500 cho đường giao thông hoặc công viên ven sông. Như vậy làm sao biết được cần phải đặt công viên và đường giao thông ở đâu? Ngoài ra, nếu toàn bộ ven sông rạch đô thị được chuyển đổi thành đường giao thông, công viên, tuyến kỹ thuật... thì sẽ là một thảm họa về mặt kiến trúc cảnh quan đô thị, một điều mà chính quyền cần phải rất cẩn trọng khi quyết định. Đường giao thông ven sông - biển khi muốn quy hoạch xây dựng phải căn cứ trên hiện trạng phát triển của nó. Chẳng hạn, có những con đường thúc đẩy phát triển đô thị như đường vào Mũi Né - Phan Thiết, có đủ độ dày từ mép đường xuống biển, giúp phát triển được vườn dừa và khu nghỉ mát. Điều này khiến cho một địa điểm trước đây khoảng 5 năm ít người biết đến nay đã nổi tiếng khắp nơi. Nhưng nếu công thức đường, công viên ven sông, biển được quy hoạch áp đặt thì làm gì nhân loại có những đô thị nổi tiếng như Venice (chỉ có một quảng trường có tầm nhìn ra biển, còn lại tất cả sông rạch đều được xây dựng các công trình, nhà ở, kho hàng...), thủ đô Bangkok (với các đoạn sông chợ nổi, nhà trên sông rạch nổi tiếng thế giới), ngay trong lòng thủ đô Hà Nội cũng có các khu làng thơ mộng như Võng Thụy - Quảng Bá, các khu nhà cao ốc Việt Nhật, khách sạn Sheraton, khách sạn Thắng Lợi... soi bóng xuống Hồ Tây), thủ đô Washington (những công trình làng mạc đô thị tuyệt đẹp dọc sông Potomac), miền nam Ý - Pháp - Hà Lan với những khu nhà ven biển nổi tiếng ngay trong lòng các thành phố lớn như Cannes, Nantes, Amsterdam... Sự quy hoạch có cân nhắc và hợp lý đối với các khu vực ven sông Sài Gòn cũng sẽ khiến cho TP HCM trở thành một đô thị có bản sắc rất riêng, rất nhân văn. Đó là một cuộc sống đô thị hiện đại mà ngay trong lòng nó có sông nước, có đời sống nhân văn ven sông, không hề rập khuôn với bất cứ nơi đâu” (Trích trong loạt bài Quy định chỉ giới xây dựng ven sông, rạch tại TP HCM: UBND TP HCM đang đối diện với hàng loạt vụ kiện của PV Thanh Niên tháng 11/2003) |
Xem thêm |