Chuyển nhượng 43 ha đất công: Tỉnh khẳng định sai, doanh nghiệp nói góp vốn đúng
Liên quan đến việc chuyển nhượng khu đất 43 ha để thực hiện dự án Khu đô thị Tân Phú (phường Hòa Phú, TP. Thủ Dầu Một, Bình Dương) gây lùm xùm những ngày qua, hôm nay (9/10) đại diện Tỉnh ủy Bình Dương một lần nữa khẳng định các đơn vị liên quan gồm: Sở Tài nguyên môi trường, Sở Xây dựng và Thanh tra Nhà nước đang phối hợp để kiểm tra toàn bộ quá trình góp vốn, chuyển nhượng khu đất này.
Khu đất 43 ha thực hiện dự án Khu đô thị Tân Phú nằm mặt tiền đường Võ Văn Kiệt và Phạm Ngọc Thạch (con đường đắt giá nhất Bình Dương)
Trước đó, vào ngày 10/10/2018, Thường trực Tỉnh ủy Bình Dương đã có thông báo thu hồi chủ trương đã ký cho TCT Bình Dương góp vốn 30% cổ phần trước đó với lý do chỉ thuận việc góp vốn bằng tiền mặt nhưng doanh nghiệp lại góp bằng tài sản đất. Về bản chất vụ việc, Tỉnh ủy Bình Dương cho rằng doanh nghiệp không đi đúng chủ trương nên sai khi có kết luận thanh tra sẽ xử lý nghiêm đơn vị, cá nhân sai phạm.
Doanh nghiệp nói gì về vụ chuyển nhượng 43 ha đất?
Trong khi bị cho là đã tự ý dùng tài sản công đi góp vốn trái chủ trương của Tỉnh ủy Bình Dương, lãnh đạo TCT Bình Dương nói rằng doanh nghiệp này không cố ý làm trái quy định, chủ trương của Tỉnh ủy, tất cả đều theo quy trình và hợp pháp.
Theo đó, ông Trần Nguyên Vũ – Tổng giám đốc Công ty TCT Bình Dương cho rằng mọi hành động của công ty đưa ra đều thông qua đơn vị chủ quản. Ông Vũ cho hay, năm 2011 phía đối tác liên doanh Hàn Quốc gặp khó khăn về tài chính do kinh tế Hàn Quốc suy thoái không thể tiếp tục dự án và đã chuyển nhượng toàn bộ vốn tại Công ty Tân Thành cho Công ty Hưng Vượng, Công ty TNHH Phát Triển.
Bên trong dự án Khu đô thị Tân Phú
Sau khi hoàn tất chuyển nhượng thì Công ty Tân Thành có 3 cổ đông là TCT Bình Dương, Hưng Vượng và Phát Triển. Trong đó, TCT Bình Dương 144.000.000.000 đồng góp bằng sử dụng đất. Theo hợp đồng đền bù giải phóng mặt bằng và đầu tư công trình tạo lực, TCT Bình Dương đã tiến hành đền bù cho Ban quản lý Khu liên hợp Bình Dương hơn 414 tỷ đồng với diện tích hơn 567,3 ha đất.
Tuy nhiên, do UBND tỉnh Bình Dương chậm trễ trong trong thủ tục thu hồi và bàn giao đất nên đến tháng 2/2013, UBND tỉnh Bình Dương mới cấp GCNQSDĐ các khu đất cho TCT Bình Dương. Từ đó, vào năm 2016 TCT Bình Dương mới hoàn tất thủ tục góp vốn bằng quyền sử dụng đất cho Công ty Tân Thành đúng với quy định. TCT Bình Dương nói 43 ha đất đã chuyển nhượng không phải là tài sản công?.
Trong khi đó, lãnh đạo Công ty CP Địa ốc Kim Oanh, cho rằng Công Ty Âu Lạc đã hoàn tất việc chuyển nhượng toàn bộ phần vốn góp Kim Oanh. Công ty CP địa ốc Kim Oanh cũng đã làm thủ tục cập nhật là chủ sở hữu của Công Ty Tân Phú. Hiện nay, Công Ty Âu Lạc và Công Ty Kim Oanh không có bất kỳ khiếu nại về hiệu lực của các giao dịch chuyển nhượng phần vốn góp tại Công Ty Tân Phú.
Công ty Kim Oanh làm lễ động thổ dự án Khu đô thị Tân Phú, tuy nhiên sau đó dừng xây dựng do chưa đủ pháp lý
“Chúng tôi cho rằng thông báo thu hồi chủ trương trước đó đã ký của Tỉnh ủy Bình Dương được ban hành sau khi các giao dịch chuyển nhượng phần vốn góp giữa TCT Bình Dương và Công Ty Âu Lạc và giữa Công Ty Âu Lạc và Công ty CP địa ốc Kim Oanh đã hoàn tất để Công ty CP địa ốc Kim Oanh trở thành chủ sở hữu của Công Ty Tân Phú. Do đó, căn cứ pháp luật hiện hành, việc ban hành hay triển khai thông báo của Tỉnh ủy không có cơ sở pháp lý để ảnh hưởng tới quyền và lợi ích của công ty”, lãnh đạo Công ty Kim Oanh khẳng định.
Xác định 43 ha đất là tài sản công
Cần phải khẳng định rõ rằng, khu đất 43 ha thuộc tài sản Nhà nước. Khoản tiền 246 tỷ đồng lấy từ các hợp đồng hợp tác kinh doanh với Công ty Hưng Vượng (120 tỷ đồng) từ năm 2004 và Công ty Phát triển (126 tỷ đồng) từ năm 2005: khoản tiền này sau đó đã được TCT Bình Dương hoàn trả cho Công ty Hưng Vượng và Công ty Phát triển vào năm 2009 để thanh lý các hợp đồng hợp tác kinh doanh.
Nếu doanh nghiệp nói 43 ha đất không phải là đất công thì không có cơ sở. Bởi nhẽ, nếu TCT Bình Dương lấy vốn tự có, từ lợi nhuận hoặc hạch toán vào chi phí của Công ty để hoàn trả khoản tiền 246 tỷ đồng này thì cơ sở để xác định 246 tỷ đồng này là tài sản có nguồn gốc thuộc sở hữu Nhà nước.
Đối với khoản tiền vay ngân hàng 125 tỷ đồng: khoản nợ vay này sau đó đã được TCT Bình Dương hoàn trả cho ngân hàng. Trong trường hợp, TCT Bình Dương lấy vốn tự có, lấy từ lợi nhuận hoặc sử dụng doanh thu, hạch toán vào chi phí của Công ty để hoàn trả khoản nợ vay 125 tỷ đồng này là có cơ sở để đánh giá 125 tỷ đồng này là tài sản có nguồn gốc thuộc sở hữu Nhà nước.
Khu đô thị Tân Phú nhìn từ trên cao
Tương tự, tiền sử dụng đất 5.010.760.813 đồng nộp vào ngân sách Nhà nước thì số tiền này là tài sản có nguồn gốc thuộc sở hữu Nhà nước. Từ đó, có thể xác định toàn bộ nguồn tiền mà TCT Bình Dương chi trả để được Nhà nước giao quyền sử dụng khu đất 43ha là tài sản có nguồn gốc thuộc sở hữu Nhà nước.
Khi TCT Bình Dương được Nhà nước giao đất và cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất thì Khu đất 43 ha này là tài sản của Công ty. Thế nhưng, TCT Bình Dương là công ty Nhà nước sở hữu 100%, do vậy theo quy định tại Nghị định 199 và Nghị đinh 09 thì tài sản của Công ty là tài sản của Nhà nước. Hay nói cách khác, quyền sử dụng Khu đất 43 ha là tài sản của Nhà nước.
Diễn đàn Đầu tư Việt Nam 2025 (Vietnam Investment Forum 2025) với chủ đề “Khai thông & Bứt phá” do trang TTĐT tổng hợp VietnamBiz, Việt Nam Mới tổ chức sẽ diễn ra vào ngày 8/11/2024 tại GEM CENTER, TP HCM.
Sự kiện quy tụ giới chuyên gia cao cấp trong lĩnh vực đầu tư, tài chính là các nhà làm chính sách, CEO, CFO, CIO các ngân hàng, công ty chứng khoán, quỹ đầu tư, công ty bất động sản, các hãng xếp hạng, công ty cung cấp dữ liệu và hàng trăm nhà đầu tư có kinh nghiệm lâu năm trên thị trường chứng khoán và bất động sản.
Diễn đàn hứa hẹn mang lại không gian để các chuyên gia bàn luận về các xu hướng đầu tư mới, các góc nhìn chiến lược, mở ra nhiều ý tưởng đầu tư phù hợp cho giai đoạn mới. Đồng thời tạo cơ hội gặp gỡ, kết nối giữa nhà đầu tư và các đối tác tiềm năng trên thị trường.
Thông tin chi tiết chương trình: https://event.vietnambiz.vn/