Chuyên gia: 'Việt Nam phải dần quen với khái niệm tăng trưởng thấp ổn định'
Tại tọa đàm kinh tế vĩ mô giữa năm 2023 với chủ đề: "Phục hồi tổng cầu thúc đẩy tăng trưởng kinh tế trong bối cảnh mới", sáng 11/7, PGS.TS. Nguyễn Đức Trung, Hiệu trưởng Trường Đại học Ngân hàng TP HCM cho biết 6 tháng đầu năm, tốc độ tăng trưởng không khả quan ở tất cả các khu vực, nhất là khu vực công nghiệp và xây dựng.
Cụ thể, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản đạt mức tăng trưởng 3,72%. Khu vực công nghiệp - xây dựng có mức tăng trưởng thấp nhất từ 2010 (đạt 1,13%).
Khu vực dịch vụ tăng 6,33%, cao hơn mức tăng trưởng cùng kỳ của 2011-2015, nhưng lại thấp hơn mức tăng trưởng cùng kỳ của 2016-2022, trừ hai năm đại dịch COVID-19.
Ngoài ra, cơ cấu tăng trưởng GDP 6 tháng đầu năm 2023 có sự thay đổi lớn so với các năm trước. Khu vực nông, lâm nghiệp và thuỷ sản đóng góp 9,28%; khu vực công nghiệp - xây dựng chỉ đóng góp 11,87%; khu vực dịch vụ đóng góp 78,85%
Sản xuất công nghiệp đối mặt với một năm đầy khó khăn trong bối cảnh giảm nhu cầu tiêu dùng tại nhiều nước đối tác thương mại lớn giảm do chính sách thắt chặt tiền tệ chống lạm phát. Giá trị tăng thêm toàn ngành 6 tháng đầu năm chỉ ở mức 0,44%, là mức tăng thấp nhất cùng kỳ các năm 2011-2023, và chỉ đóng góp 0,15 điểm phần trăm vào tốc độ tăng tổng giá trị tăng thêm toàn nền kinh tế.
"Cơn bĩ cực của ngành công nghiệp chế biến chế tạo chưa đến hồi kết khi vẫn chưa tìm được giải pháp tối ưu", PGS.TS. Nguyễn Đức Trung nói.
Về ngành xây dựng, lĩnh vực này đạt mức tăng trưởng cao hơn so với năm trước nhưng vẫn chưa có dấu hiệu khởi sắc. 6 tháng đầu năm 2023, giá trị tăng thêm là 4,74%, cao hơn so với với mức tăng 6 tháng đầu năm 2022 (3,65%) nhưng thấp hơn mức trung bình trong giai đoạn từ 2011-2022 (5,6%/năm).
Hiệu trưởng Trường Đại học Ngân hàng TP HCM cho rằng nếu các ông lớn FDI phục hồi, Việt Nam áp dụng chính sách tài khóa phản chu kỳ phù hợp thì sẽ tạm thời thoát khỏi khó khăn.
Ông cũng đề xuất tăng tỷ lệ điều tiết ngân sách để lại cho TP HCM, từ 21% lên 31%. "TP HCM đóng gópcho ngân sách Nhà nước khoảng 500.000 tỷ đồng, nếu được tăng tỷ lệ điều tiết như trên thì TP HCM có thêm 55.000 tỷ đồng, khoản tiền này cũng đầu tư được khá nhiều đường cao tốc", ông nói.
Đồng tình với ý kiến của TS. Johnathan Picus, Kinh tế trưởng UNDP rằng Việt Nam đang dựa quá nhiều vào chính sách tiền tệ để kích cầu, cho rằng PGS.TS. Nguyễn Đức Trung dư địa chính sách tiền tệ còn rất ít so với chính sách tài khóa phản chu kỳ và Việt Nam đang chậm trễ trong chính sách tài khoá phản chu kỳ để xử lý các vấn đề hiện nay.
Ông nhấn mạnh lãi suất cần phải để phù hợp với rủi ro của doanh nghiệp vay vốn, ngoại trừ các trường hợp ưu tiên. Nhận định chung thời gian tới, PGS.TS. Nguyễn Đức Trung cho rằng "chúng ta phải dần quen với khái niệm tăng trưởng thấp ổn định, hay tăng trưởng phù hợp nhất với điều kiện thực tế, kinh tế chỉ có thể tăng trưởng cao trở lại như xưa nếu có các giải pháp mang tính đột phá".
Theo ông Trung, để tăng trưởng GDP cả năm đạt 6%, tăng trưởng quý III phải đạt 6,8%, quý IV là 9%, Với kịch bản này, tính chung 6 tháng cuối năm tăng trưởng phải đạt 8%. Đây là mục tiêu rất thách thức.