PGS. TS Trần Đình Thiên: 'Doanh nghiệp đang khó khăn, tăng trưởng kinh tế nửa cuối năm dựa vào ai?'
Chia sẻ tại Tọa đàm Kinh tế vĩ mô giữa năm 2023 với chủ đề: "Phục hồi tổng cầu thúc đẩy tăng trưởng kinh tế trong bối cảnh mới", sáng 11/7, PGS. TS Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Viện kinh tế Việt Nam nêu vấn đề tăng trưởng nửa cuối năm dựa trên cơ sở nào, đặc biệt khi FDI năm nay cũng được đánh giá là khó khăn.
"Doanh nghiệp đang khó khăn như vậy, tăng trưởng kinh tế nửa cuối năm dựa vào ai", ông nêu câu hỏi.
“6 tháng đầu năm doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường tăng lên, trong khi đó số mới gia nhập giảm so với cùng kỳ. Nhìn vào doanh nghiệp sẽ biết trước được rất khó để hoàn mục tiêu tăng trưởng 6-6,5%”, PGS. TS Trần Đình Thiên nói thêm.
Theo Tổng cục Thống kê, nửa đầu năm 2023, cả nước có 75.900 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới, giảm 0,5% so với cùng kỳ năm trước; gần 37.700 doanh nghiệp quay trở lại hoạt động, giảm 7,4%; 60.200 doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có thời hạn; 31.000 doanh nghiệp ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể, tăng 28,9%; 8.800 doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể, tăng 2,8%.
Ngoài ra, theo PGS. TS Trần Đình Thiên, các trung tâm tăng trưởng cũng đang khó khăn. Chỉ số sử dụng lao động giảm mạnh nhất ở các tỉnh có lợi thế về công nghiệp chế biến chế tạo như Bình Dương, Đồng Nai, Thái Nguyên, Bắc Ninh. Thực trạng này cũng đặt ra nhiều vấn đề với triển vọng công nghiệp của Việt Nam.
“Sau hai, ba năm COVID-19 nền kinh tế kiệt quệ, Việt Nam vẫn đang xử sự như một nền kinh tế trong trạng thái bình thường, cần tìm các giải pháp mang tính khác thường”, ông đề xuất.
Ông nhấn mạnh đây là thời điểm đặc biệt khó khăn với nền kinh tế có độ mở lớn như Việt Nam, cộng hưởng với những cái khó bên ngoài. Giai đoạn này cũng cho phép Việt Nam nhận diện lại cấu trúc kinh tế, nền kinh tế dựa vào lao động rẻ đang có vấn đề.
Cũng tại tọa đàm, PGS.TS Phạm Thế Anh, Trưởng Bộ môn Kinh tế vĩ mô, Trường Đại học Kinh tế Quốc dân nêu vấn đề doanh nghiệp Việt Nam không chỉ đối mặt nguy cơ mất đơn hàng tạm thời do suy thoái toàn cầu mà có thể mất hẳn đơn hàng vì nhiều lý do.
“Việt Nam hiện nay chưa tận dụng được lợi thế từ FTAs. Doanh nghiệp vẫn dựa vào gia công, nhập khẩu nguyên vật liệu rất nhiều từ bên ngoài, do đó chúng ta gặp vướng mắc trong quy định xuất xứ an toàn để hưởng ưu đãi thuế. Ngoài ra chi phí nhân công của Việt Nam trước đây rất cạnh tranh với các nước trong khu vực, nhưng lợi thế này đang dần mất đi.
Nguy cơ mất hẳn đơn hàng còn liên quan đến quy định sản xuất xanh, sản xuất nguyên vật liệu thân thiện với môi trường. Trong khi đó doanh nghiệp Việt Nam thích ứng với các điều kiện trên rất là kém”, ông nói.
Về phía doanh nghiệp, ông Thân Đức Việt, Tổng Giám đốc Tổng công ty May 10 chia sẻ "mọi năm, đây là thời điểm doanh nghiệp đã ký kết xong đơn hàng cuối năm đến trước Tết Âm lịch năm sau. Tuy nhiên thời gian xác nhận đơn hàng ngày càng ngắn lại, trước đây 3-6 tháng thì nay thậm chí chúng tôi xác nhận đơn hàng hàng tuần. Hiện May 10 mới có đơn hàng đến hết tháng 8".
Cũng bàn về những khó khăn của kinh tế Việt Nam, tại hội thảo, TS. Nguyễn Đình Cung, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương cho hay với hơn 30 năm trải nghiệm qua các cải cách, diễn biến thăng trầm kinh tế Việt Nam, đây là thời điểm khó khăn nhất. Khó khăn càng đè nặng hơn khi chưa tìm thấy lối ra. Trong khi đó, đánh giá nói chung của các cơ quan nhà nước chưa sát với tình hình thực tế.
“Chúng ta vui mừng trước những ánh sáng như con đom đóm rồi sẽ mất đi và hài lòng với những thứ đó nên không tìm được giải pháp. Tôi cho rằng nhiều vấn đề quá, nói đến tổng cầu mà Chính phủ có thể kiểm soát, có thể tăng là đầu tư công, còn những thứ khác như chúng ta giảm thuế giá trị gia tăng..., hết rồi không còn gì khác”, TS. Nguyễn Đình Cung nói và cho rằng việc giảm thuế 6 tháng cũng là quá ít, trong tình hình khó khăn còn kéo dài lẽ ra nên giảm nhiều hơn.
TS. Nguyễn Đình Cung cho rằng không nên hy vọng tư nhân đầu tư vào thời điểm này, bởi không có động lực, không có cơ chế khuyến khích, tinh thần kinh doanh rất ảm đạm.
Về đầu tư công, theo ông Cung, đây là vấn đề “biết rồi, khổ lắm, nói mãi”, vì không phải bây giờ mới chậm, mà đã kéo dài nhiều năm nay.
“Tất cả chúng ta đều biết giải ngân vốn đầu tư công có cải thiện nhưng thực ra cải thiện đó không bền vững”, ông nói.
Vấn đề này, Chính phủ đã có nhiều giải pháp, song theo TS. Nguyễn Đình Cung, việc đầu tiên cần làm là hóa giải được căn bệnh "sợ sai không dám làm", nếu không thì việc chậm vẫn xảy ra; phải nêu rõ cách làm thế nào, ai làm.
Ông cho rằng muốn đẩy mạnh đầu tư công cần bỏ chủ trương đầu tư trong Luật Đầu tư. "Tất cả những dự án đầu tư công quan trọng đã có trong quy hoạch, qua rất nhiều vòng lựa chọn rồi thì nên cho triển khai ngay. Khi có quyết định là tìm kiếm nhà đầu tư luôn chứ không đợi triển khai rồi mới tìm, như vậy sẽ mất 3 - 4 năm nữa".
Ngoài ra, cũng nên xem lại một số quy định trong Luật Đầu tư, và một số luật liên quan khác, từ đó bỏ đi những thứ đang kìm hãm hay ngăn cản trong việc đầu tư.