Chuyên gia từ SHS: Giảm lãi suất là động thái rất phù hợp, tạo tác động tích cực cho nền kinh tế
Trong nửa đầu năm 2023, Chính phủ đã ban hành hàng loạt giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn cho thị trường, kích thích tăng trưởng kinh tế.
Về chính sách tiền tệ, Ngân hàng Nhà nước đã hạ lãi suất 4 lần liên tiếp, đưa mức lãi suất tái cấp vốn và tái chiết khấu còn 4,5%/năm và 3,0%/năm. Bên cạnh đó, NHNN ban hành thông tư 02/2023 về gia hạn và giữ nguyên nhóm nợ cho doanh nghiệp khó khăn đến 30/06/2024.
Trong 7 tháng đầu năm, giải ngân đầu tư công ước đạt 284 nghìn tỷ đồng, đạt 35,2% kế hoạch tăng 44% so với cùng kỳ năm ngoái. Miễn, giảm gia hạn thuế, phí, lệ phí, tiền thuê đất khoảng 70,3 nghìn tỷ đồng, miễn giảm 28,3 nghìn tỷ đồng, gia hạn 42 nghìn tỷ đồng.
Chính phủ cũng đã thông qua một số chính sách hỗ trợ tài khoá trong nửa cuối năm 2023 như: Giảm VAT 2%, giảm 50% lệ phí trước bạ ô tô trong nước từ ngày 1/7.
Chính sách tiền tệ, tài khoá phù hợp
Trao đổi tại Talk Show Phố Tài chính do VTV tổ chức ngày 14/8, ông Hồ Ngọc Việt Cường, Phó Giám đốc Phân tích, Công ty CP Chứng Khoán Sài Gòn – Hà Nội (SHS) cho rằng, Việt Nam đang là một trong những nước có chính sách tiền tệ cũng như chính sách tài khoá rất phù hợp trong thời gian vừa rồi.
"Khi mà cả thế giới đang trong giai đoạn chống lạm phát và thắt chặt chính sách tiền tệ thì chúng ta lại giảm lãi suất", ông Cường nhìn nhận.
Bên cạnh đó là những nỗ lực của Chính phủ trong việc tăng đầu tư công, giảm thuế, phí và đưa ra một số chính sách với thị trường trái phiếu doanh nghiệp mang tính chất tích cực và sẽ tác động đến nền kinh tế nói chung cũng như thị trường chứng khoán nói riêng.
Trên cơ sở thống kê những dữ liệu mà chúng tôi có được, kết quả kinh doanh quý II năm nay của các doanh nghiệp niêm yết trên sàn tỷ lệ tăng trưởng âm đã thấp hơn quý I. Đây cũng là một điểm tích cực có thể thấy rõ từ sự tác động của các chính sách hỗ trợ từ Chính phủ.
Sự phục hồi của doanh nghiệp chưa đồng đều
Bà Nguyễn Thị Phương Lam, Giám đốc Trung tâm Phân tích, CTCP Chứng khoán Rồng Việt thì cho rằng, trong nửa đầu năm, các cơ quan chủ quản đã đưa ra rất nhiều giải pháp để hỗ trợ sự phục hồi cũng như là thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Nhờ các giải pháp nên lãi suất huy động của các ngân hàng thương mại đã giảm mạnh so với ngưỡng đỉnh vào cuối quý III và quý IV/2022.
Song song với đó, việc thúc đẩy các dự án, cơ sở hạ tầng giao thông cũng đã giúp tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công tích cực hơn nhiều so với các năm trước.
Tuy nhiên, trong nửa đầu năm 2023, sự phục hồi của các doanh nghiệp vẫn chưa đồng đều. Do độ trễ về chính sách nên bà Lam kỳ vọng lãi suất cho vay trong nửa cuối năm có thể giảm nhanh hơn. Song song với đó là việc thực hiện nhiều gói giải pháp tài khoá như tăng lương cơ bản, giảm thuế, phí,...
Chuyên gia phân tích từ Công ty Chứng khoán Rồng Việt kỳ vọng, sự tổng hoà của các yếu tố này sẽ mang lại hiệu quả cao hơn trong nửa cuối năm.
Theo báo cáo từ Wigroup, sau hai quý kết quả kinh doanh kém khả quan với lợi nhuận sau thuế đi lùi hơn 20% so với cùng kỳ. Đến quý II/2023, lợi nhuận sau thuế toàn thị trường đã khởi sắc, dù vẫn giảm 11,2% so với cùng kỳ năm trước nhưng đã hồi phục so với vùng đáy vào quý IV/2022 khi giảm tới gần 40%.
Dù vậy, kết quả kinh doanh của toàn thị trường giai đoạn nửa đầu năm 2023 chưa có dấu hiệu khởi sắc và dự báo 2023 vẫn là một năm kinh doanh khó khăn với hầu hết các doanh nghiệp niêm yết.
Tổng quan kết quả kinh doanh toàn thị trường, lợi nhuận sau thuế của cả hai nhóm tài chính và phi tài chính đạt 102.434 tỷ đồng, giảm 11,2% so với cùng kỳ. Trong đó, nhóm phi tài chính giảm 22,06% nhưng nhóm tài chính lại tăng 5,06% nhờ vào sự hồi phục mạnh mẽ của nhóm ngành chứng khoán.