Chuyên gia: Sự lệch pha giữa kinh tế thực và khu vực tài chính, chứng khoán kéo theo hàng loạt rủi ro
5 rủi ro với kinh tế Việt Nam 2022
Tại hội thảo "Kinh tế Việt Nam 2022 – Phục hồi kinh tế sau khủng hoảng COVID-19" do Trường Đại học Ngân hàng TP HCM tổ chức sáng 19/1, PGS.TS. Nguyễn Khắc Quốc Bảo (Đại học Kinh tế TP HCM) đề cập đến 5 rủi ro với kinh tế Việt Nam năm nay.
Chuyên gia cho rằng kinh tế Việt Nam cũng giống như các quốc gia trên thế giới đang đối diện tình thế tiến thoái lưỡng nan khi chính phủ tiếp tục đưa ra các chính sách tiền tệ và tài khóa, tiếp tục bơm tiền ra và mở rộng các chính sách tài khóa thì sẽ thúc đẩy áp lực lạm phát, rủi ro bất ổn vĩ mô tăng lên.
PGS.TS. Quốc Bảo đề cập đến áp lực trong giá cả trong năm 2022 sẽ tăng lên do sự gia tăng giá nguyên vật liệu, năng lượng, thực phẩm, cộng hưởng khó khăn trong chuỗi cung ứng toàn cầu, đứt gãy chuỗi cung ứng khiến giá vật chuyển nguyên vật liệu cũng tăng.
Rủi ro này khiến các nước thu hẹp các gói hỗ trợ như Mỹ, EU mới đây đều tuyên bố tăng lãi suất và giảm dần các chương trình mua lại tài sản.
"Trong trường hợp các quốc gia tiếp tục bơm tiền, tiếp tục mở rộng chính sách phục hồi kinh tế thì sẽ tạo ra áp lực lạm phát hoặc hạn chế khả năng kiềm chế lạm phát. Nhưng nếu hành động ngược lại như các quốc gia Mỹ và EU, Trung Quốc thì sẽ làm cho quá trình phục hồi kinh tế chậm hơn, mất nhiều thời gian hơn để các nước này lấy lại đà tăng trưởng", chuyên gia nói về tình thế tiến thoái lưỡng nan mà nền kinh tế phải đối diện.
Thách thức thứ hai, theo ông Quốc Bảo, đó là sự lệch pha trong chính sách vĩ mô của Việt Nam và thế giới. Các quốc gia, có thể là nhà đầu tư, thị trường mục tiêu của Việt Nam đang thu hẹp các chương trình hỗ trợ và thúc đẩy kinh tế lại, trong khi đó Việt Nam thì lại mới tung ra. Chuyên gia cho rằng sư lệch pha này tạo rủi ro nhất định và chắc chắn làm giảm hiệu quả của các gói hỗ trợ vì sự cộng hưởng trong chính sách đã không còn nữa.
Rủi ro thứ ba mà đã phần nào chứng kiến trong năm 2021, đó là sự lệch pha giữa khu vực kinh tế thực và tài chính ngân hàng.
Trong 2021, khu vực sản xuất, ngành kinh doanh dịch vụ rất khó để phục hồi nhanh. Độ trễ khó khăn trong năm 2021 vẫn còn phát huy tác dụng trong năm 2022, đặc biệt là sự thiếu hụt lao động, sự suy thoái, mất mát của nhiều doanh nghiệp, rất khó để lấy lại đà hoạt động như bình thường.
"Khu vực sản xuất hàng hóa dịch vụ, sẽ chậm chạp hơn trong quá trình phục hồi, trong khi khu vực tài chính ngân hàng sẽ linh hoạt nhanh chóng", ông nhận định.
Chuyên gia nhấn mạnh sự lệch pha giữa khu vực kinh tế thực và khu vực tài chính ngân hàng càng lớn sẽ kéo theo những rủi ro như nợ xấu, bong bóng giá tài sản, áp lực lạm phát, ma sát tài chính tăng lên, đặc biệt là sức khỏe hệ thống tài chính ngân hàng sẽ suy yếu dần nếu không dựa trên một nền kinh tế thực đủ khỏe, đủ mạnh.
Ông cũng đặt vấn đề chưa lý giải được vì sao năm 2021 là năm đầu tiên nền kinh tế Việt Nam suy giảm mạnh, quý III tăng trưởng âm nhưng thị trường chứng khoán lại tăng trưởng rất mạnh.
"Phải chăng khi nền kinh tế bị cô lập, bị cách ly, dòng tiền đổ hết vào chứng khoán. Thị trường chứng khoán là hàn thử biểu nền nền kinh tế, nó phản ánh kinh tế, nhưng rõ ràng điều đó trong năm 2021 là sai. Nếu năm nay chúng ta cố gắng thúc đẩy thì bóng bóng giá tài sản là một vấn đề chúng ta phải đối diện", ông nói.
Đề cập đến thách thức thứ 4, ông cho rằng trong khi kinh tế toàn cầu dự báo tăng trưởng chậm lại trong năm nay, kinh tế Việt Nam cũng gặp khó khăn nhất định.
Rủi ro thứ 5 là sự cộng hưởng của các yêu tố nói trên, bất ổn vĩ mô, bóng ma lạm phát, sự phức tạp trong điều hành tiền tệ, lãi suất sẽ dẫn đến rủi ro. Ông cho rằng nếu không có những chính sách phù hợp như kiểm soát chặt chẽ dòng tiền, kiểm soát đường đi của những khoản hỗ trợ thì chúng ta lặp lại vết xe đổ, thất bại như hồi năm 2010.
Có thể đánh đổi 1% GDP với sự bền vững của kinh tế vĩ mô?
Chuyên gia cũng đưa ra một số đề xuất. Trước hết là cần phải có sự thống nhất trong các chính sách thích ứng an toàn với dịch. Các địa phương phải ứng xử như nhau, tránh việc luật vua thua lệ làng, để các hoạt động kinh tế xã hội diễn ra bình thường.
Đồng thời, cần ưu tiên dồn lực cho sự phục hồi của khu vực sản xuất kinh doanh, khu vực kinh tế thực. Doanh nghiệp cần được thấy rằng sự phục hồi kinh là bền vững, tránh tình trạng mở ra đóng vào. Từ đó, doanh nghiệp có đủ động lực, đủ niềm tin để họ quay trở lại với ngành nghề, với thị trường.
PGS.TS. Nguyễn Khắc Quốc Bảo cũng nhận định đầu tư công năm nay tiếp tục là mũi nhọn trong kinh tế vĩ mô.
Ông cũng đưa ra đề xuất quyết liệt kiểm soát chặt dòng tiền, tránh tối đa sự lệch lạc trong dòng tiền đầu tư chảy vào các kênh nặng tính đầu cơ, dẫn đến thổi phồng những bất ổn vĩ mô.
Cuối cùng, chia sẻ đề xuất mang quan điểm cá nhân, PGS.TS. Quốc Bảo cho rằng trong bối cảnh thế giới đang tăng trưởng chậm lại, các quốc gia cũng đang hoạt động chậm lại, liệu chúng ta có thể đánh đổi 1% GDP, tăng trưởng chậm lại một chút, nhưng đổi lại là sự bền vững của hoạt động kinh tế vĩ mô. Ông nhìn nhận điều này quan trọng hơn là theo đuổi các mục tiêu tăng trưởng cao nhưng phải đánh đổi bằng những rủi ro như nói ở trên.