Chuyên gia SSI Research: Chưa có dấu hiệu bong bóng trên TTCK Việt Nam, định giá vẫn ở mức hợp lý
Thị trường chứng khoán Việt Nam vừa trải qua tháng 5 tăng trưởng mạnh. Đà tăng điểm của thị trường được dẫn dắt bởi các nhóm cổ phiếu ngân hàng, chứng khoán và thép. Chỉ trong thời gian ngắn, nhiều cổ phiếu ngân hàng, chứng khoán tăng giá mạnh, khiến nhà đầu tư lo ngại về rủi ro thị trường điều chỉnh.
Để có góc nhìn về triển vọng thị trường chứng khoán Việt Nam trong tháng 6, chúng tôi đã có cuộc trao đổi ngắn với bà Nguyễn Lý Thu Ngà - chuyên viên cao cấp phân tích chiến lược - SSI Research.
- PV: Thưa bà, thị trường chứng khoán Việt Nam tăng mạnh trong tháng 5, nhà đầu tư có được lợi nhuận đáng kể nếu như “Buy in May”, bà dự báo thế nào về triển vọng đầu tư trong tháng 6?
Bà Nguyễn Lý Thu Ngà: Sang tháng 6, chúng tôi cho rằng đà tăng của thị trường sẽ chậm lại do nhà đầu sẽ thận trọng hơn ở các vùng điểm cao mới của lịch sử và cung chốt lời khả năng sẽ được đẩy mạnh khi hai chỉ số đã tăng 24,5% và 41% nếu tính từ đầu năm.
PV: Sau khi băng qua mốc 1.300 điểm, bà có thể nhận định về mốc sắp tới của VN-Index?
Bà Nguyễn Lý Thu Ngà: Trong phiên duy nhất ngày 25/5, VN-Index vượt mốc 1.300 điểm, không gặp bất kỳ trở ngại nào. Dựa trên quan điểm kỹ thuật, chỉ số vẫn đang trong xu hướng tăng hướng tăng hướng đến mốc 1.400 điểm trong thời gian tới.
PV: Không ít nhà đầu tư lo ngại về khả năng bong bóng trên thị trường chứng khoán Việt Nam, chuyên gia đánh giá như thế nào về khả năng này?
Bà Nguyễn Lý Thu Ngà: Chưa có dấu hiệu nào cho thấy khả năng bong bóng trên thị trường chứng khoán Việt Nam do thị trường đi lên cùng với sự phục hồi lợi nhuận mạnh mẽ của các doanh nghiệp niêm yết và rộng hơn là triển vọng tăng trưởng kinh tế vượt trội của Việt Nam.
Điểm số thị trường ở mức cao nhất lịch sử nhưng định giá thị trường thì vẫn ở mức hợp lý, cụ thể hệ số P/E hiện tại (trượt 4 quý gần nhất) và P/E ước tính năm 2021 của VN-Index hiện chỉ vào khoảng 18,6 lần và 16,8 lần, thấp hơn nhiều mức 22 lần từng ghi nhận trong năm 2018.
PV: Theo dõi giai đoạn vừa qua, dòng tiền chủ yếu tìm đến nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn ngành ngân hàng, thép. Theo quan điểm của chuyên gia, liệu nhóm bluechip có tăng nóng không, dòng tiền có thể dịch chuyển sang nhóm cổ phiếu midcap?
Bà Nguyễn Lý Thu Ngà: Chỉ số VN30 bắt đầu diễn biến vượt trội so với mặt bằng chung bắt đầu từ tháng 2/2021 cũng là khoảng thời gian số lượng tài khoản mở mới (chủ yếu tài khoản nhà đầu tư cá nhân) bắt đầu tăng đột biến.
Dòng tiền mới tham gia thị trường thông qua lượng tài khoản mở mới này rất mạnh mẽ và và rổ VN30 tập hợp nhiều cổ phiếu ngân hàng và cổ phiếu thép (HPG) với tổng vốn hóa chiếm khoảng 70% sàn HOSE là mục tiêu thích hợp để hấp thụ dòng tiền lớn.
Điểm mấu chốt là nhóm Ngân hàng và Thép là hai nhóm cho thấy sự phục hồi lợi nhuận mạnh mẽ nhất thị trường trong quý I/2021. Giá cổ phiếu tăng cùng với tăng trưởng lợi nhuận nên khó có thể gọi là tăng nóng.
Nhìn chung, dòng tiền tổng thể hiện nay trên thị trường năng động nhiều hơn các năm trước khi tốc độ xoay vòng nhanh và liên tục tìm đến các “vùng trũng”. Vì vậy, cũng như nhóm VN30, nhóm cổ phiếu Midcap cũng có khả năng thu hút dòng một phần dòng tiền nếu định giá hấp dẫn đi cùng với tăng trưởng lợi nhuận tốt.
PV: Thời điểm này, nhà đầu tư thường nghĩ đến những tín hiệu tích cực hơn là những cảnh báo rủi ro. Theo chuyên gia, đầu tư trong giai đoạn này nhà đầu tư cần lưu ý điều gì?
Bà Nguyễn Lý Thu Ngà: Thị trường đang đi lên nhanh trong môi trường lãi suất thấp nên lạm phát và lãi suất cần được theo dõi sát sao do diễn biến ngoài tầm kiểm soát của hai yếu tố này có thể gây khó bất ngờ cho kênh chứng khoán. Nhà đầu tư nên có kỳ vọng hợp lý trên thị trường thông qua việc đầu tư có chọn lọc, thực hiện bảo toàn lợi nhuận và quản trị rủi ro tốt.
Xin cảm ơn bà tham gia trao đổi!