|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Chứng khoán

Chuyên gia SSI chỉ ra cơ hội giao dịch chứng quyền giai đoạn thị trường đi lên và khuyến nghị chiến lược đầu tư

14:38 | 23/08/2023
Chia sẻ
Giao dịch chứng quyền phát triển sau 4 năm ra mắt tại Việt Nam và dần quen thuộc hơn với nhà đầu tư. Để hiểu rõ hơn về triển vọng và chiến lược đầu tư sản phẩm này giai đoạn hiện tại, chúng tôi có cuộc phỏng vấn ông Nguyễn Đức Thông, Giám đốc Giao dịch Phái sinh Chứng khoán SSI.

 

Ông đánh giá thế nào về sự phát triển của sản phẩm chứng quyền trên thị trường chứng khoán Việt Nam trong 4 năm vừa qua?

Nhìn tổng quan sản phẩm chứng quyền đã phát triển sau khi ra mắt và dần được nhà đầu tư biết đến nhiều hơn. Trong 4 năm qua, mỗi năm thị trường có 8 - 10 CTCK tham gia phát hành, với số mã chứng quyền cung ứng ra thị trường, trung bình khoảng 200 mã/năm. Trên quy mô phát hành, SSI nằm trong Top đầu những nhà phát hành cung ứng ra thị trường khối lượng chứng quyền lớn nhất.

Về thanh khoản, thị trường chứng kiến sự biến động qua từng năm, tăng trưởng mạnh trong 2 năm đầu tiên. Thời điểm thị trường chứng khoán sôi động nhất vào năm 2021, giá trị giao dịch khớp lệnh của toàn bộ thị trường chứng quyền một phiên đã từng chạm ngưỡng 100 tỷ đồng. Sau đó, thanh khoản thị trường chứng quyền cũng sụt giảm cùng với đà giảm nói chung của thị trường chứng khoán năm 2022.

Ở thời điểm hiện tại, thanh khoản của thị trường chứng quyền đã có cải thiện nhiều so với đầu năm và đang đạt tầm 50 tỷ đồng/phiên. Với diễn biến thị trường hiện tại, SSI đang trong quá trình chuẩn bị chào bán chứng quyền mới, hứa hẹn góp phần thúc đẩy thị trường chứng quyền sôi động hơn trong những tháng cuối năm.

SSI là một trong những đơn vị tích cực về phát triển chứng quyền, ông có thể chia sẻ chiến lược phát triển sản phẩm chứng quyền trong thời gian tới?

SSI trung thành với chiến lược phát hành chứng quyền hiện tại của mình, lựa chọn các cổ phiếu đang được nhà đầu tư quan tâm và có nền tảng cơ bản tốt trong ngắn và trung hạn để phát hành chứng quyền. 

Bên cạnh đó, công ty cũng chú trọng phát hành chứng quyền đa dạng trên nhiều kỳ hạn và mức giá thực hiện khác nhau để đáp ứng tốt các chiến lược giao dịch và khẩu vị rủi ro khác nhau của nhà đầu tư. 

Cụ thể, SSI có thể cung ứng ra thị trường các chứng quyền có mức đòn bẩy cao (thời gian đáo hạn ngắn và mức giá thực hiện cao hơn đáng kể giá chứng khoán cơ sở hiện tại) để phục vụ các nhà đầu tư thích giao dịch ngắn hạn tới những chứng quyền phù hợp cho nhà đầu tư thích mua và nắm giữ (chứng quyền có thời gian đáo hạn dài). 

Bên cạnh đó, SSI cũng nhận thấy nhà đầu tư đôi khi cảm thấy có trở ngại với những chứng quyền phát hành trên những chứng khoán cơ sở có thị giá cao, ví dụ VNM, VIC, FPT… Do vậy, SSI cũng sẽ cân nhắc sử dụng tỷ lệ chuyển đổi một cách linh hoạt trên chứng quyền của các mã chứng khoán cơ sở khác nhau để thị giá chứng quyền ở mức vừa phải và nhà đầu tư dễ dàng tiếp cận hơn.

Hiện chỉ có chứng quyền ở chiều mua, nên khi thị trường bước vào giai đoạn điều chỉnh, thanh khoản thị trường sụt giảm, ông có thể cho biết triển vọng đầu tư sản phẩm chứng quyền với dự báo về thị trường chứng khoán cơ sở?

Vì lý do kỹ thuật và quy định của cơ quan quản lý, chứng quyền Bán trên cổ phiếu chưa thể sớm có mặt tại thị trường nên khi thị trường cơ sở sụt giảm, thanh khoản thị trường chứng quyền nói chung cũng bị ảnh hưởng. 

Tuy nhiên, trong quá trình thị trường cơ sở điều chỉnh, những đợt hồi phục ngắn vẫn sẽ xuất hiện. Nhà đầu tư có thể tận dụng những đợt hồi phục này bằng việc mua chứng quyền thay vì mua cổ phiếu, hay sử dụng ký quỹ. 

Do bản chất đòn bẩy của sản phẩm, nhà đầu tư chỉ cần phân bổ một lượng vốn nhỏ nhưng vẫn đạt hiệu quả tương đương so với việc mua cổ phiếu nếu dự đoán chính xác chuyển động của tài sản cơ sở. Ngoài ra, so với việc sử dụng ký quỹ, nhà đầu tư không chịu rủi ro call margin trong mọi tình huống.

Dù vậy, xác suất nhà đầu tư có thể thành công khi giao dịch chứng quyền Mua trong thị trường giá xuống là không cao, nhà đầu tư nếu tham gia chỉ nên phân bổ lượng vốn nhỏ. Khi thị trường bước vào chu kỳ tăng giá mới, xác suất thành công tăng lên, tùy vào khẩu vị rủi ro nhà đầu tư có thể gia tăng tỷ trọng vào sản phẩm chứng quyền nhằm tận dụng triệt để cơ hội sóng tăng tạo ra.

Liệu việc phát triển sản phẩm chứng quyền với đa dạng mã chứng khoán, bao gồm cả các mã nằm ngoài rổ VN30 sẽ là yếu tố giúp sản phẩm chứng quyền sôi động hơn không, thưa ông?

Hiện tại, tài sản cơ sở để phát hành chứng quyền là những cổ phiếu trong rổ chỉ số VN30, và sau khi sàng lọc bổ sung, Sở Giao dịch Chứng khoán TP Hồ Chí Minh (HOSE) sẽ cho ra danh sách cuối cùng để tổ chức phát hành lựa chọn làm chứng quyền có bảo đảm (thông thường chỉ khoảng hơn 20 mã cổ phiếu). 

Tuy nhiên, ngoài rổ chỉ số VN30, thị trường cũng có nhiều cổ phiếu vốn hóa vừa và nhỏ, có nền tảng cơ bản tốt cùng thanh khoản cao. Những cổ phiểu này hoàn toàn có thể được sử dụng làm tài sản cơ sở cho việc phát hành chứng quyền. 

Thực tế, SSI cũng đã có đề xuất về việc mở rộng danh mục tài sản cơ sở cho phát hành chứng quyền tới các cơ quan quản lý liên quan. Nếu danh sách tài sản cơ sở được mở rộng, thị trường chứng quyền chắc chắn sẽ sôi động hơn rất nhiều.

Hiện có rất nhiều đơn vị phát hành chứng quyền, đa dạng về mã, đa dạng về kỳ hạn, xin ông chia sẻ phương pháp để lựa chọn chứng quyền hiệu quả?

Như tôi vừa chia sẻ, xác suất đầu tư hiệu quả với sản phẩm chứng quyền giai đoạn thị trường bước vào chu kỳ tăng giá mới sẽ tăng lên, nhà đầu tư có thể tăng tỷ trọng. Tuy nhiên, để đạt được mức lợi suất tối ưu, nhà đầu tư cần một số lưu ý một số điểm sau.

Thứ nhất, phân bổ tỷ trọng hợp lý vì nhà đầu tư có thể chịu rủi ro thua lỗ là toàn bộ vốn đầu tư. Nhà đầu tư nên xác định mức lỗ tối đa có thể chấp nhận, chỉ nên bỏ tối đa vốn ở mức này vào sản phẩm chứng quyền. 

Thứ hai, nhà đầu tư cần xem thanh khoản của chứng quyền. Thanh khoản chứng quyền ở mức cao giúp nhà đầu tư dễ giao dịch mua bán với khối lượng lớn, qua đó giúp nhà đầu tư tối ưu hóa được lợi nhuận cũng như giảm thiểu rủi ro.  

Thứ ba là yếu tố cơ bản của cổ phiếu và giá trị thời gian của chứng quyền. Dù giao dịch ngắn hạn hay đầu tư dài hạn, nhà đầu tư cũng cần lựa chọn giao dịch chứng quyền trên những cổ phiếu đang được thị trường đặt nhiều kỳ vọng (dự án sắp triển khai, kết quả kinh doanh quý tới có đột biến…). 

Vì chứng quyền là sản phẩm có vòng đời hữu hạn, nên nếu trong thời gian nắm, chứng khoán cơ sở không tăng giá hoặc công ty niêm yết không có sự kiện để thị trường đặt kỳ vọng cao hơn, giá trị chứng quyền của nhà đầu tư sẽ hao mòn theo thời gian. Mức độ hao mòn tùy thuộc trạng thái chứng quyền (OTM, ATM hay ITM) và thời gian còn lại tới đáo hạn (xa hay gần). 

Thứ tư, trường hợp nhà đầu tư muốn chọn nắm giữ chứng quyền tới đáo hạn hoặc nắm giữ qua đợt phát hành sơ cấp (IPO), nhà đầu tư nên lựa chọn chứng quyền đã ITM (giá thị trường cao hơn hẳn giá thực hiện) và chọn chứng quyền dựa trên chứng khoán cơ sở có nền tảng tốt và giá mục tiêu của cổ phiếu này cho giai đoạn nắm giữ ở mức hấp dẫn so với hiện tại.

Cuối cùng, nhà đầu tư dự định giao dịch sản phẩm chứng quyền trong dài hạn, nên dành thời gian tìm hiểu về các tham số liên quan tới sản phẩm, cách tính giá và quan sát đồng thời biến động của chứng khoán cơ sở và các chứng quyền tương ứng trong một thời gian để lựa chọn mã chứng quyền theo sát nhất với diễn biến chứng khoán cơ sở.

Xin cảm ơn ông trả lời phỏng vấn!

Bích Thu