Chuyên gia: 'Những tín hiệu tích cực đầu tiên trong tháng 7 cho thấy nền kinh tế đã bắt đầu khởi sắc'
Từng đứng cuối bảng xếp hạng về tăng trưởng GRDP nửa đầu năm khi giảm tới 12,59%, Bắc Ninh bất ngờ ghi nhận chỉ số IIP tháng 7/2023 tăng trưởng tới 23,8% so với tháng trước mà đây chính là một trong những chỉ số quyết định GRDP quý III.
Số liệu được Tổng cục Thống kê công bố cách đây ít ngày cho thấy, sản xuất công nghiệp tháng 7 đã khởi sắc hơn tháng trước, ước tính chỉ số sản xuất công nghiệp trong tháng tăng 3,9% so với tháng trước và tăng 3,7% so với cùng kỳ năm trước.
Đáng chú ý, nhiều thủ phủ sản xuất công nghiệp ghi nhận mức tăng trưởng cao như: Bắc Ninh tăng 23,8% hay Thái Nguyên tăng 9%. Đây là hai địa phương có nhà máy của Samsung, doanh nghiệp FDI lớn nhất tại Việt Nam. Các địa phương có thế mạnh trong sản xuất công nghiệp cũng tăng trưởng tốt trong tháng đầu tiên của quý III như: Vĩnh Phúc tăng 5,8%; Bình Dương tăng 2,3%; TP.HCM tăng 1,9%; Long An tăng 0,8%.
Ước tính chung 7 tháng năm 2023, chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp ước tính giảm 0,7% so với cùng kỳ năm trước.Nếu tính chung trong 7 tháng, so với cùng kỳ năm trước, IIP đã tăng ở 49 địa phương và giảm ở 14 địa phương trên cả nước. Như vậy, so với con số của 6 tháng, đã thêm một địa phương có tăng dương và bớt một địa phương tăng âm về chỉ số IIP.
Một số địa phương có chỉ số IIP đạt mức tăng khá cao do ngành công nghiệp chế biến, chế tạo; ngành sản xuất và phân phối điện tăng cao. Ở chiều ngược lại, một số địa phương có chỉ số IIP giảm do ngành công nghiệp chế biến, chế tạo; ngành khai khoáng và ngành sản xuất, phân phối điện giảm.
Không chỉ IIP, chỉ số Nhà quản trị mua hàng PMI cũng cho thấy điểm tích cực khi tăng trưởng trở lại sau 4 tháng giảm liên tiếp. Theo số liệu mà S&P Global công bố, PMI của Việt Nam tiếp tục tăng lên 48,7 điểm trong tháng 7, so với mức 46,2 điểm của tháng 6. Kết quả lần này cho thấy các điều kiện hoạt động đã suy giảm tháng thứ năm liên tiếp, mặc dù lần suy giảm này chỉ là nhẹ và là nhẹ nhất trong thời kỳ này.
Mặc dù, PMI vẫn dưới 50 điểm nhưng việc tiến sát đến mốc này cho thấy nỗ lực không nhỏ của nền sản xuất của Việt Nam.
"Có những dấu hiệu cho thấy nhu cầu có thể ổn định khi số lượng đơn đặt hàng mới giảm chậm nhất trong thời gian năm tháng. Các doanh nghiệp kỳ vọng điều này có thể giúp số lượng đơn đặt hàng tăng trở lại trong những tháng tới", ông Andrew Harker, Giám đốc Kinh tế tại S&P Global Market Intelligence nhận định.
So với ASEAN, PMI của Việt Nam vẫn thấp hơn mức chung là 50,8 điểm, song đã vượt qua Singapore (48,5) và Malaysia (47,8). Tuy vậy, Việt Nam vẫn thấp hơn Indonesia (53,3 điểm), Philippines (51,9), Myanmar (51,1) vàThái Lan (50,7) khi các quốc gia này có các điều kiện hoạt động cải thiện mạnh hơn trong tháng 7.
Về xuất khẩu, dù cho xuất khẩu tiếp tục giảm so với cùng kỳ, nhưng mức giảm chỉ ở mức thấp 3,5%, đặc biệt, kim ngạch xuất khẩu tháng 7 đã tăng lên mức cao nhất trong vòng 9 tháng. Mức giảm 3,5% này đã kéo sụt giảm xuất khẩu bình quân cả 7 tháng đầu năm từ giảm 12% lên chỉ còn 10,6%.
Đáng chú ý, mặt hàng máy tính và linh kiện điện tử tăng vọt 32% so với cùng kỳ cho thấy vẫn có những điểm sáng trong bức tranh u ám chung.
Báo cáo từ HSBC nhận định, vốn FDI mới vào Việt Nam đạt 3% GDP trong quý II/2023, ngang bằng với năm 2022 nhưng so với các quốc gia trong khu vực, Việt Nam vẫn là nước nhận FDI lớn thứ hai trong ASEAN tính theo phần trăm GDP, chỉ sau Malaysia.
Đặc biệt, các gã khổng lồ công nghệ trên thế giới, bao gồm Infineon, LG, Foxconn, tiếp tục công bố kế hoạch mở rộng tại Việt Nam. Tất cả những yếu tố này mang lại kỳ vọng ngành công nghiệp của Việt Nam sẽ phục hồi mạnh mẽ.
Động lực tăng trưởng cuối năm vẫn trông chờ vào nội địa
Đánh giá về những yếu tố này, PGS. TS. Bùi Quang Tuấn, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam cho rằng, các yếu tố sản xuất công nghiệp, xuất khẩu đã tích cực hơn song động lực tăng trưởng nửa cuối năm vẫn phải trông chờ rất nhiều vào thị trường nội địa.
Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam đánh giá, trong giai đoạn nửa cuối năm 2023, môi trường bên ngoài khó khăn sẽ gây tác động rất lớn đến Việt Nam. Dù trong tháng 7 đã có nhiều điểm tích cực nhưng cần nhìn nhận rằng nếu chỉ dựa vào bên ngoài không sẽ rất khó để phục hồi một cách mạnh mẽ.
Vì vậy, cần tính tới dựa nhiều hơn vào thị trường trong nước làm các trụ cột cho tăng trưởng. “Những trụ cột khoẻ mạnh cần được phát huy và những trụ cột yếu cần có phương án dự phòng”, ông Tuấn nói.
Ông cho rằng, xuất khẩu hiện là một trụ cột đang yếu còn tiêu dùng trong nước sẽ có triển vọng tiếp tục dẫn dắt tăng trưởng trong giai đoạn cuối năm.
Theo số liệu từ Tổng cục Thống kê, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 7 ước tính tăng 1,1% so với tháng trước và tăng 7,1% so với cùng kỳ năm trước.
Tính chung 7 tháng năm 2023, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng 10,4% so với cùng kỳ năm trước, trong đó doanh thu du lịch lữ hành tăng 53,6%.
Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 7 tiếp tục tăng trưởng, đặc biệt đây là tháng đầu tiên có hơn 1 triệu lượt khách quốc tế đến Việt Nam, tăng 6,5% so với tháng trước và gấp 2,9 lần cùng kỳ năm trước đó.
Rất nhiều địa bàn du lịch lớn có doanh thu dịch vụ lữ hành 7 tháng đầu năm tăng cao so với cùng kỳ năm trước, như Đà Nẵng tăng 99,7%; Hà Nội tăng 89,7%; Quảng Ninh tăng 82,5%; Khánh Hòa tăng 75,1%...
Những yếu tố này là động lực quan trọng dẫn dắt tăng trưởng nửa cuối năm.
Bên cạnh đó, giải ngân vốn đầu tư công được dự báo sẽ tăng tốc trong nửa cuối năm. Theo số liệu từ Tổng cục Thống kê, trong tháng 7, vốn nhà nước thực hiện đạt 58,5 nghìn tỷ đồng, tăng tới 28,4% so với cùng kỳ năm trước. Luỹ kế hết tháng 7, vốn đầu tư nhà nước đạt 291 nghìn tỷ đồng, tăng 22,1%, cao hơn gần gấp đôi so với mức 12,3% trong 7 tháng đầu năm 2022.
Chuyên gia cũng cho rằng, Chính phủ sẽ quyết liệt đẩy mạnh đầu tư công hơn nửa trong nửa cuối năm để hoàn thành mục tiêu giải ngân ít nhất 95% vốn đầu tư công trên tổng số 711 nghìn tỷ đồng mà Quốc hội giao.
Về con số tăng trưởng, ông Tuấn bày tỏ quan điểm khá thận trọng với mục tiêu tăng trưởng hiện tại, bởi nếu muốn đạt tăng trưởng GDP 6% cả năm thì 6 tháng cuối năm sẽ phải đạt 8%, đây là mục tiêu gần như không thể trong điều kiện kinh tế bên ngoài chưa có gì khởi sắc, bên trong còn gặp rất nhiều khó khăn, chưa thấy những trụ cột tăng trưởng rõ rệt.
Trong bối cảnh này, nên đặt mục tiêu tăng trưởng khiêm tốn hơn 5-5,5%, quan trọng nhất là khôi phục được lực lượng doanh nghiệp làm sao để họ vượt qua được giai đoạn khó khăn. Khi đã bảo toàn được lực lượng này thì họ sẽ phục hồi trong thời gian tới, ông Tuấn cho hay.