Chuyên gia Nguyễn Xuân Thành: Vẫn có xác suất chính sách tiền tệ sẽ đảo chiều trong năm 2024
Trong cuộc họp mới nhất của Fed vào đầu tháng 11, Fed đã quyết định tiếp tục giữ nguyên lãi suất điều hành trong vùng mục tiêu 5,25-5,5%. Đây là cuộc họp thứ hai liên tiếp Fed giữ nguyên lãi suất điều hành sau đợt tăng kéo dài trước đó.
Đồng thời, thị trường cũng nghiêng về kịch bản Fed ngừng tăng lãi suất trong cuộc họp tiếp theo, với xác suất tăng lãi suất cao nhất là gần 30% vào cuộc họp cuối tháng 1/2024. Việc Fed dừng tăng lãi suất làm giảm áp lực lên tỷ giá khi đồng USD đã giảm nhẹ từ đầu tháng 11 đến nay.
Dự báo về chính sách tiền tệ năm 2024 tại "Diễn đàn Đầu tư 2024: Theo dấu dòng tiền", Chuyên gia kinh tế Nguyễn Xuân Thành, Đại học Fulbright Việt Nam nhìn nhận có thể thấy rất rõ nhà điều hành đang muốn duy trì chính sách tiền tệ hỗ trợ cho tăng trưởng.
Áp lực đối với Chính phủ trong giai đoạn 2024 - 2025 rất lớn bởi giai đoạn này cần lấy lại đà tăng trưởng để đạt mục tiêu tăng trưởng GDP trung bình 6,5% của cả nhiệm kỳ. Do đó, cả về chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ đều ưu tiên hỗ trợ tăng trưởng.
Tuy nhiên, ông Thành cho biết mong muốn như vậy nhưng để hiện thực hoá điều này thì còn phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố. Hiện tất cả ngân hàng Trung ương trên thế giới đều điều hành chính sách theo hướng “dò đường”.
"Tự tin trong điều hành của các ngân hàng trung ương hiện nay rất thấp, khả năng mắc sai lầm rất cao, ngay cả kể cả Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed)", ông nói.
Theo ông, chính sách tiền tệ của Việt Nam ở thời điểm này hầu hết mang tính thích ứng, đối phó với các rủi ro, biến động chứ chưa thể dài hạn. Vì vậy, mục tiêu của Chính phủ trong năm 2024 là duy trì trạng thái chính sách tiền tệ như hiện nay.
Theo chuyên gia, tăng trưởng tín dụng năm nay có thể đạt khoảng 11%, thấp hơn so với mục tiêu 14% của Ngân hàng Nhà nước (NHNN). Vì vậy, năm tới NHNN vẫn phải quyết liệt để thúc đẩy tăng trưởng tín dụng đạt mục tiêu 14 - 15% nhằm hỗ trợ cho tăng trưởng kinh tế.
Với định hướng đó, một chính sách tiền tệ nới lỏng là vẫn phải duy trì nhưng vẫn có xác suất đảo chiều chính sách khi hai yếu tố tỷ giá và lạm phát quá nóng.
Trong trường hợp vẫn giữ được lạm phát ở mức dưới 4% và áp lực mất giá của VND không quá lớn, chính sách tiền tệ sẽ không phải đảo chiều, chuyên gia dự báo. Cụ thể với tỷ giá, vị chuyên gia này cho rằng năm nay, tiền đồng đã mất giá khoảng 4,7% sang năm thì chắc chắn các nhà điều hành sẽ muốn một tỷ lệ mất giá thấp hơn.
Trong điều kiện bình thường, NHNN sẽ cố gắng để không tăng lãi suất điều hành nhưng nếu xuất hiện sức ép thì buộc phải thay đổi để thích ứng. Điều này phải quan sát từng tháng năm 2024 thì mới có thể phán đoán được.
Ở thời điểm hiện tại, USD Index đã có dấu hiệu giảm liên tục trong những ngày gần đây khi Fed tuyên bố dừng tăng lãi suất. Nếu như đồng USD vẫn tiếp tục giữ ở mức lãi suất cao nhưng không lên giá thì sẽ không tác động nhiều đến chính sách tiền tệ của Việt Nam. Từ đó, NHNN có dư địa để tiếp tục mở rộng chính sách tiền tệ.
Với vấn đề lãi suất, chuyên gia Nguyễn Xuân Thành dự báo lãi suất đã ở đáy và khó có thể giảm thêm nữa nhưng nếu duy trì được mặt bằng lãi suất này trong cả năm 2024 thì đây sẽ là tín hiệu tích cực đối với nền kinh tế.
Đồng quan điểm, ông Trần Hoài Nam, Phó Tổng Giám đốc HDBank cũng cho rằngkhông còn nhiều dư địa để giảm lãi suất điều hành song lãi suất cho vay vẫn sẽ tiếp tục giảm.
Ông cho biết, lãi suất cho vay luôn có độ trễ hơn lãi suất tiền gửi, các ngân hàng thương mại đã có thời kỳ nâng lãi suất cho vay lên cao trong giai đoạn nền kinh tế khó khăn cuối năm 2022, đầu năm 2023.
Bên cạnh đó, room tín dụng ở các ngân hàng đã sớm được NHNN điều chỉnh từ tháng 7 vừa qua, khi các yếu tố vĩ mô tiến triển tích cực hơn cùng môi trường lãi suất thấp thì nhu cầu giải ngân vốn tín dụng sẽ tăng. Hiện các ngân hàng thương mại đều thừa thanh khoản.
Vì vậy, lãi suất cho vay được dự báo sẽ tiếp tục giảm dần từ nay đến cuối năm và sang quý I năm sau nhưng khó có thể dự báo trong thời gian dài vì còn phải tùy thuộc vào biến động kinh tế vĩ mô trong nước và thế giới.