|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Tài chính

Chuyên gia: Ngành ngân hàng sẽ rất khó khăn trong năm 2023, đỉnh điểm rơi vào quý I

12:12 | 10/03/2023
Chia sẻ
Ông Trần Ngọc Báu, CEO WiGroup cho rằng năm 2023, ngành ngân hàng sẽ ghi nhận tăng trưởng lợi nhuận tương đối tiêu cực chứ không tích cực như một số dự phóng cập nhật đến thời điểm hiện tại.

Tại talkshow "Cập nhật vĩ mô tháng 3/2023", ông Trần Ngọc Báu, CEO WiGroup cho rằng nhiều khả năng ngành ngân hàng sẽ gặp khó khăn vì tín dụng tăng trưởng tương đối thấp.

"Năm 2023, một vài đơn vị dự phóng lợi nhuận ngành ngân hàng có thể tăng trưởng 5-10%. Nhưng, tôi cho rằng những con số dự phóng này vẫn hơi tích cực bởi 2022 là một năm mà lợi nhuận của các ngân hàng nhìn chung khá cao. Do đó, năm 2023, để ngân hàng tăng trưởng khoảng 10% là hơi khó.

Hay nói cách khác, năm 2023 sẽ ghi nhận tăng trưởng lợi nhuận tương đối tiêu cực chứ không tích cực như một số dự phóng cập nhật đến thời điểm hiện tại. Bởi những nhóm ngành dẫn dắt thị trường chính như ngân hàng, bất động sản sẽ rất khó khăn trong 2023, đỉnh điểm sẽ rơi vào quý I và giảm dần vào quý III, quý IV," ông Báu cho hay.

Nhìn vào kết quả kinh doanh năm 2022, tiền gửi không kỳ hạn (CASA) toàn bộ hệ thống giảm rất nhanh, làm chi phí vốn tăng, NIM của các ngân hàng bị ảnh hưởng. Lãi suất đầu vào cũng tăng, đầu ra gặp khó khăn bởi thị trường bất động sản. 

 Ông Trần Ngọc Báu, CEO WiGroup. 

Đồng quan điểm, ông Phan Lê Thành Long, CEO AFA Group cho rằng có khá nhiều chỉ số vĩ mô sẽ tác động trực tiếp vào ngành ngân hàng – ngành chiếm trọng số lớn nhất về lợi nhuận trên thị trường chứng khoán. Kinh tế ảm đạm dẫn đến nhu cầu tín dụng cũng bị ảnh hưởng theo, do đó tăng trưởng tín dụng quý I năm nay chắc chắn là thấp, đương nhiên kết quả lợi nhuận của ngân hàng sẽ yếu đi.

Song, kết quả kinh doanh và lợi nhuận của khối ngân hàng còn phụ thuộc rất nhiều vào các mô hình tài chính được sử dụng trong việc lập báo cáo tài chính. Chỉ riêng vấn đề phân loại nợ, dư nợ cho lĩnh vực bất động sản, trái phiếu đã có Nghị định 08. Có thể bản chất nhiều khoản trái phiếu đã là nợ xấu nhưng với việc sử dụng kỹ thuật đàm phán, những khoản nợ này sẽ chưa tác động ngay vào các con số.

Còn các khoản nợ thuộc khối sản xuất nhiều khi sẽ phụ thuộc vào câu chuyện khẩu vị rủi ro, tức là ngân hàng phân loại nhóm nợ như thế nào. Chuyên gia cho rằng nhìn vào yếu tố bên ngoài có thể thấy nhiều khó khăn đối với ngành ngân hàng nhưng một số công ty chứng khoán vẫn dự báo lợi nhuận ngành tăng vì họ đang căn cứ vào hành động của các ngân hàng như sử dụng kỹ thuật để khiến con số trở nên tốt hơn.

Ông Nguyễn Minh Tuấn, CEO AFA Capital cho rằng nợ xấu là một điểm cần lưu ý trong năm 2023 của ngành ngân hàng bởi chỉ tiêu này có ảnh hưởng tới lợi nhuận của ngành năm nay.

Bức tranh chất lượng tài sản của ngân hàng hiện ra sao?

Báo cáo cập nhật mới đây của CTCP Chứng khoán VNDirect cho biết ngân hàng là ngành phụ thuộc nhiều vào những biến động kinh tế vĩ mô. Khi các chỉ báo vĩ mô trở nên lạc quan hơn cũng sẽ giúp cải thiện chất lượng tài sản của các ngân hàng.

Tuy nhiên, khó khăn trong ngành bất động sản và thị trường trái phiếu doanh nghiệp hiện nay vẫn chưa được giải quyết, và điều này sẽ tác động trực tiếp lên chất lượng tài sản của ngân hàng khi rủi ro nợ xấu đang dần hiện hữu… 

Theo Thông tư 08/2020, tỷ lệ tối đa lấy vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn sẽ giảm từ mức 37% xuống 34% từ ngày 1/10/2022 trở đi; và giảm còn 30% từ ngày 1/10/2023. Do cho vay bất động sản thường là các khoản vay trung và dài hạn, các ngân hàng sẽ không để dư nợ cho vay bất động sản tăng lên quá mạnh trong danh mục tín dụng.

Do vay vốn từ ngân hàng đã trở nên khó khăn hơn, thị trường trái phiếu doanh nghiệp đã chứng kiến sự bùng nổ mạnh mẽ kể từ 2020-2021 như một kênh dẫn vốn thay thế cho nguồn vốn từ ngân hàng đối với các doanh nghiệp bất động sản. Cuối 2022, giá trị trái phiếu doanh nghiệp bất động sản chiếm 35% trong tổng giá trị trái phiếu doanh nghiệp được phát hành.

Trái phiếu doanh nghiệp gặp khó khăn và doanh số ký bán suy yếu đã khiến cho các chủ đầu tư rơi vào tình trạng thiếu hụt dòng tiền một cách nghiêm trọng, làm ảnh hưởng lên khả năng trả nợ và theo đó tác động tiêu cực lên chất lượng tài sản cũng như là rủi ro tín dụng của các ngân hàng trong năm nay.

 

Bên cạnh vấn đề của thị trường bất động sản, công ty chứng khoán cũng nhận thấy một vấn đề khác liên quan đến việc các doanh nghiệp Việt Nam đang gặp khó khăn về thanh khoản, đặc biệt là các doanh nghiệp vừa và nhỏ. 

Các doanh nghiệp Việt Nam đang phải đối mặt với chi phí lãi vay tăng cao và việc này sẽ gây ảnh hưởng lên khả năng trả nợ. Mặt khác, việc tiếp cận vốn của các doanh nghiệp đang gặp nhiều khó khăn, khi kênh tín dụng ngân hàng vẫn hạn chế trong khi thị trường trái phiếu doanh nghiệp gần như đã đóng băng. 

"Những khó khăn trong việc tiếp cận vốn của doanh nghiệp và khả năng trả nợ suy giảm sẽ lại là một yếu tố tác động xấu đến chất lượng tài sản của ngân hàng trong năm 2023. Nghị định 08 mới ban hành được kỳ vọng sẽ giảm bớt một phần những khó khăn nói trên, khi điều luật cho phép các trái phiếu đã phát hành được đàm phán gia hạn thêm thời gian và nới lỏng một số điều kiện phát hành," báo cáo viết.

Chất lượng tài sản là “kim chỉ nam” đối với cổ phiếu ngân hàng

Các chuyên gia của VNDirect cho rằng giá cổ phiếu ngành ngân hàng có phần phụ thuộc vào diễn biến chất lượng tài sản của ngành nhiều hơn là diễn biến tăng trưởng lợi nhuận trong năm nay.

Nhà đầu tư cho rằng các ngân hàng sẽ ghi nhận tăng trưởng lợi nhuận một cách bền vững hơn trong dài hạn, nếu như chất lượng tài sản thực sự được cải thiện. Thực tế, trong giai đoạn nửa cuối 2021, nhà đầu tư đã có sự lo ngại về chất lượng tài sản của ngân hàng hậu đại dịch COVID-19.

Theo đó, giá cổ phiếu toàn ngành có sự sụt giảm nhẹ 3% (cuối 2021 so với cuối quý II/2021), mặc dù lợi nhuận cả năm vẫn tăng 30% so với cùng kỳ. Sang 2022, những sóng gió của ngành bất động sản và thị trường trái phiếu doanh nghiệp lại một lần nữa dấy lên những lo ngại về chất lượng tài sản, và chỉ số giá cổ phiếu ngành ngân hàng đã tiếp tục ghi nhận diễn biến tiêu cực (giảm 22% so với cùng kỳ), bất chấp lợi nhuận toàn ngành vẫn tăng trưởng mạnh 33,7% so với cùng kỳ.

Nhìn chung, một khi rủi ro về nợ xấu có dấu hiệu được giải quyết, cổ phiếu ngân hàng sẽ lấy lại đà tăng trưởng mạnh mẽ, theo quan điểm của VNDirect.

 

Phương Nga