|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Nhà đất

Chuyên gia: Môi giới địa ốc tay ngang hết thời tham gia thị trường

06:53 | 10/06/2024
Chia sẻ
Luật Kinh doanh bất động sản 2023 yêu cầu môi giới địa ốc phải có chứng chỉ hành nghề, giúp hạn chế tình trạng các tay ngang tham gia thị trường.

Ba luật Đất đai, Nhà ở và Kinh doanh bất động sản sửa đổi dự kiến có hiệu lực từ ngày 1/8, sớm 5 tháng so với quyết nghị của Quốc hội. Trong đó, Luật Kinh doanh bất động sản 2023 có nhiều điểm mới siết hoạt động môi giới địa ốc.

Cụ thể, môi giới bất động sản phải có chứng chỉ hành nghề, hoạt động trong sàn giao dịch hoặc doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ môi giới. Các môi giới sẽ hưởng thù lao, hoa hồng từ những đơn vị trên.

Các sàn giao dịch, môi giới phải cung cấp đủ, trung thực hồ sơ dự án và chịu trách nhiệm về thông tin mình cung cấp. Môi giới viên phải được đào tạo, bồi dưỡng nâng cao kiến thức hành nghề hằng năm.

"Luật Kinh doanh bất động sản có hiệu lực sớm sẽ loại bỏ tình trạng môi giới tay ngang tham gia thị trường, hạn chế việc giới thiệu, mua bán dự án ma", ông Nguyễn Văn Đính, Chủ tịch Hội Môi giới bất động sản Việt Nam (VARS) nói.

Ông Đính phân tích, trong thời gian dài, nhiều cá nhân tay ngang có thể dễ dàng làm môi giới bất động sản. Những người này có thể là sinh viên, xe ôm, người bán hàng rong, trà đá cho tới công chức... Hệ quả, Chủ tịch VARS "người người nhà nhà đi làm môi giới, chất lượng nhân sự không được kiểm soát".

Thực tế, ở giai đoạn thị trường sốt nóng, nhiều sàn môi giới tuyển người ồ ạt. Tuy nhiên, số môi giới viên chuyên nghiệp khá ít ỏi. Thống kê của VARS cho thấy cả nước có khoảng 300.000 môi giới, nhưng chỉ một phần mười trong số này có chứng chỉ hành nghề.

Môi giới thuyết minh về một dự án bất động sản ở phía Nam với khách hàng. Ảnh: Quỳnh Trần

Cùng quan điểm, ông Nguyễn Chí Thanh, Tổng giám đốc Công ty Cao ốc quốc tế Hồ Tây, cho rằng phần lớn môi giới tay ngang thường tiếp nhận, truyền tải thông tin thụ động từ nguồn phát đến khách hàng. Họ không có sự phân tích, kiểm định, đánh giá về các vấn đề như pháp lý dự án. Nhiều người không tập trung vào chất lượng sản phẩm, kỹ năng chuyên môn mà "chỉ để ý đến việc giành khách, 'cắt máu' gây ra nhiễu loạn thị trường".

Theo ông Thanh, tình trạng nhiều môi giới phủ sạch trách nhiệm sau khi hoàn thành giao dịch không hiếm gặp, khiến không ít khách hàng rơi vào rủi ro, nhất là khi mua phải dự án ma.

Tuy nhiên, với quy định mới, chuyên gia cho rằng đội ngũ môi giới bắt buộc làm việc nghiêm túc, chuyên nghiệp vì phải có chứng chỉ hành nghề và hoạt động trong sàn giao dịch. Các sàn có trách nhiệm quản lý nhân viên, công khai thông tin và chỉ được giới thiệu, mua bán dự án có đủ pháp lý, điều kiện chuyển nhượng. Mọi thù lao, hoa hồng của môi giới sẽ chuyển khoản qua ngân hàng.

Bên cạnh đó, luật mới cũng quy định các kỳ thi sát hạch, cấp chứng chỉ hành nghề môi giới sẽ do Bộ Xây dựng tổ chức. Theo Chủ tịch VARS Nguyễn Văn Đính, quy định này tăng vai trò, ràng buộc pháp lý của môi giới trong các giao dịch.

Bởi, trước đây việc tổ chức thi sát hạch và cấp chứng chỉ thuộc về Sở Xây dựng các địa phương. Tuy nhiên, ông Đính cho biết chưa đến một phần ba tỉnh, thành tổ chức các kỳ thi chứng chỉ môi giới bất động sản. Nhiều địa phương có đến chục nghìn môi giới viên như Hà Nội, TP HCM, nhưng chỉ tổ chức các cuộc thi sát hạch này 2-3 lần trong năm, với khoảng 2.000-3.000 người tham gia.

"Hoạt động môi giới sẽ đi vào nề nếp, chính quy và chuyên nghiệp hơn, giúp xã hội dần thay đổi cách nhìn nhận với nghề này", chuyên gia cho biết.

Ngọc Diễm