|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Tài chính

Chuyên gia: Lãi suất khó giảm nhanh, cánh cửa tín dụng không mở với tất cả

20:41 | 03/03/2023
Chia sẻ
Ông Phan Lê Thành Long, CEO AFA Group cho rằng với sức ép từ bên ngoài, nền kinh tế và cả lạm phát, lãi suất khó có thể giảm một cách mạnh mẽ.

Taị talkshow "Đi theo dòng tiền" ngày 3/3, ông Phan Lê Thành Long, CEO AFA Group cho rằng lãi suất huy động là một trong những yếu tố quan trọng bậc nhất quyết định việc giảm lãi suất cho vay, nhất là trong điều kiện hiện nay.

Theo đó, điều kiện đầu tiên cần xem xét và cân nhắc ở thời điểm này là áp lực từ bên ngoài. Cụ thể, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) vẫn tiếp tục bày tỏ quan điểm diều hâu. Đến khoảng cuối tháng 3 sẽ là kỳ họp Ủy ban Thị trường mở Liên bang (FOMC) và có thể mức lãi suất điều hành của Fed sẽ tăng thêm 0,5 điểm % - đây cũng là một áp lực khá lớn đối với câu chuyện lãi suất.

Ông Phan Lê Thành Long. (Ảnh: AFA Research & Education). 

Điểm thứ hai cần quan tâm là câu chuyện lạm phát tại Việt Nam. Con số lạm phát lõi công bố vào tháng 2 vừa qua cho thấy sẽ có một áp lực lớn đối với Việt Nam vào thời điểm này khi giá dầu thế giới có xu hướng tăng trở lại, tác động chi phí đầu vào. Thêm vào đó, một loạt giá hàng hoá như sắt, thép có thể tăng trở lại khi Trung Quốc mở cửa.

Một chỉ tiêu nữa cần quan tâm, theo ông Long là chỉ số quản trị thu mua (PMI). Trong tháng 2 vừa qua, PMI đã phục hồi lên trên 50 điểm. Nếu PMI dưới 50, nền kinh tế sẽ bị trì trệ như thời điểm cuối năm 2022. 

Với những yếu tố nêu trên, các ngân hàng thương mại có nhiệm vụ làm sao phải giảm được lãi suất cho vay. Muốn giảm lãi vay, phải giảm lãi suất huy động - lãi suất đầu vào. 

"Hiện nay, lãi suất huy động tại kỳ hạn 12 tháng của một số ngân hàng vẫn còn đang niêm yết trên 9%/năm. Một vài ngân hàng lớn đã giảm lãi suất tại kỳ hạn này xuống khoảng 7%/năm. Song, khó để giảm lãi suất một cách thực sự mạnh mẽ với sức ép từ bên ngoài, nền kinh tế và cả lạm phát. Khi PMI tăng trở lại, nhu cầu vốn lớn hơn, lãi suất không thể giảm sốc.

Nhìn chung, nhiệm vụ của Việt Nam hiện nay là phải tìm mọi cách để giảm lãi suất bởi nếu lãi suất tăng sẽ ảnh hưởng đến tăng trưởng kinh tế. Chúng ta cần chờ xem áp lực về lạm phát, giá nhiên liệu sẽ ra sao do năm 2023 là một năm bất định, tính bất định còn cao hơn năm 2022," ông Long cho hay.

Cánh cửa tín dụng không mở với tất cả nhu cầu vay vốn

Cũng theo của CEO AFA Group, không phải cứ huy động với lãi suất thấp thì lãi suất cho vay sẽ thấp. Và không phải lãi suất cho vay thấp thì có thể cho vay tất cả các thành phần trong nền kinh tế. Bởi khi cho vay, ngân hàng quan tâm nhất đến yếu tố rủi ro của khoản vay.

Điều này sẽ tác động tới hai quyết định, một là đối tượng cho vay. Nếu doanh nghiệp vô cùng rủi ro như có dư nợ trái phiếu lớn, mất cân đối về tài chính hay thuộc những lĩnh vực rất rủi ro như bất động sản, đặc biệt là những dự án bất động sản bị kẹt về pháp lý hay kẹt dòng tiền, các ngân hàng sẽ rất khó để ra quyết định cho vay.

Trong hội nghị tín dụng về bất động sản gần đây, NHNN cũng nhấn mạnh rằng không có chuyện ngân hàng thương mại hạ chuẩn tín dụng, tức không giảm điều kiện tín dụng để cho vay một cách dễ dãi.

Thứ hai, khi đã quyết định cho vay, mức lãi suất sẽ là bao nhiêu. Khi cho vay đối tượng rủi ro cao, ngân hàng sẽ phải áp lãi suất cao. Do đó, chuyên gia cho rằng không có chuyện huy động tốt, thanh khoản hệ thống dồi dào thì bất kỳ ai vay với lãi suất bao nhiêu cũng được.

Liên quan đến gói hỗ trợ của tín dụng bất động sản, ông Long cho biết gói đề xuất 120.000 tỷ đồng của NHNN đi đúng theo tinh thần của khối ngân hàng đó là không nới lỏng điều kiện cho vay.

Mặt khác, chuyên gia cho biết điều kiện lãi suất như hiện nay là cơ hội để các doanh nghiệp sản xuất  đẩy mạnh vay vốn. Bởi cho dù lãi suất cao, giá bán của doanh nghiệp cũng tốt hơn. Đặc biệt trong lĩnh vực xuất khẩu, các doanh nghiệp có lợi thế về tỷ giá và khách hàng.

Câu chuyện đặt ra là làm sao tăng được tốc độ quay vòng của một đơn hàng. Nếu làm được như vậy sẽ rút ngắn được thời gian vay vốn, chi phí vốn vay sẽ không "ăn" vào lợi nhuận của doanh nghiệp.

Về áp lực từ bên ngoài, ông Long cho rằng Fed tăng lãi suất còn phải trông chờ vào hành động của các ngân hàng trung ương khác như ECB hay BOJ và kể cả Việt Nam do chính sách sẽ tác động vào tỷ giá USD/VND.

Tuy nhiên, áp lực về tỷ giá năm 2023 sẽ không quá lớn, tạo dư địa cho NHNN đưa ra các chính sách tiền tệ linh hoạt trong việc điều hành tỷ giá và lãi suất. Với điều kiện tỷ giá tốt hơn, áp lực liên quan đến lãi suất sẽ không còn. Khả năng NHNN tăng lãi suất điều hành là không có, đây sẽ là một điểm tích cực của thị trường trong năm nay. 

Phương Nga