Chuyên gia khuyên không dùng nước khoáng nấu ăn
Gần một tuần sau sự cố nước sạch sông Đà bị nhiễm dầu thải, ngày 15/10 lãnh đạo thành phố Hà Nội khuyến cáo người dân không sử dụng nước này để nấu ăn, uống. Hàng loạt hộ gia đình sau đó đã thay thế bằng nước khoáng và nước tinh khiết đóng chai.
Nhiều gia đình phải mua nước đóng chai để sử dụng hàng ngày. Ảnh: Ngọc Thành
Tối 16/10, trao đổi với VnExpress qua điện thoại, GS.TSKH Trần Văn Sung, nguyên Viện trưởng Viện Hóa học, Viện Hàn lâm Khoa học và công nghệ Việt Nam khuyến cáo "không nên dùng nước khoáng để nấu ăn mà chỉ nên dùng nước sạch, tinh khiết".
GS Sung phân tích, các loại nước khoáng đã được xử lý và bổ sung các chất có lợi cho cơ thể gồm: magie, canxi, natri, kali... nếu dùng để nấu ăn, trước hết ảnh hưởng đến chất lượng thực phẩm. Khi nước nấu ở nhiệt độ cao sẽ tác động đến thành phần khoáng sinh ra cặn canxi, nattri... gây ảnh hưởng xấu đến sức khỏe, đặc biệt là những người thận yếu.
"Ngoài ra, các chất trong thực phẩm và thành phần khoáng của nước, khi đun ở nhiệt độ cao có thể xảy ra các phản ứng hóa học, không lường hết được tác hại", GS Sung nói và khuyên nước khoáng chỉ dùng để uống, không đun nấu.
Với các loại nước tinh khiết có nguồn gốc đảm bảo an toàn, có thể nấu ăn hàng ngày vì nước này không chứa khoáng chất.
Hiện trên thị trường có nhiều loại khác nhau gồm nước (khoáng, suối, tinh khiết). Theo PGS. TS Bùi Thị An, Chủ tịch Hội Hóa học Hà Nội, các loại nước này khác nhau về thành phần khoáng chất, nguồn sản xuất và giá trị sử dụng.
Trong đó nước khoáng có nhiều hàm lượng khoáng chất với hàm lượng ổn định, và phải có một số yếu tố đặc hiệu theo quy định tiêu chuẩn của thế giới hoặc Việt Nam.
Với nước tinh khiết không có thành phần vi khoáng. Nước suối nằm trong các tầng địa chất đặc biệt, có hàm lượng khoáng chất có lợi cho sức khỏe. Nhưng hàm lượng này trong nước suối không ổn định, không cao còn được gọi là nước thiên nhiên tiệt trùng.
Theo bà An, khi sử dụng người dân cũng cần đọc nhãn mác để biết đó là nước tinh khiết hay nước khoáng và các thành phần có trong nước để sử dụng cho phù hợp.
Trước đó, ngày 10/10 người dân nhiều quận ở Hà Nội như Thanh Xuân, Hoàng Mai, Nam Từ Liêm... phát hiện trong nước có mùi khét. Kết quả xét nghiệm sau đó xác định nước bị nhiễm chất Styren, có tỷ lệ cao hơn 1,3 - 3,6 lần so với mức cho phép.
Styren nằm trong danh mục những chất gây ô nhiễm không khí độc hại. Nếu tiếp xúc trong thời gian ngắn, styren có thể gây tác động tới hệ thần kinh, dẫn tới trầm cảm, mất tập trung, mệt mỏi, suy yếu và nôn mửa. Về lâu dài, styren có thể phá hủy gan và mô thần kinh, dẫn tới ung thư.
Đến 16/10, Công ty cổ phần Viwaco (đơn vị tiếp nhận nước sạch sông Đà để cấp cho khu vực phía Tây Nam Hà Nội) thông báo "ngừng cấp nước để súc xả tuyến ống truyền tải nước sạch từ nhà máy nước sông Đà".
Trong thông báo này cũng không nói thời gian cấp lại nước do "phụ thuộc vào quá trình thau rửa của Công ty Cổ phần nước sạch sông Đà".
Tổng số khách hàng trên địa bàn Hà Nội sử dụng nguồn nước của Nhà máy nước sông Đà khoảng 250.000 hộ. Tuy nhiên, hiện cơ quan chức năng chưa cung cấp số lượng các hộ chịu ảnh hưởng từ sự cố nước sạch lần này.