|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Chuyên gia KBSV chỉ ra 4 yếu tố thúc đẩy cùng hai rủi ro chính tác động tới triển vọng kinh tế Việt Nam

11:13 | 18/04/2022
Chia sẻ
Bên cạnh hai yếu tố rủi ro là xung đột Nga - Ukraine và chiến lược Zero COVID của Trung Quốc, kinh tế Việt Nam trong năm nay được hỗ trợ bởi các yếu tố như đầu tư công, sự quay lại của dòng vốn FDI...

Trong báo cáo vĩ mô mới đây, CTCP Chứng khoán KB Việt Nam (KBSV) giữ nguyên mức dự báo tăng trưởng năm 2022 đạt 6.3% và kỳ vọng tăng trưởng GDP so với cùng kỳ trong quý II sẽ duy trì đà tăng 6% khi nền kinh tế hoạt động bình thường với chiến dịch "sống chung với COVID".

 

4 yếu tố thúc đẩy tăng trưởng kinh tế Việt Nam

Theo đó, các yếu tố hỗ trợ tăng trưởng bao gồm: Đầu tư công; Xuất khẩu tiếp tục được hưởng lợi nhờ lộ trình tham gia các hiệp định FTAs; Sự quay lại của dòng vốn FDI và Tiêu dùng nội địa hồi phục tích cực.

Cụ thể, đối với đầu tư công, KBSV cho biết một số tín hiệu tích cực về tiến độ giải ngân đầu tư công trong 3 tháng đầu năm đã xuất hiện với vốn đầu tư thực hiện từ nguồn vốn ngân sách Nhà nước ước đạt 76.300 tỷ đồng, bằng 14.4% kế hoạch năm và tăng 10.6% so với cùng kỳ.

 

Theo Tổng cục thống kê ước tính nếu đầu tư công tăng thêm 1% so với cùng kỳ thì GDP sẽ tăng thêm 0.058%, do đó KBSV cho rằng đầu tư công được kỳ vọng sẽ tạo động lực phục hồi cho nền kinh tế.

Cũng vì vậy, Chính Phủ đã có các phương án quyết liệt hiệu quả hơn nhằm đẩy nhanh tốc độ giải ngân đầu tư công và kịp thời xử lý các điểm nghẽn với mục tiêu đảm bảo hoàn thành giải ngân 100% theo kế hoạch được giao.

Bên cạnh đó, Kho bạc Nhà nước cũng linh hoạt hơn trong công tác kiểm soát chi nguồn vốn đầu tư với hai cơ chế: Kiểm soát trước thanh toán sau; Thanh toán trước kiểm soát sau đồng thời rút ngắn thời gian thanh toán vốn. Qua đó giúp tạo điều kiện tối đa cho việc giải ngân để không lỡ nhịp trong tiến trình phục hồi kinh tế, và chấm dứt tình trạng dồn việc giải ngân vào cuối năm.

Đối với xuất nhập khẩu, kim ngạch xuất khẩu hàng hoá của Việt Nam đạt 88.579 tỷ USD trong quý I, tăng 12,9% so với cùng kỳ. Số liệu từ Tổng Cục Hải Quan cũng cho thấy hầu hết các mặt hàng xuất khẩu truyền thống đến các đối tác thương mại lớn đều ghi nhận tăng trưởng mạnh so với cùng kỳ năm 2021.

Theo các chuyên gia của KBSV, việc các nền kinh tế lớn mở cửa trở lại kéo theo đó là sự gia tăng nhu cầu nhập khẩu hàng hoá và dịch vụ chính là động lực thúc đẩy tăng trưởng xuất khẩu của Việt Nam trong năm 2022.

Bên cạnh đó, các FTA được ký kết đang dần có hiệu lực (CPTPP, EVFTA, UKFTA, RCEP…), các doanh nghiệp xuất khẩu trong nước đang dần nắm bắt được các lợi thế cạnh tranh khi được hưởng lợi từ các mức thuế quan ưu đãi.

Giá hàng hoá xuất khẩu, nhất là các mặt hàng thế mạnh của Việt Nam (sắt thép, nông lâm thuỷ sản, gạo…) đang có xu hướng tăng là động lực quan trọng để gia tăng giá trị xuất khẩu. Ngoài ra, động lực thúc đẩy tăng trưởng xuất khẩu còn đến từ sự phục hồi của lĩnh vực sản xuất khi Việt Nam thực hiện chiến lược “sống chung với COVID".

Đối với dòng vốn FDI, KBSV kỳ vọng dòng vốn FDI tiếp tục vào Việt Nam nhờ việc mở cửa hoàn toàn giao thương quốc tế từ ngày 15/3. Điều này giúp tạo điều kiện thuận lợi cho các chuyên gia từ đối tác đến Việt Nam nghiên cứu và ký kết hợp đồng, đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án đã bị trì hoãn do ảnh hưởng bởi các đợt giãn cách và đóng cửa đường bay quốc tế trong năm 2020-2021.

 

Bên cạnh đó, Việt Nam vẫn đang là điểm đến lý tưởng nhờ các yếu tố thuận lợi nhờ số lượng lớn các hiệp định FDA đã ký kết, vị trí địa lý lý tưởng, lực lượng lao động dồi dào với chi phí nhân công thấp tương đối, cùng các chính sách hỗ trợ của Chính Phủ.

Bên cạnh những yếu tố trên, tiêu dùng nội địa hồi phục tích cực cũng là yếu tố hỗ trợ tăng trưởng kinh tế Việt Nam trong năm 2021. Các chuyên gia KBSV kỳ vọng ngành dịch vụ nhà hàng và du lịch sẽ phục hồi trở lại trong năm 2022.

Lĩnh vực này mới đây cũng cho những tín hiệu tích cực hơn nhờ các yếu tố: Mở cửa hoàn toàn giao thương quốc tế, du lịch từ ngày 15/3; Du lịch nội địa và quốc tế sôi động hơn, tương ứng với chỉ số Google Mobility tăng rõ nét so với mức thấp cuối tháng 9.

 

Hai yếu tố rủi ro chính ảnh hưởng tới sản xuất, xuất khẩu và lạm phát

Ở chiều ngược lại, các chuyên gia phân tích của KBSV cho rằng cuộc chiến tranh Nga - Ukraine, cùng với tình hình COVID ở Trung Quốc khi quốc gia này thực hiện chiến lược “Zero COVID” là hai yếu tố rủi ro chính, ảnh hưởng tiêu cực đến xuất khẩu, sản xuất và lạm phát trong nước.

Cụ thể, KBSV nhận định căng thẳng địa chính trị Nga - Ukraine là yếu tố khó lường có thể kìm hãm đà phục hồi của nền kinh tế thế giới cũng như Việt Nam.

Nguyên nhân là do xung đột Nga – Ukraine tác động khiến lạm phát, lãi suất tăng, cũng như thu hẹp không gian chính sách nới lỏng tài khoá và tiền tệ của Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước. Cuộc xung đột cũng khiến nguồn cung hàng hóa cơ bản, nông sản và năng lượng thế giới bị gián đoạn gia tăng áp lực chi phí đẩy lên tiến trình hồi phục.

 

Ngoài ra, nhu cầu tiêu dùng tại các quốc gia đối tác thương mại chính của Việt Nam là Mỹ và EU đều có xu hướng suy giảm do chịu ảnh hưởng trực tiếp từ cuộc chiến tranh, do vậy có thể trở thành thách thức lớn đối với hoạt động xuất khẩu của Việt Nam.

Trong khi đó, Trung Quốc đang đối phó đợt bùng phát dịch COVID-19 tồi tệ nhất kể từ khi quốc gia này kiểm soát thành công đại dịch vào năm 2020, kiên quyết theo chiến lược “Zero COVID” và áp đặt lệnh phong tỏa các thành phố lớn, cảng, và cửa khẩu gây ảnh hưởng tiêu cực tới chuỗi cung ứng toàn cầu và hoạt động xuất nhập khẩu giữa Việt Nam và Trung Quốc.

Phương Trang

Chủ tịch SSI: Rủi ro lớn nhất của thị trường nằm ở niềm tin nhà đầu tư
Công ty chứng khoán đặt mục tiêu doanh thu hợp nhất 8.112 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế 3.398 tỷ đồng. So với kết quả 2023, các chỉ tiêu này tăng lần lượt 13% và 19% và là mức cao kỷ lục.