|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Nhà đất

Chuyên gia: Hà Nội tăng diện tích tách thửa đất ở là cần thiết

15:03 | 28/09/2024
Chia sẻ
Theo chuyên gia, việc Hà Nội tăng diện tích tối thiểu được tách thửa nhằm giảm thiểu sự gia tăng dân số cơ học, tránh gây quá tải hạ tầng.

(Ảnh minh họa: Hoàng Huy).

UBND TP Hà Nội vừa ban hành Quy định về một số nội dung thuộc lĩnh vực đất đai trên địa bàn thành phố, áp dụng từ ngày 7/10.  

Trong đó, thành phố quy định hạn mức giao đất ở cho cá nhân tại đô thị và nông thôn. Cụ thể, tại các phường và thị trấn, mức tối thiểu là 50 m2, tối đa là 90 m2; tại các xã vùng đồng bằng, mức tối là 80 m2, tối đa là 180 m2; tại các xã vùng trung du lần lượt là 120 m2 và 240 m2; tại các xã vùng miền núi lần lượt là 150 m2 và 300 m2.

Đáng chú ý, Hà Nội đã quy định mới về các điều kiện, diện tích tối thiểu của việc tách thửa đất, hợp thửa đất. Theo đó, thửa đất ở tại các phường, thị trấn, diện tích nằm ngoài đường giao thông, công trình hạ tầng kỹ thuật, không gian công cộng, sau khi tách không được nhỏ hơn 50 m2, chiều dài trên 4 m và chiều rộng giáp đường giao thông từ 4 m trở lên. 

Với các xã vùng đồng bằng, diện tích đất ở sau tách thửa tối thiểu là 80 m2, các xã vùng trung du 100 m2, còn các xã miền núi tối thiểu 150 m2.

So với Quyết định số 20/2017, quy định mới đã nâng diện tích tách thửa tối thiểu tại các phường, thị trấn từ 30 m2 lên 50 m2. 

ThS. Nguyễn Văn Đỉnh, Chuyên gia pháp lý bất động sản. (Ảnh: NVCC).

Trao đổi với người viết, ông Nguyễn Văn Đỉnh, Chuyên gia pháp lý bất động sản bày tỏ quan điểm tán thành với quy định mới này của Hà Nội. Theo vị này, khi đánh giá về một chính sách thì cần phải nhìn nhận trên nhiều khía cạnh, bao gồm tính hợp pháp và tính hợp lý.

Về tính hợp pháp, ông Đỉnh cho rằng việc UBND TP Hà Nội ban hành quy định điều kiện, diện tích tối thiểu của việc tách thửa đất, hợp thửa đất là thực hiện đúng thẩm quyền được giao tại Điều 220 Luật Đất đai 2024.

Về tính hợp lý, chuyên gia đồng ý với ý kiến của cơ quan chủ trì soạn thảo, rằng quy định theo hướng siết chặt điều kiện tách thửa, diện tích, kích thước tối thiểu được tách thửa sẽ giúp phát triển bền vững đô thị và nâng cao chất lượng đời sống của người dân, tránh gây quá tải hệ thống hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội.

"Có thể thấy rõ rằng TP Hà Nội đang xây dựng, thực thi các chính sách nhất quán nhằm giảm thiểu sự gia tăng dân số cơ học, đặc biệt tại khu vực nội đô. Việc này nhằm đảm bảo chất lượng sống và duy trì các giá trị văn hóa, lịch sử của Thủ đô.

Trước đó, HĐND Thành phố đã ban hành Nghị quyết số 10/2023/NĐ-HĐND về diện tích nhà ở tối thiểu để đăng ký thường trú. Với trường hợp thuê, mượn, ở nhờ thì diện tích nhà ở phải đạt tối thiểu 15 m2/sàn/người với khu vực nội thành, 8 m2/sàn/người với khu vực ngoại thành. Việc nâng cao diện tích tối thiểu được tách thửa cũng có ý nghĩa tương tự, giúp hạn chế sự bùng phát dân số", ông Đỉnh đánh giá.

Chuyên gia cũng nêu quan điểm cần phải cảm thông với chính quyền Hà Nội bởi tốc độ gia tăng dân số quá mạnh mẽ. Nếu không kiểm soát được dân số thì sẽ dẫn đến quá tải hạ tầng (nhận biết qua hiện tượng tắc đường, ô nhiễm, quá tải trường công, bệnh viện công…) Việc Hà Nội đặt ra các “hàng rào kỹ thuật” để kiểm soát gia tăng dân số là cần thiết.

Bàn luận về vấn đề này, một số chuyên gia cũng cho rằng việc nâng diện tích tách thửa tối thiểu tại các phường, thị trấn sẽ giúp hạn chế tình trạng phân lô, tách thửa tràn lan, phá vỡ quy hoạch đô thị tại khu vực trung tâm. Bởi Hà Nội là đô thị đặc biệt với áp lực gia tăng dân số cơ học lớn, trong đó mật độ dân số tập trung cao tại các quận nội thành. 

Trong khi đó, có chuyên gia lo ngại quy định mới của Hà Nội có thể tạo áp lực lớn cho người dân có nhu cầu về nhà đất, cũng như làm giảm khả năng tiếp cận nhà ở của một số người, từ đó tác động tới thanh khoản thị trường bất động sản.

Hà Lê