|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Tài chính

Chuyên gia gợi ý cách điều hành tỷ giá mà không bị vướng vào tình trạng lãi suất tăng cao

16:29 | 24/11/2022
Chia sẻ
Theo PGS.TS Phạm Thế Anh, các nước ASEAN-5 hiện vẫn theo chính sách tỷ giá thả nổi có quản lý và từ đầu năm đến nay đồng tiền của họ mất giá 9-10%, tương đương chúng ta, nhưng họ không bị vướng vào vấn đề lãi suất.

“Việt Nam nên theo đuổi chế độ tỷ giá thả nổi có quản lý thay vì chính sách neo tỷ giá như hiện nay”, PGS.TS Phạm Thế Anh, Trưởng bộ môn Kinh tế vĩ mô, Đại học Kinh tế quốc dân, Kinh tế trưởng Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế và Chiến lược Việt Nam (VESS) đề xuất tại Diễn đàn Chính sách Tài khoá và Phát triển Việt Nam 2022 ngày 24/11.

PGS.TS Phạm Thế Anh. (Ảnh: VESS).

Theo PGS.TS Phạm Thế Anh, các nước ASEAN-5 hiện vẫn theo chính sách tỷ giá thả nổi có quản lý và từ đầu năm đến nay đồng tiền của họ mất giá 9-10%, tương đương chúng ta, nhưng họ không bị vướng vào vấn đề lãi suất. Chúng ta cố tăng lãi suất để giữ bài toán tỷ giá nhưng hiện nay môi trường lãi suất của Việt Nam đã khá cao so với các nước ASEAN-5.

 

Ngoài ra ông cũng đề xuất chính sách tiền tệ cần loại bỏ các can thiệp hành chính, cụ thể là trần tín dụng.

“Mục tiêu cao nhất kiểm soát lạm phát là kiếm soát cung tiền, đặc biệt là kiểm soát tiền cơ sở, chứ không phải kiểm soát tín dụng. Tín dụng là hoạt động phải tuân theo nguyên tắc thị trường, miễn là các ngân hàng tuân thủ được các chỉ tiêu an toàn hệ thống, họ có thể tự do kinh doanh nguồn vốn mà họ huy động được. Trần tín dụng nên được loại bỏ”, ông nói thêm.

Nói về trần tăng trưởng tín dụng, biện pháp này được cho là kiểm soát lạm phát chính xác hơn so với cung tiền. Theo ông, một số nước khó kiểm soát tiền cơ sở sẽ áp dụng kiểm soát tín dụng. Lý do nữa là biện pháp này dễ sử dụng, ngoài ra nó còn làm giảm chi phí với khu vực công khi chặn tín dụng ra nền kinh tế, dòng vốn ngân hàng sé chảy vào trái phiếu chính phủ.

Về nhược điểm, PGS.TS Phạm Thế Anh cho rằng áp dụng trần tín dụng làm giảm tính cạnh tranh của ngành ngân hàng, gây ra dư thừa cung tiền và có thể nắn dòng vốn ngân hàng vào trái phiếu chính phủ, từ đó làm giảm đầu tư khu vực tư nhân. Ngoài ra ông cũng đề cập đến việc nó có thể gây ra hậu quả dòng vốn trá hình sang dạng khác và dịch chuyển tài sản trong nước ra nước ngoài.

Thông tin thêm, ông cho biết hiện hay hầu hết các nước đã bỏ. Những nước áp dụng trần tín dụng trước đây thường có đặc điểm là thị trường tài chính chịu sự điều tiết cao, hệ thống ngân hàng thiếu cạnh tranh, thị trường trái phiếu chính phủ kém phát triển, thị trường vốn kém phát triển và có kiểm soát dòng vốn ra.

Tăng trưởng cung tiền của Việt Nam có xu hướng giảm nhưng vẫn ở mức cao, tăng trưởng tiền tệ cơ sở không giảm. (Nguồn: VESS). 

Còn với Việt Nam, tốc độ tăng tiền cơ sở không giảm nhanh và nhất quán như cung tiền M2. PGS.TS Phạm Thế Anh cho rằng đây cũng có thể là một trong những lý do Việt Nam vẫn áp dụng trần tín dụng để góp phần làm chậm tốc độ tăng cung tiền, từ đó kiểm soát lạm phát.

Kinh tế trưởng của VESS nhấn mạnh nên sớm chấm dứt việc sử dụng trần tín dụng cũng như các can thiệp hành chính trực tiếp khác trên thị trường vốn/tiền tệ.

Thay vào đó, nên kiểm soát tiền cơ sở và cung tiền, điều tiết gián tiếp qua lãi suất mục tiêu và giám sát chặt chẽ các ngân hàng thương mại.   

Hồng Hà