|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Tài chính

Chuyên gia giục Nhật Bản tăng nới lỏng tiền tệ

14:56 | 12/10/2016
Chia sẻ
Yutaka Harada – chuyên gia cấp cao tại Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BOJ) cho biết cơ quan này không nên ngần ngại tăng kích thích tiền tệ, nếu các cú sốc kinh tế thế giới ảnh hưởng đến mục tiêu lạm phát.
chuyen gia giuc nhat ban tang noi long
Người đàn ông đạp xe ngang qua trụ sở Ngân hàng Trung ương Nhật Bản tại Tokyo ngày 18/3/2009. Ảnh: Reuters

Harada phủ nhận ý kiến cho rằng BOJ đã hết chính sách để kích thích nền kinh tế. Ông nhấn mạnh họ vẫn còn có thể giảm lãi suất, tăng mua tài sản hoặc tăng tốc in tiền. “Nhật Bản còn lâu mới chạm giới hạn nới lỏng tiền tệ”, Harada cho biết trong một bài phát biểu trước các lãnh đạo doanh nghiệp tại tỉnh Nagano tuần này.

Tháng trước, BOJ đã tuyên bố thay đổi chính sách, tập trung vào lãi suất thay vì tăng in tiền. Chính sách mua lại tài sản quy mô lớn kéo dài vài năm nay vẫn chưa thể giúp nền kinh tế thoát khỏi nhiều thập kỷ ì ạch.

Theo khung kiểm soát mới, BOJ lên kế hoạch giữ lãi suất trái phiếu Chính phủ kỳ hạn 10 năm quanh 0%. Cơ quan này cũng giữ nguyên lãi -0,1% với khoản tiền dự trữ vượt mức mà các tổ chức tài chính gửi tại ngân hàng trung ương.

Nhật Bản đã áp dụng lãi suất âm từ tháng 1 năm nay. BOJ kỳ vọng các ngân hàng thương mại sẽ dùng khoản dự trữ để cho vay, nhằm hồi sinh nền kinh tế đã trải qua 2 thập kỷ giảm phát. Tuy nhiên, tác động của nó được đánh giá vẫn chưa được như kỳ vọng.

Dù vậy, ông Harada lại bác bỏ những chỉ trích rằng chính sách lãi suất âm đang phản tác dụng, do nó ăn mòn lợi nhuận ngân hàng và khiến họ ngại cho vay. Ông cho rằng tín dụng sẽ tăng nếu việc nới lỏng của BOJ chấm dứt được giảm phát.

“Nếu giảm phát kết thúc, các công ty sẽ chi tiêu trở lại, và nhu cầu vay vốn ngân hàng cũng tăng theo. Trong tình hình hiện tại, tôi không cho rằng lãi suất âm có tác động lên lợi nhuận ngân hàng lớn đến mức ảnh hưởng tiêu cực đến cả nền kinh tế”, ông nhận xét.

Chuyên gia này cũng nhấn mạnh số trái phiếu Chính phủ mà BOJ nắm giữ chỉ tương đương 30% tổng nợ công của Nhật Bản. Điều này có nghĩa họ vẫn có thể mua thêm nữa. “BOJ không nên ngần ngại nới lỏng nếu mục tiêu bị tác động bởi những thay đổi đột ngột trong kinh tế toàn cầu”, Harada cho biết.

Thu Thảo