Chuyên gia: Cho phép ngân hàng mua lại TPDN đã phân phối là 'lối thoát' cho nhà đầu tư cá nhân
'Lối thoát' cho nhà đầu tư cá nhân
Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đang lấy ý kiến góp ý về dự thảo thông tư sửa đổi quy định về việc tổ chức tín dụng (TCTD) mua, bán trái phiếu doanh nghiệp (TPDN).
Dự thảo có một số quy định mới như cho phép TCTD được mua TPDN với mục đích bổ sung vốn lưu động; cho phép TCTD được mua lại TPDN chưa niêm yết đã bán; bổ sung điều kiện doanh nghiệp được bán trái phiếu cho TCTD;...
Đánh giá về những điểm mới tại dự thảo này, ông Nguyễn Quang Thuân, Tổng Giám đốc Fiin Ratings, cho rằng dự thảo đã có một số điểm khá tích cực.
Theo ông, việc cho phép TCTD mua TPDN trong đó có mục đích bổ sung vốn lưu động sẽ góp phần thuận lợi cho TCTD đầu tư trái phiếu của các doanh nghiệp thay vì như trước đây phải gắn với phương án phát hành cụ thể, thường chỉ được xác định được cho các chương trình, dự án đầu tư tài sản cố định.
Điều kiện của phương án này là TCTD phải quản lý được nguồn thu từ hoạt động kinh doanh và thu thập được đầy đủ tài liệu chứng minh việc sử dụng vốn lưu động. Điều này cũng phát huy được bản chất tín dụng của trái phiếu khi được mua và giám sát bởi TCTD.
Cùng với đó, việc cho phép mua lại trái phiếu đã phân phối trước ngày 31/12 là vấn đề có ý nghĩa nhất với chính các TCTD trong bối cảnh áp lực mua lại trái phiếu thời gian vừa qua.
Điều đó có thể tháo gỡ áp lực mà một số TCTD đang gặp phải do trước đó đã phân phối cho NĐT trong khi tổ chức phát hành gặp khó khăn về dòng tiền và không thể mua lại. Quy định mới này giúp nhà đầu tư có lối thoát và các ngân hàng cũng tránh được những rủi ro pháp lý khi phân phối trái phiếu.
"Điều này cũng góp phần giảm phần trái phiếu “trôi nổi” trên thị trường mà đang được sở hữu bởi nhà đầu tư cá nhân với thông tin cơ bản là "mù tịt" về tổ chức phát hành nếu doanh nghiệp chưa niêm yết", ông Thuân cho hay.
Đặc biệt, việc các ngân hàng mua lại TPDN và trở thành trái chủ cũng tạo thuận lợi cho việc đòi hỏi nhà phát hành thực hiện đúng cam kết bởi tổ chức phát hành và thường cũng là khách hàng vay vốn của ngân hàng.
Quy định về hệ số nợ/vốn chủ sở hữu đối với doanh nghiệp phát hành cũng giúp giảm thiểu rủi ro đối với các nhà phát hành có đòn bẩy cao mặc dù đáp ứng đủ các tiêu chí của Nghị định 153 hoặc Nghị định 65 sửa đổi.
Đồng thời, mục đích sử dụng vốn của doanh nghiệp cũng được kiểm soát chặt chẽ hơn bằng quy định TCTD phải sử dụng thanh toán không dùng tiền mặt để thanh toán số tiền mua TPDN. Quy định này sẽ hạn chế các giao dịch tiền mặt và hoạt động mua/bán TPDN để tái cơ cấu nợ cho các doanh nghiệp sân sau.
Vẫn còn nhiều vấn đề tồn đọng
Mặc dù có những điểm tích cực như vậy nhưng theo ông Thuân, những vấn đề quan trọng nhất đối với nợ TPDN hiện nay là nhu cầu tái tài trợ hoặc cơ cấu lại nợ vẫn chưa được đưa ra trong dự thảo sửa đổi Thông tư 16 lần này. Trong khi đó áp lực nợ xấu từ TPDN đang gia tăng từng ngày.
Các ngân hàng chỉ được mua TPDN phát hành với mục đích bổ sung vốn lưu động chứ không được phép tái cơ cấu nợ và cũng không được mua TPDN với mục đích cho góp vốn, mua cổ phần, hoặc mua phần vốn góp tại doanh nghiệp khác và TPDN nhằm mục đích tăng quy mô vốn hoạt động.
Theo chuyên gia, với quy định này, nguồn vốn từ các TCTD chắc chắn không tác động đến việc giải quyết vấn đề của thị trường TPDN và tín dụng các doanh nghiệp bất động sản. Rủi ro đối với hệ thống tài chính vẫn rất hiện hữu, bởi khi một doanh nghiệp chậm trả trái phiếu thì sau đó sẽ có khả năng chậm trả nợ ngân hàng và nhảy nhóm nợ.
Tuy vậy, quy định cũng nhằm kiểm soát rủi ro mục đích sử dụng vốn của nhà phát hành, để "quả bom" từ TPDN tránh lây lan sang hệ thống ngân hàng.
Còn theo TS. Phạm Xuân Hòe, Nguyên Phó Viện trưởng Viện chiến lược ngân hàng, Tổng thư ký Hiệp hội Cho thuê Tài chính Việt Nam, các quy định trong dự thảo sửa đổi Thông tư 16 vẫn còn những mâu thuẫn.
Ông phân tích trái phiếu là nguồn vốn trung hạn cho các doanh nghiệp (trên 1 năm) và doanh nghiệp phát hành trái phiếu là để thực hiện các dự án. Tuy nhiên, quy định ngân hàng chỉ được mua trái phiếu trong trường hợp doanh nghiệp phát hành để bổ sung vốn lưu động (được hiểu là vốn ngắn hạn) lại không nhất quán với tính dài hạn của trái phiếu cũng như việc cho vay của ngân hàng.
Hơn nữa việc ngân hàng mua TPDN của doanh nghiệp sau đó có thể tái chiết khấu tại thị trường thứ cấp, bán lại cho một ngân hàng khác hay cho một nhà đầu tư khác giúp vốn trung dài hạn trở thành vốn ngắn hạn và luân chuyển được dòng tiền. Do đó, việc quy định chỉ được mua TPDN nhằm mục đích bổ sung vốn lưu động cần được xem xét lại.
Cần loại bỏ việc tạo ra ngân hàng để cho vay công ty sân sau
Ông Phạm Xuân Hoè cũng chỉ ra hai vấn đề căn cơ gây ra sự tiêu cực của thị trường TPDN cần xử lý triệt để.
Một là, doanh nghiệp phát hành phải đáp ứng đủ các tiêu chuẩn theo thông lệ quốc tế, phải được chấm điểm xếp hạng tín nhiệm và đạt được các hệ số nợ nhất định.
"Không định chế nào giám sát tài ba bằng thị trường, khi doanh nghiệp chuyển từ xếp hạng AAA sang BBB, trái phiếu của doanh nghiệp lập tức bị bán tháo. Đây là phản ứng bình thường của thị trường, vì vậy doanh nghiệp cần minh bạch thông tin và giữ chất lượng trái phiếu nếu muốn thu hút được nhà đầu tư", ông Hoè cho hay
Thứ hai, phải xử lý được vấn đề về sở hữu chéo. Cần xử lý nghiêm túc các vụ việc này, chấm dứt tình trạng tạo ra các ngân hàng để cho vay các công ty sân sau.
Liên quan đến TPDN, một số ngân hàng tham gia giới thiệu trái phiếu của các công ty sân sau, thậm chí có trường hợp nhà đầu tư tố nhân viên ngân hàng “đánh lận con đen”. Điều này cực kỳ nguy hiểm và là gốc gác của những vấn đề tiêu cực trên thị trường trái phiếu và cả bất động sản.
Nếu hệ thống ngân hàng có vấn đề sẽ mất một thời gian rất dài để hồi phục thị trường tài chính, thậm chí kéo dài đến 10 năm hoặc hơn, ông Hoè cảnh báo.
Theo ông Hoè, chính sách không nên làm theo kiểu “xử lý tình huống”, như Nghị định 08 chỉ trì hoãn một số quy định của Nghị định 65 chứ không giải quyết vấn đề căn cơ. Nếu không tập trung vào gốc rễ của vấn đề thì việc ban hành các giải pháp ngắn hạn chỉ làm khủng hoảng trên thị trường tạm lắng được một thời gian rồi lại bùng phát bất kỳ lúc nào.
Diễn đàn Đầu tư Việt Nam 2025 (Vietnam Investment Forum 2025) với chủ đề “Khai thông & Bứt phá” do trang TTĐT tổng hợp VietnamBiz, Việt Nam Mới tổ chức sẽ diễn ra vào ngày 8/11/2024 tại GEM CENTER, TP HCM.
Sự kiện quy tụ giới chuyên gia cao cấp trong lĩnh vực đầu tư, tài chính là các nhà làm chính sách, CEO, CFO, CIO các ngân hàng, công ty chứng khoán, quỹ đầu tư, công ty bất động sản, các hãng xếp hạng, công ty cung cấp dữ liệu và hàng trăm nhà đầu tư có kinh nghiệm lâu năm trên thị trường chứng khoán và bất động sản.
Diễn đàn hứa hẹn mang lại không gian để các chuyên gia bàn luận về các xu hướng đầu tư mới, các góc nhìn chiến lược, mở ra nhiều ý tưởng đầu tư phù hợp cho giai đoạn mới. Đồng thời tạo cơ hội gặp gỡ, kết nối giữa nhà đầu tư và các đối tác tiềm năng trên thị trường.
Thông tin chi tiết chương trình: https://event.vietnambiz.vn/