|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Tài chính

Chuyên gia chỉ ra một số diễn biến bất lợi với tỷ giá đầu tháng 9

10:26 | 20/09/2023
Chia sẻ
Tỷ giá USD đã ghi nhận biến động mạnh trong vòng thời gian gần đây, tính từ đầu năm VND đã giảm giá 3,7% so với đồng USD do ảnh hưởng từ nhiều yếu tố bất lợi.

Tỷ giá USD trên thị trường liên ngân hàng tiếp tục chịu áp lực tăng mạnh thêm khoảng 300 điểm lên quanh vùng 24.400 VND/USD sau tuần đầu tháng 9 giằng co quanh vùng 24.050 - 24.100 VND/USD.

Tính từ đầu năm, VND đã giảm khoảng 3,7% so với đồng USD. Mức giảm này tương đương với một số đồng tiền khác như bath Thái - THB (-3,8%), Đô la Đài Loan - TWD (-4,5%); tuy nhiên vẫn thấp hơn một số đồng tiền như yen Nhật - JPY (-11%), nhân dân tệ - CNY (-5,7%), won Hàn Quốc - KRW (-4,8%)....

 Nguồn: BIDV Treasury.

Báo cáo phân tích của nhóm nghiên cứu & phân tích BIDV Treasury đã chỉ ra nhiều yếu tố tác động gây bất lợi với tỷ giá trong thời gian tới.

Đầu tiên là áp lực từ thị trường quốc tế tiếp tục gia tăng khi chỉ số USD Index tiếp tục tăng khoảng 1,7% lên trên mốc 105, mức cao nhất trong 6 tháng qua. Chỉ trong hai tháng gần đây chỉ số USD Index đã tăng tới 5,5%.

Các chuyên gia phân tích của BIDV nhận định rằng đà tăng của chỉ số USD lần này bền vững hơn một số đợt tăng khác trong tháng 2 và tháng 3 năm nay do triển vọng kinh tế Mỹ hạ cánh mềm và thoát khỏi cuộc suy thoái trong giai đoạn tới đang trở nên sáng sủa hơn.

Đồng thời, một số nền kinh tế đối trọng với Mỹ là EU và Trung Quốc đang đối mặt với khó khăn với những câu chuyện riêng, chẳng hạn như EU là vấn đề giá cả hàng hóa leo thang khiến cán cân thương mại thâm hụt sâu hơn hay Trung Quốc là câu chuyện về thị trường bất động sản.

Thứ hai, cân đối cung cầu trong nước ở mức thặng dư nhẹ khoảng 200 triệu USD sau khi deal bán vốn của VPBank đã hoàn tất. Tuy nhiên, thị trường cũng phát sinh một vài nhu cầu giao dịch lớn của Kho bạc Nhà nước và nhu cầu nhập khẩu xăng dầu tăng cao (do nhà máy Nghi Sơn tạm dừng hoạt động trong 2 tháng) trong thời gian gần đây.

Thứ ba, chênh lệch lãi suất VND-USD tiếp tục âm sâu kéo dài, kỳ hạn 1 tuần quanh khoảng (- 4,5) đến (-4,0) điểm%/năm làm gia tăng tình trạng găm giữ ngoại tệ.

Và cuối cùng là tâm lý thị trường tiếp tục chuyển dịch xấu hơn khi môi trường quốc tế kém thuận lợi và tỷ giá trong nước tăng nhanh.

Theo các chuyên gia phân tích, áp lực gia tăng lên tỷ giá USD/VND ở thời điểm hiện tại là khá dễ hiểu. Nhưng cũng cần lưu ý là bối cảnh hiện tại có nhiều khác biệt so với giai đoạn biến động cuối năm trước (cập nhật theo bản tin cập nhật dự báo tỷ giá USD/VND tháng 8/2023).

Môi trường tổng thể vĩ mô đã trở nên ổn định hơn và cân đối cung – cầu ngoại tệ từ các hoạt động cơ bản của nền kinh tế vẫn thặng dư tích cực (cán cân thương mại, kiều hối, giải ngân FDI...) sẽ là các nền tảng quan trọng cho sự ổn định của tỷ giá USD/VND khi nhìn về dài hạn.

Trong ngắn hạn, với dự báo các yếu tố chưa có thay đổi lớn, diễn biến của tỷ giá USD/VND sẽ phụ thuộc nhiều vào động thái can thiệp bình ổn của NHNN.

"Chúng tôi cho rằng tỷ giá USD/VND có thể hạ nhiệt, đà tăng chậm lại trong 1-2 tháng tới. Nếu không có những diễn biến quá bất ngờ, tỷ giá USD/VND trong năm nay có thể tăng khoảng 3-4%. Đây cũng là mức biến động phù hợp đặt trong tương quan với chênh lệch lãi suất giữa hai đồng tiền và diễn biến của cung cầu ngoại tệ trong nước", báo cáo viết.

Trong kịch bản tiêu cực hơn, khi áp lực quốc tế mạnh lên với đà tăng kéo dài của USD Index và tỷ giá USD/CNY kéo theo cung-cầu ngoại tệ trở nên thâm hụt lớn hơn, tỷ giá có thể tăng lên vùng tỷ giá bán của NHNN. Các chuyên gia cũng lưu ý rằng ở kịch bản này, tỷ giá thường nhanh chóng dịu xuống sau khi NHNN bán ngoại tệ can thiệp.

Còn trong kịch bản tích cực hơn, khi môi trường quốc tế dịu xuống, chênh lệch lãi suất VND - USD co hẹp kéo theo cung cầu ngoại tệ trong nước dồi dào hơn, tỷ giá có thể giảm xuống về vùng 24.000 VND/USD..

Huyền Phương